Trong cuộc "chạy đua" sách điện tử

ANTD.VN - Nếu như trước đây các đơn vị xuất bản thường không mấy mặn mà với sách điện tử do tập trung vào mảng sách in thì nay thị trường này lại đang rất sôi động. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh đầy mới mẻ này cũng xuất hiện những rào cản nhất định.   

Thị trường sách điện tử đang sôi động với sự góp mặt của nhiều đơn vị xuất bản

Không sợ “đá chéo” sân

Tính đến đầu năm 2016, cả nước có khoảng 7 đơn vị tham gia thị trường sách điện tử, đó là NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP.HCM, Công ty sách Phương Nam, Vinabook, Vinapo, Lạc Việt… Từ chỗ chỉ phát hành thử nghiệm, các Công ty đã cung cấp cho độc giả số lượng đầu sách khá đa dạng, hình thức hiện đại, bắt mắt. Alezaa - kho sách trực tuyến trực thuộc Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Vinapo có hơn 10.000 tựa sách hay Waka - thư viện Ebook của Công ty cổ phần Bạch Minh, chỉ sau 1 năm thành lập đã tiếp cận được hơn 1 triệu độc giả với hơn 6.000 đầu sách điện tử bản quyền…

Một tín hiệu khá tích cực là bên cạnh những công ty có thế mạnh về công nghệ, các đơn vị trước kia chủ yếu chỉ kinh doanh sách in như NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP.HCM hay NXB Công an nhân dân thì nay cũng đã chịu bước chân vào thị trường sách điện tử. Nhận định về xu thế thâm nhập vào địa hạt sách điện tử của các nhà xuất bản, ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Ybook - nhà sách ebook của NXB Trẻ cho biết, đây là xu thế chung của thị trường sách điện tử một vài năm trở lại đây.

Không chỉ liên kết với các đơn vị phân phối ebook có tiếng, các nhà xuất bản đều muốn xây dựng được kho sách điện tử để vươn cánh tay tới nhiều độc giả. Thực tế, NXB Trẻ - dù luôn đứng top đầu doanh thu về sách in, thì cũng không làm ngơ trước xu hướng xuất bản ebook. Cho đến nay, đơn vị này đã xây dựng kho sách tương đối lớn với khoảng 5.000 đầu sách, đa dạng nhiều lĩnh vực văn học, kinh tế, y học, công nghệ, khoa học, kỹ năng sống… 

Nếu như trước đây, các đơn vị xuất bản còn khá dè dặt trong việc xuất bản sách ebook, mà nguyên nhân có thể hiểu là sợ sách điện tử lấn sách in, thì nay tư duy này gần như đã thay đổi. Nhận định về điều này, ông Đồng Phước Vinh cho biết: “Sách giấy và sách điện tử có hai nhóm độc giả khác nhau. Có những người chỉ đọc sách điện tử, đó là thói quen. Còn nhóm những người mua sách in, thì họ vẫn mua thêm sách điện tử để mang đi cho tiện. Vì vậy, tôi cho rằng không có việc chồng chéo thị trường”.

Bài toán doanh thu

“Tổng doanh thu sách điện tử tại Việt Nam chỉ chiếm 1,8 - 2% tổng doanh thu toàn ngành sách” - đó là con số do bà Trần Phương Thảo, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách Thái Hà đưa ra tại Hội chợ sách quốc tế Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội tháng 9 năm ngoái. Điều này cho thấy rằng, sự chênh lệch doanh thu đang là rào cản lớn nhất khiến cho thị trường sách điện tử Việt Nam chưa thể bứt phá.

“Thử tính toán thế này, để làm một phiên bản điện tử thì đơn vị xuất bản phải mất 1 triệu đồng, nhất là số hóa các bản in của những cuốn sách cũ thì lại càng kỳ công và tốn kém. Như vậy để sản xuất hàng nghìn bản sách thì phải tốn vài tỷ đồng. Trong khi giá một bản sách điện tử có khi chỉ bằng 1/3 so với sách giấy”- ông Đồng Phước Vinh chia sẻ. Còn ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc thư viện ebook Waka từng phân trần, Waka đã và đang cung cấp những gói ebook miễn phí cho người sử dụng, nhưng chi phí bản quyền thì đơn vị này vẫn trả đầy đủ cho phía chủ sở hữu. Như vậy xác định là lỗ, nhưng vì cạnh tranh nên không có cách nào khác. 

Mặt khác, không thể phủ nhận nạn sách lậu gây áp lực rất lớn đến những người làm sách điện tử. Dẹp sách in lậu đã khó, với sách điện tử càng nan giải bởi tính chất công khai và ngày càng phổ biến của nó. Đã từng xảy ra chuyện khi nhà xuất bản đang loay hoay làm ebook thì trên mạng đã xuất hiện tràn lan bản in lậu, khiến cho nhà xuất bản dở khóc dở cười vì nhìn thấy thiệt hại rõ ràng. Ngành xuất bản  chưa ráo riết, cũng như chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm nên các nhà sách, dù muốn đẩy mạnh sách điện tử cũng khó, vì được thì ít, mà mất thì nhiều.