Tiễn biệt Xuân Tâm - người cuối cùng của phong trào Thơ mới

ANTĐ - 14h hôm qua (8-2) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra lễ viếng và tiễn đưa gương mặt thơ cuối cùng có tên trong tác phẩm nổi tiếng “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân- nhà thơ Xuân Tâm về nơi an nghỉ cuối cùng. Sự ra đi của nhà thơ Xuân Tâm đã khép lại một chặng đường “Thi nhân Việt Nam” với những “nhân chứng sống” đã làm nên một chặng đường thơ mới.

Nhà thơ Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp, ông sinh năm 1916 tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, Quang Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Xuân Tâm làm Giám đốc Sở Ngân khố Liên khu Năm. Tập kết ra Bắc, ông được điều về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho đến khi nghỉ hưu (năm 1977).

25 tuổi, ông đã ra mắt tập thơ đầu tay “Lời tim non” (năm 1941), gồm 35 bài. Sau khi ra tập thơ này, ông đã được hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh - Hoài Chân để mắt tới. Trong “Thi nhân Việt Nam” cũng giới thiệu bài thơ “Nghỉ hè” của Xuân Tâm, bài thơ được ông sáng tác năm 20 tuổi, từng được giải nhất trong cuộc thi của báo Bạn Đường (năm 1941).

Bài thơ đơn giản chỉ tả lại tâm trạng háo hức, vui sướng của chàng thanh niên Xuân Tâm thời ấy khi bước vào kỳ nghỉ hè, nhưng đằng sau câu chữ đã nói lên được những mơ ước xa xôi về một ngày mai đầy ánh sáng: “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ/Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã/Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu/Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu/Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ/Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ/Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi, em trông/Trên đường làng huyết phượng nở thành bông/Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt/Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót/Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui/Tay bắt tay, lòng không chút bùi ngùi/Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng”.

Ông từng nói về tâm trạng của mình khi sáng tác bài thơ này đại ý rằng, từ Quảng Nam ra Huế học trường Quốc học, anh em đa số cùng quê, mỗi năm đến kỳ nghỉ hè là tung tăng rủ nhau về đất Quảng, và những ký ức tuổi thơ ấy đã luôn in đậm trong ký ức của ông. Sau này, hai bài thơ in trong “Thi nhân Việt Nam” là “Xa lạ” và “Nghỉ hè” đã được đưa vào sách giáo khoa trích giảng văn học trong nhà trường ở Miền Bắc một thời.

Xuân Tâm là một thi sĩ đi ngang vào thơ, nên thời gian sau này, vì bận rộn với những công việc chính ở Ủy ban kế hoạch Nhà nước, ông không thể dành toàn tâm, toàn ý cho thi ca. Sau tập thứ nhất in năm 1941, mãi đến năm 1990, ông mới cho xuất bản tập thơ thứ 2 “Dòng thời gian”. Tập thơ là lời tâm sự chân tình của một người yêu thơ, vướng vào thơ như một định mệnh khó rời.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, một người từng có những kỷ niệm với nhà thơ Xuân Tâm khi biết tin buồn về nhà thơ Xuân Tâm đã chia sẻ: “Thời gian tôi còn làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nhiều lần nhà thơ Xuân Tâm đã đến Hội chơi và chuyện trò nhiều. Anh Xuân Tâm là một người hiền lành, đức độ. Thơ của anh được khen nhiều ở thời kỳ viết cho trẻ em và lứa tuổi học trò. Thời kỳ “Thi nhân Việt Nam” là thời kỳ đẹp nhất của anh. Tuy vậy, cái tên Xuân Tâm vẫn còn khá bỡ ngỡ với độc giả. Sau này, khi đất nước vào thời kỳ đổi mới, anh có viết trở lại, có nỗ lực để theo kịp thời đại mới nhưng anh vẫn chưa nhập vào dòng chảy chung của sự thay đổi ấy. Cũng bởi thế, có những lần, trong câu chuyện anh có chút ngậm ngùi, dù đối với anh những gì đã có, đã đạt được trong cuộc đời làm nghề cũng đã là một niềm hạnh phúc…”.