Thổi kèn bằng cả trái tim

ANTĐ - Nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc là con trai NSƯT Quyền Văn Minh - người có công gây dựng nhạc Jazz chuyên nghiệp tại Việt Nam.
 

May mắn được thừa hưởng từ cha cũng chính là người thầy những gì tinh túy nhất về âm nhạc, Quyền Thiện Đắc cứ thế mải miết trên con đường vô cùng chông gai trước mắt để Jazz được hiện diện một cách chuyên nghiệp nhất trên dải đất hình chữ S theo ước nguyện cả đời của cha. Trước lúc quay trở lại Học viện Âm nhạc Malmo, Thụy Điển để hoàn thành khóa học Thạc sỹ, Quyền Thiện Đắc đã trải lòng về quãng thời gian miệt mài đã qua…

- Đến bây giờ anh theo Jazz được bao nhiều năm rồi?
- Tôi bắt đầu chơi kèn từ năm 11 tuổi, học Calarinet 4 năm sau đó bắt đầu chuyển sang Saxophone, đây cũng là lúc tôi tập tọe với Jazz. Khi đó tôi mới 15 tuổi bố đã cho đi chơi nhạc, “vứt” ra ngoài xã hội để đi làm (Cười); giờ đã 32 tuổi, đeo đuổi với Jazz chừng 17 năm, còn gắn bó với âm nhạc cũng gần 20 năm rồi.
- 20 năm là một quãng thời gian dài trong đời người, đã một lần nào anh nghĩ về sự hối tiếc?
- Bây giờ nghĩ lại tôi chỉ hối tiếc mỗi một điều đó là tại sao quãng thời gian ấy mình tập kèn chậm thế. Đúng ra ở nước ngoài 6 tuổi đã bắt đầu học rồi, nếu vậy mình sẽ một giai đoạn 5 năm từ 6 đến 11 tuổi để học, nhồi kiến thức đến 12 tuổi là có thể đi làm, làm sao để 16 tuổi thật vững vàng. Thực chất là tôi bị chậm hơn, phải đợi đến năm 23 tuổi mới đi tu nghiệp. Khi đi học tại Mỹ sự nghiệp của tôi mới chính thức bước sang một trang khác, tôi hoàn toàn lột xác khi được đào tạo một cách bài bản về Jazz.
- Tu nghiệp tại trường âm nhạc đương đại nổi tiếng thế giới Berklee, điều gì thay đổi lớn nhất trong con người anh?
- Thay đổi lớn nhất của tôi sau khi học tại Berklee đó là sự hiểu biết của mình được mở ra nhiều hơn. Môi trường tác động mạnh đến sự thay đổi của tôi, được tiếp xúc với các thầy giáo giỏi, được học nhạc - đánh nhạc với các bạn cùng trình độ, bên cạnh giáo trình dạy học cho sinh viên rất tốt. Tôi học được nhiều nhất là “nghề” Saxophone, đương nhiên rồi, ngoài ra là các môn bổ trợ như hòa thanh, phối khí, xướng âm ghi âm…
- Có nhiều tin đồn về guồng quay khốc liệt tại Berklee?
- Đúng, đó là chuyện có thật! Mỗi năm có khoảng 17.000 sinh viên đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới nhập học tại Berklee, mà tỉ lệ tốt nghiệp chỉ 20%. Nguyên do bắt nguồn từ nhiều yếu tố, thứ nhất có những sinh viên đến đó học khoảng 1-2 năm, thì họ đã quá xuất sắc và nổi tiếng rồi, ở Mỹ họ thực dụng, nếu thực sự có tài thì ra ngoài đời bơi luôn, hoặc thế hệ đi trước họ sẽ “bốc” những người tài năng đi diễn luôn. Ở trường nào cũng có học sinh giỏi và kém, và đừng nghĩ Berklee không có học sinh dốt; một bộ phận khác không đủ tài chính để theo học…
- Ngày đầu tiên có khiến anh rơi vào cảm giác bị choáng ngợp không?
- Tôi hồi hộp nhiều hơn là bị choáng ngợp. Ở nhà tôi đã chuẩn bị tâm lý rồi, học chuyên môn tôi không ngại lắm. Cuối tháng 8 tôi sang tới nơi, chỉ chờ hơn 1 tuần là vào nhập học, tôi vẫn nhớ cái cảm giác “cuối cùng mình cũng là sinh viên Berklee” vì ngôi trường danh tiếng này tôi biết từ rất lâu. Berklee ở  TP Boston, tiểu bang Massachusette, Hoa Kỳ. Đây là nơi sản sinh ra hàng loạt tài  năng âm nhạc nổi tiếng hiện nay với thành tích đã đạt 176 giải Grammy Award, 25 giải Emmy Award và hàng chục giải Oscar nhạc phim và là nơi mọi sinh viên âm nhạc trên thế giới đều ao ước được vào học. Và tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ được đi học tại Berklee, cảm giác vô cùng khó tả và khó có lại được!
- “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, nhưng với Quyền Thiện Đắc chắc chỉ có một con đường dẫn đến Berklee?
- Cảm ơn nhiều vì một câu hỏi rất hay! Gia đình tôi, đặc biệt là bố đều biết khả năng của tôi, muốn tôi được sang nước ngoài tu nghiệp nhưng thời điểm đó khó khăn lắm, làm sao có đủ tiền được. Đó là năm 1999, tôi có một người bạn Nhật Bản, làm Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Ngày ấy CLB nhạc Jazz vẫn ở trên hồ Gươm, cậu ấy đến nghe Jazz, thích và bắt chuyện với tôi, sau đó chúng tôi trở thành những người bạn của nhau. Cậu ấy mời tôi sang Nhật chơi. Đó là cái duyên của cuộc đời tôi, trước khi sang Nhật, tôi và cậu bạn có ghé qua Thái Lan chơi, tại đây tôi cũng chơi tại một quán nhạc Jazz, sang Nhật tôi cũng chơi với một nhóm tam tấu tại Shinjuku. Sau vụ đấy về, 4 tháng sau, cậu ấy bảo tôi “Tao phải đưa mày đi Mỹ”, kết hợp với việc sang dự lễ tốt nghiệp của em gái cậu ấy học tại trường ĐH Boston University. Cậu ý muốn đưa tôi tới New York chơi để đi xem nhạc Jazz. Đầu năm 2000, chúng tôi đã có mặt tại Mỹ… Hành trình tới Berklee là một câu chuyện dài của đời tôi, xin kể tiếp vào một dịp khác nhé!
- Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc tại Berklee, cơ hội của anh ở nước Mỹ được định lượng thế nào?
- Nói thật cơ hội để tôi có thể ở Mỹ, trụ vững bằng việc làm nghề biểu diễn nhạc Jazz là 0%. Mình đi học văn hóa, chơi dòng nhạc của người ta nên không bao giờ mình chơi hay bằng người ta. Thế nhưng mình trót theo con đường nhạc Jazz, dòng máu Jazz nó thấm và nhuyễn vào trong mình rồi nên không thể bỏ được, mình phải tìm một con đường khác để tiến tới cái đẳng cấp đấy.
- Một con đường khác đầy rẫy sự khó khăn?
- Mình chơi nhạc Jazz chậm hơn họ 100 năm, từ thời điểm đấy đến bây giờ nhạc Jazz của mình cũng phát triển nhưng không có nghĩa là ở Mỹ họ dừng lại, thế thì đến bao giờ mình đuổi bằng họ (?) Chúng ta chỉ có một con đường tắt đó là sẽ dùng nhạc dân gian Việt Nam kết hợp với nhạc Jazz đương đại nhằm tạo bản sắc cho chính mình. Bây giờ khán giả cần những cái mới trong âm nhạc buộc người nghệ sỹ phải tìm tòi những chất liệu mới để thể nghiệm, sáng tạo và biểu diễn; khán giả sẽ trả tiền để mua những cái mới đấy.
- Đến giờ anh còn chịu sức ép từ phía bố của mình không?
- Thực ra đến bây giờ vẫn có một sức ép nữa. Trước khi đi học ở Mỹ, bố tôi tâm sự rằng, bây giờ kinh tế của nhà không có, đi học phải rất cẩn thận, không thể chểnh mảng được. Sức ép đó tôi đã vượt qua rồi; nhưng sức ép sau này kinh khủng hơn quãng thời gian tôi học ở Mỹ bắt nguồn từ câu châm ngôn của bố rằng: “Làm sao để phát triển nhạc Jazz. Công việc của tôi bây giờ là phát triển nhạc Jazz, khi nào nhạc Jazz phát triển được ở Việt Nam thì tôi có thể nhắm mắt” - thì đấy là một áp lực rất lớn với lứa đi sau như chúng tôi.
- Anh tâm đắc điều gì từ Saxophone, từ Jazz?
- Bố tôi kể, ngày xưa bà nội nói với ông rằng: “Cái kèn gần với trái tim, gần với hơi thở và con hãy thổi bằng cả trái tim của con. Con kiếm được 1 đồng bằng nghề thổi kèn mẹ quý hơn cả 1 tỷ của người khác”. Tôi đã ghi nhớ những điều này như những hành trang quý giá nhất của cuộc đời.
Theo thời gian, tôi cũng tìm ra những “slogan” của riêng mình để hướng theo đó là khi diễn con tim phải thật nhiệt nhưng cái đầu phải thật lạnh. Vì trong yếu tố biểu diễn, khi muốn thể hiện nhiều quá, máu mà xung não thì chắc chắn không thể nghĩ được cái gì nữa và không biết chuyện gì xảy ra. Vì Jazz sử dụng ngẫu hứng rất nhiều và khá trìu tượng.
- Đến bây giờ sử dụng hai chữ “thành công” dành cho anh đã được chưa?
- Tôi đã thành công nhưng chỉ mang tính nhất định. Năm 16 tuổi, tôi tham gia với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đi diễn tour xuyên Việt, nhạc trưởng là Yoshikazu Fukumura. Tôi nhớ buổi diễn ở Nha Trang, trong cả chương trình lớn có 1 bản giao hưởng, tôi có 4 khổ solo, rất ngắn; kết thúc, người đầu tiên nhạc trưởng vẫy đứng dậy chào khán giả là tôi, ở dưới khán giả vỗ tay trân trọng lắm, từ lúc đấy tôi đã tự nhủ với bản thân mình phải nổi tiếng, mình phải được biểu diễn. Đó là những cái quý giá nhất đối với người nghệ sỹ biểu diễn và cảm giác đấy không một tiền nào mua được. Cuộc đời trả lại cho những công sức mình bỏ ra.  
- Ca sỹ Celine Dion đã từng chia sẻ: “Tôi mở lòng với cuộc đời để xem cuộc đời có thể cho tôi những gì. Rồi sau đó, tôi được cuộc đời nhào nặn. Điều tuyệt vời nhất của đời tôi vẫn đang ở phía trước” có vẻ thật đúng với anh lúc này!
- Ngay bản thân là một Diva của thế giới mà vẫn còn nhìn lên trên, chứ họ không nhìn xuống dưới. Mình phải đi nhiều, tiếp xúc và học hỏi thật nhiều ở thế giới bên ngoài mới hiểu mình đúng là hạt cát trong sa mạc, nhỏ bé lắm, nhỏ bé vô cùng! Những cống hiến của mình chưa là, chưa bằng gì cả.
- Là nghệ sỹ biểu diễn như anh, sức ép của hai chữ “nổi tiếng” có lớn không?
- Sức ép chứ! Ở nước ngoài nếu theo hướng học sư phạm để trở thành thầy giáo và đi giảng dạy thì có thể có rất nhiều “job”; nhưng khi làm nghệ sỹ biểu diễn buộc người nghệ sỹ phải vượt lên tất cả, rất giỏi thì mới tồn tại được trong cái guồng quay nhào nặn khủng khiếp như vậy. Có một nghệ sỹ thổi Trumpet rất nổi tiếng là Chris Botti có nói một câu rằng: “Để được nổi tiếng đương nhiên phải rất giỏi cộng thêm một chút may mắn nữa!”. Tôi cũng ngẫm câu nói trên rất nhiều và tự nhủ lòng mình luôn cố gắng và chờ cơ hội.
- Cảm ơn và chúc anh thành công hơn nữa!