Thế hệ nhà văn sau năm 1975: Đưa văn học sang giai đoạn mới

ANTĐ - Thế hệ nhà văn sau 1975 là những cây bút có nhiều đóng góp cho diện mạo mới của văn chương Việt Nam, được coi là những người mở đường cho thời kỳ của văn học dân tộc. Nhằm nhận định và đánh giá sâu sắc về vai trò của họ, sáng 28-4, Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Thế hệ nhà văn sau 1975”. 

Thế hệ nhà văn sau năm 1975 chính là thế hệ sáng tác khi chiến tranh đã kết thúc, khi non sông đất nước đã thu về một mối. Có thể họ không sinh ra trong thời chiến nhưng họ đã cầm bút và trưởng thành trong thời bình.

Thế hệ này đã tiếp nối xứng đáng lớp thế hệ cầm bút trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kỳ đổi mới, nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau 1975 là lớp người có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới của văn học nước nhà. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, đưa văn học sang giai đoạn mới, họ xuất hiện để tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, làm phong phú cho nền văn học”.

Tạm gác lại những đau thương, sự khốc liệt của chiến tranh, thế hệ nhà thơ, nhà văn sau năm 1975 đã có độ lùi cần thiết để đưa ra những suy nghĩ, những cách nhìn mới về những xu hướng sáng tác của văn học Việt Nam, với tất cả tình yêu thương con người, trân trọng giá trị hòa bình. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Kế thừa tinh thần sống bất diệt của dân tộc

Cái mà thế hệ nhà văn hôm nay kế thừa từ những người đi trước không phải là đề tài hay lối viết, mà đó là tinh thần sống bất diệt, khát vọng lớn lao và niềm hy vọng. Sự kế thừa ấy được thể hiện bằng việc mỗi nhà văn đều truyền đi ngọn lửa của dân tộc Việt, đó là lòng bác ái, sự chia sẻ, nỗi đau thương, trí tưởng tượng trong đời sống. Sự kế thừa đó làm cho thế giới nhìn nhận tác phẩm văn chương Việt Nam, bất kể là nhà văn thể hiện nỗi đau hay niềm kiêu hãnh của dân tộc trong tác phẩm của mình.

Phải nói rằng, thế hệ nhà văn sau năm 1975 là những người chứng kiến khúc rẽ của văn học Việt Nam. Khúc rẽ ấy đồng hành với những vấn đề khác của dân tộc Việt Nam, về chính trị, về kinh tế, xã hội… Tôi cho rằng, họ đang tạo nên những giá trị mới rất đáng ghi nhận. Chúng ta đang sống trong thời đại hòa bình, không còn chiến tranh, mà ở đó con người bắt đầu ngồi xuống, suy ngẫm về cá nhân mình, về những người bé nhỏ bên cạnh mình. Văn học đã chuyển sang một thứ khác, sâu hơn, rộng hơn, đi vào thân phận con người hơn. 

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng: Đã có cách thể hiện khác về chiến tranh

Viết về đề tài nào trong văn chương, chiến tranh hay không phải chiến tranh, tôi nghĩ không quan trọng. Vấn đề là cách viết, cách khai thác như thế nào. Người ta nghĩ bây giờ viết về chiến tranh không hay nữa, tôi cho rằng không phải như vậy. Năm 2014, nhà báo Trần Mai Hạnh viết một cuốn tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” lập tức được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015 và giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2015.

Hay gần đây, nhà văn Nguyễn Bình Phương có cuốn tiểu thuyết về chiến tranh biên giới phía Bắc “Mình và họ”, Nguyễn Đình Tú có “Xác phàm” hay Sương Nguyệt Minh với “Miền hoang” vẫn được đón đọc rất nồng nhiệt. Bởi vì, nói cho cùng cuộc chiến tranh vĩ đại ấy đã đi qua hơn 40 năm nhưng chúng ta chưa nhìn hết được phương diện của nó.

Bây giờ viết về chiến tranh, vấn đề không phải tái hiện chiến tranh mà phân tích chiến tranh trong mối tương quan giữa con người với con người. Bởi, chiến tranh là điều bất bình thường với cuộc sống bình thường của con người, không ai muốn điều này xảy ra.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Đưa người với người đến gần nhau hơn

Từ năm 1975 đến nay, kể cả khi viết về chiến tranh - một đề tài tưởng như đã cũ, cũng đòi hỏi các nhà văn có những cách tiếp cận mới. Đặc biệt, nếu là người viết, tôi quan tâm đến yếu tố đương đại, điểm nhìn của ngày hôm nay, tâm thế xã hội của hôm nay. Trong một số người viết trẻ của thế hệ chúng tôi, đã có những người đi theo lối đó và tôi cho là rất mới, rất nhiều chất đương đại, rất lay động.

Phải kể đến “Cơ bản là buồn” của Nguyễn Ngọc Thuần, có cái nhìn hoàn toàn khác về chiến tranh. Tôi cho rằng, đó là những vấn đề những người đọc của ngày hôm nay quan tâm. Chiến tranh là đề tài rất lớn, những người viết như chúng tôi hôm nay vẫn có một khao khát rất lớn dành cho nó, nhưng nó phải được thể hiện bằng con mắt của thế hệ mình. Suy cho cùng, cái tận cùng của văn chương là về con người, là vấn đề nhân tính, làm sao để người với người đến gần nhau hơn. 

MAI PHƯƠNG