Thấy Tết

ANTD.VN - Hơn 40 năm sống ở trên đời, tôi đã thấy rất nhiều cái Tết và những cái Tết, mỗi một năm lại trở nên xa xôi hơn so với những ký ức của tôi.

Thấy Tết ảnh 1Chợ hoa Hàng Lược những năm 1990

Cái Tết xa nhất trong trí nhớ của tôi là khi tôi 6 tuổi. Đó cũng là cái Tết đã đọng lại trong tâm trí tôi những ý niệm đầu tiên về ngày Tết. 

Hồi tôi 6 tuổi, bố mẹ tôi là bộ đội, chiến tranh biên giới vừa diễn ra năm trước, tôi được gửi về quê ở với ông bà nội. Tôi ở quê, đi học với trẻ làng, không biết bao giờ được gặp lại bố mẹ. Ngày 27 tháng Chạp, ông nội tôi dắt về một con bê, trong ánh mắt ngạc nhiên của cả nhà, ông nội cười lớn “Bố thằng Tuyến sẽ về ăn Tết”.

Quê tôi hồi đó đói kém lắm. Cả năm chẳng mấy khi có thịt mà ăn. Vì thế, mổ bò là một sự kiện chấn động không chỉ làng trên xóm dưới, mà có khi tiếng lên tận huyện trên. Tôi đi ra ngõ, hàng xóm bảo: “Ông mày không vào hợp tác nên mới dám làm thế”.  Trẻ con cả mấy xóm kéo đến xem mổ bò. Nếu bình thường, hẳn tôi cũng đứng trong đám trẻ ấy và rất tự hào. Nhưng niềm háo hức được gặp lại bố mẹ lớn quá, cả buổi chiều hôm ấy, cả buổi sáng hôm sau, rồi cả hôm sau nữa, tâm trí tôi để hết ngoài ngõ, chờ mong bố về. Dẫu biết rằng tận chiều 29 bố tôi mới về.

Chiều 29 Tết, cả nhà không ai đi đâu. Bà nội tôi chốc chốc lại chạy ra sân nhìn ra con đường chạy xuyên cánh đồng về qua ngôi nhà. Ông nội tôi ngồi thái nem chạo trên phản lim, cặm cụi thái, thái đến khi miếng bì lợn chỉ còn lại là một đám sợi mảnh hơn cả sợi miến. Tôi ngồi ở bậc cửa, vặt trụi cái chổi lúa của bà.

Cuối cùng rồi bố tôi cũng về. Nghe tiếng bố tôi chào hỏi hàng xóm tôi đã nhảy phắt dậy, định chạy ra đón, nhưng rồi không hiểu sao tôi lại ngồi xuống, mặc cho nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt. Tôi không biết vì sao tôi lại khóc, nhưng tôi biết trong lòng tôi lúc đó đã ngập tràn niềm vui. Đó là lần đầu tiên tôi thấy Tết.

Nhiều năm nay tôi không còn thấy Tết bởi quá nhiều điều phù phiếm và vô nghĩa

Tuổi thơ của tôi trôi qua với những cái Tết như thế. Tôi thường chờ đón những cái Tết như chờ ngày đoàn tụ với những người thân thương. Lớn thêm một chút, Tết còn có thêm những điều đáng chờ mong khác nữa. Đó là những ngày cánh đồng được nghỉ ngơi trước khi vào vụ cấy, là sự thong thả của con người hỉ hả ghé thăm nhau, là quần mới, áo mới, giầy mới mà mỗi năm chỉ có được một lần.

Tuổi thơ rồi cũng qua. Tết trở nên buồn thảm khi tôi bắt đầu yêu một người con gái. Tết, là khi chúng tôi phải xa nhau để về với gia đình của mình. Những ngày mùa xuân ấy, tôi lần đầu nhận ra mình đã mong mỏi vô cùng về một sự gắn bó. Lại thêm một lần tôi thấy Tết.

Những tháng ngày hoa niên rồi cũng đã đi qua. Tôi đi làm, rồi lập gia đình. Những cái Tết bắt đầu khiến tôi mệt mỏi khi phải tất bật đi thăm thú người này, người kia trong những ngày giáp Tết, rồi đi mua quất, mua đào, rồi sắm sửa thức ăn… Quá nhiều thủ tục phải làm trong những ngày này. Năm đầu tiên lập gia đình, đêm Giao thừa, tôi ước mình có thể được ngủ vùi trong ba ngày sắp tới. Trong giấc ngủ mệt mỏi ấy, tôi lại thấy Tết với một khuôn mặt khác.

Nhiều năm nay, tôi không còn thấy Tết. Quá nhiều điều phù phiếm và vô nghĩa mà tôi bị cuốn theo trong những thủ tục mỗi năm một nhiều hơn. Tôi không còn thấy những cái Tết trong ký ức của mình. Tôi cũng không nhìn thấy sự háo hức của các con tôi khi ngày Tết đến. Lũ trẻ quá đủ đầy để không còn cảm nhận được những niềm vui mà xưa kia khiến tôi mong chờ.

Bây giờ, Tết, tôi thường đi chơi xa và mong ngày nhanh hết. Tôi chỉ còn nhớ Tết của những ngày xưa xa, những ngày tôi đã từng thấy Tết.

Thấy Tết ảnh 2

Nhà báo Phạm Trung Tuyến