Thay đổi tất thảy thói quen

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã hơn 3 tuần giãn cách xã hội, mọi thói quen sinh hoạt của dân phố gần như đã được điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Khoảng thời gian khó khăn đã qua, nhất là với những người lớn tuổi...
Hà Nội đã có 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội để sớm khống chế, xử lý dứt điểm dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân - Ảnh: Phú Khánh

Hà Nội đã có 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội để sớm khống chế, xử lý dứt điểm dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân - Ảnh: Phú Khánh

Lũ trẻ đã được nghỉ học từ vài tháng trước cả thời gian nghỉ hè. Với chúng, thời gian biểu của mùa hè năm nay hoàn toàn khác biệt. Mọi kế hoạch nghỉ mát, du lịch phải tạm ngừng. Học và thi nốt phần còn lại của năm học cũ hoàn toàn online đã rèn cho chúng tác phong giờ giấc tự giác. Thực ra người lớn bớt đi được khá nhiều công việc đưa đón cả học hành lẫn thể thao của chúng. Và cũng thực ra, việc đưa đón trẻ con bây giờ là nét sinh hoạt mới của lớp phụ huynh tầm trên dưới 40 tuổi. Thời đi học của các phụ huynh này còn chưa có khái niệm công việc bắt buộc ấy. Phần lớn họ đã tự đến trường từ những năm học cấp Trung học cơ sở. Giao thông chưa đến nỗi chen chúc và đường phố còn khá ít cạm bẫy rình rập. Người lớn còn có thể tạm yên tâm khi để con cháu tự đến trường.

Trẻ con buộc phải ở nhà. Người lớn cũng buộc phải làm quen với những sinh hoạt của chúng. Đại khái buổi sáng không thể gọi chúng dậy như ngày thường được nữa. Nhiều đứa ngủ thẳng đến bữa trưa chẳng cần ăn sáng. Chúng ngồi im lặng bên máy tính hoặc màn hình tivi cũng chỉ được vài giờ. Đứa hiền lành nhất cũng cuồng cẳng tìm trò nghịch ngợm. Những căn nhà trong phố rất hiếm ai có được khoảnh sân ngoài trời cho chúng nô đùa. Nếu có, chính chúng cũng chẳng thiết tha vì không có bạn. Quanh đi quẩn lại chỉ có quả bóng cũ mốc lôi dưới gậm giường ra. Đá vào tường, đá lên trần nhà. Có đứa còn mạnh dạn đá thẳng vào tấm gương lớn để quan sát cú ra chân của mình.

Cán bộ và công nhân nhiều cơ quan, xí nghiệp vẫn phải đi làm. Những ngành nghề không nhất thiết phải tập trung ở cơ quan có thể làm tại nhà. Càng tốt. Có thêm thời gian dọn dẹp nhà cửa, đọc sách nâng cao trình độ, kỹ năng. Thời gian của họ chẳng thừa ra bao nhiêu. Chỉ là thay đổi vị trí ngồi làm việc mà thôi.

Phải hai, ba ngày mới được đi chợ gần nhà một lần - Ảnh: Phú Khánh

Phải hai, ba ngày mới được đi chợ gần nhà một lần - Ảnh: Phú Khánh

Người già tưởng như rất dễ thay đổi thói quen sinh hoạt những ngày chống dịch mà không phải thế. Các cụ bà đột ngột bị ngừng hoạt động câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời. Ngừng sinh hoạt các hội hè dưỡng sinh, yoga, khiêu vũ... Thời gian thừa ra một đống chẳng biết dùng vào việc gì. Kể cả việc yêu thích hàng ngày là lang thang chợ búa, siêu thị cũng ngừng hẳn.

Vị trí ngồi làm việc của người lớn được thay đổi từ cơ quan vào bất cứ nơi nào trong nhà

Vị trí ngồi làm việc của người lớn được thay đổi từ cơ quan vào bất cứ nơi nào trong nhà

Những thói quen nhỏ nhặt thôi cũng phải bỏ hết. Như việc cậy nhà gần chợ, đang nấu ăn thấy thiếu cọng hành hoặc chút gia vị có thể tót ngay ra chợ mua được. Thậm chí hôm nào không muốn nấu nướng cũng có thể dạo một vòng phố quanh nhà mua về đủ một mâm. Khi bún chả, lúc vịt quay canh măng, cũng có lúc là bánh mì đồ nguội dưa chuột muối. Những hàng ăn như thế phố nào cũng có. Khách mua mang về luôn được phục vụ tận tình hơn khách ăn tại chỗ. Đơn giản vì vừa đỡ tốn chỗ ngồi lại chẳng phải hò hét tiếp viên coi sóc bàn ăn. Giờ thì liệu mà phải mua một cân ớt tươi cho vào tủ lạnh. Hai ba ngày mới được đi chợ một lần. Mà ớt lại là thứ mình không ăn nên quên là chắc chắn.

Thời gian biểu mùa hè năm nay hoàn toàn khác biệt đối với trẻ em khi buộc phải ở nhà
Thời gian biểu mùa hè năm nay hoàn toàn khác biệt đối với trẻ em khi buộc phải ở nhà

Những thói quen từ ngày còn trẻ của các cụ bà như may vá thêu thùa thực ra đã bỏ được hàng chục năm nay rồi. Các cụ bà đỏm dáng nếu muốn ăn mặc độc đáo buộc phải ra tiệm may đo. Xuềnh xoàng hơn thì quần áo may sẵn mọi kích cỡ màu sắc có thể chọn lựa ở những shop quanh nhà. Thừa thời gian có muốn giở đồ nghề ra may vá bây giờ cũng ít bà còn giữ được. Và đường kim mũi chỉ dưới con mắt đeo kính viễn đã muôn phần chệch choạc. Các cụ bà phần lớn chọn phương án chờ hết giãn cách để đi mua. Tốt thôi. Chẳng mua sắm gì mới cũng bớt đi được một nhu cầu mặc vào để khoe với lớp tập dưỡng sinh.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Các cụ ông chấn chỉnh lại sinh hoạt có phần gian nan hơn nhiều. Dù rằng sinh hoạt của các cụ hết sức bình lặng nhỏ nhẹ thì cũng khó thay đổi. Đại khái thói quen đi bộ mỗi sáng vài ba cây số phải tạm ngừng. Chẳng thể thay bằng đi bộ leo mấy tầng gác hay cặm cụm cắm đầu trên chiếc máy tập ở sân giời. Đi bộ ngoài phố vào lúc bốn năm giờ sáng là một khoái cảm không gì thay thế được. Đó là khoảng thời gian duy nhất trong ngày có thể quan sát được diện mạo phố phường. Đó cũng là khoảng thời gian thư thái triệt để chẳng bận tâm gì ngay cả đến những người quanh mình hàng ngày.

Tiếp đến là quán cà phê quen thuộc và chỗ ngồi quen thuộc mỗi sáng. Kể cả những câu chuyện nghe được ở quán cũng quen thuộc đến mức cảm thấy thiếu hụt rất nhiều nếu không ra đấy. Ngồi cả giờ ngoài ấy chẳng phải vì cà phê ngon, cũng chẳng phải vì gặp bạn bè thân thiết. Bạn cà phê là loại bạn ơ hờ nhất trong mọi quan hệ. Có cũng được mà không cũng chẳng sao. Nhiều lúc ngồi một mình ở quán cũng cảm thấy yên tâm hơn tự pha một cốc cà phê ngồi nhà. Chẳng biết như thế có được gọi là “hội chứng tồn tại” hay không (?!) Có cảm giác như mình không tồn tại khi không có mặt ở những nơi quen thuộc hàng ngày.

Cả một đời công chức hoặc làm việc tự do chưa thấy bất kỳ cụ ông nào ngưng làm việc ở tuổi dưới 70. Thậm chí nhiều cụ còn có những thành công đáng kể sau khi nghỉ hưu ở lĩnh vực văn chương thơ phú. Ít nhất thì cũng ôn lại được cuộc đời buồn tẻ công chức của mình bằng cuốn hồi ký mà mình là nhân vật trung tâm, là thứ cả đời mình không bao giờ được nhắc đến trong sách vở.

Thế nhưng, thói quen cặm cụi viết lách cũng cần phải thay đổi cường độ. Giãn cách do dịch bệnh chắc còn dài. Thời gian ở nhà là vô biên. Chẳng đi đâu mà vội!