Tết xưa thương nhớ…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 30 Tết, sau khi “tắm tất niên” bằng nồi nước mùi già thơm nức, cả nhà tíu tít chuẩn bị mâm cơm dâng lên ông bà tổ tiên. Trong bộ quần áo nghiêm trang chỉnh tề, bố thắp nén hương thơm trên bàn thờ gia tiên và thành tâm khấn vái …

Niềm vui rộn ràng, háo hức

Sang đến tháng Chạp (tháng mười Hai âm lịch), thời gian trôi đi vùn vụt. Quay đi quay lại đã hết ngày. Những tờ lịch cuối cùng của năm cũ cứ thưa mỏng dần chỉ còn trơ đốc…

Tháng Chạp năm nào hầu như cũng có một vài đợt rét đậm còn hơn cả chính đông. Nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa nhỏ càng làm cho cái lạnh sâu hơn. Bầu trời âm u một màu xám đục. Buổi sáng, sương mù giăng trắng lối. Cây cối trơ cành trụi lá, run rẩy trong cái giá lạnh cuối đông.

Cuộc sống dường như hối hả, tấp nập hơn. Những dòng người vội vã xuôi ngược ngày cuối năm. Những mua sắm rộn rang cho một năm mới. Những ánh mắt nụ cười đầy háo hức đợi mong trên gương mặt vô tư của học trò tính từng ngày để được nghỉ học, được thỏa thích vui chơi…

Hoài niệm về Tết xưa thương nhớ ùa về trong miền kí ức tuổi thơ

Hoài niệm về Tết xưa thương nhớ ùa về trong miền kí ức tuổi thơ

Tất cả đã làm nên một bức tranh tổng thể ngày cuối năm với nhiều cung bậc cảm xúc. Bao nhiêu hoài niệm về Tết xưa thương nhớ lại ùa về trong miền kí ức tuổi thơ.

Tết của thế hệ đầu 7X chúng tôi ngày ấy thời tiết dường như cũng khác so với bây giờ. Mùa đông lạnh và nhiều đợt rét kéo dài hơn, nhất là tháng Chạp. Cái rét như cắt da cắt thịt. Có bao nhiêu áo mặc hết vào người mà ra ngoài vẫn run lên cầm cập.

Mưa phùn gió bấc dầm dề càng thêm lạnh buốt hơn, chân tay tê dại cứng đờ. Đường làng ngõ xóm nhầy nhụa, trơn trượt. Cây xoan già vươn những cành gầy guộc khẳng khiu oằn mình trong giá rét căm căm. Người lớn, trẻ con đi đâu, làm gì về cũng chỉ muốn chui thụt vào bếp ngồi cho ấm. Ăn cơm cũng ngả mâm tại bếp. Thật ấm cúng biết bao!

Không chỉ lạnh mà tháng Chạp cũng là tháng bận rộn nhất. Vừa lo sắm sửa lại cấy cày trước Tết, ai cũng mong cấy xong để kịp thời vụ và ăn Tết cho ngon.

Để có cái Tết đầm ấm, no đủ hơn ngày thường, ông bà cha mẹ phải tần tảo, chắt chiu, dành dụm cả năm trời. Từ con lợn, con gà phải nuôi vỗ béo từ vài tháng trước đến mấy cái mộc nhĩ sống kí gửi trên cái cọc mục ngoài vườn cũng được treo trên gác bếp ''để dành đến Tết”. Rồi luống rau xanh, vại dưa hành, cân gạo ngon… cũng dành cho Tết. Người lớn có đồ gì đẹp cũng để Tết mới diện.

Từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, không khí Tết đến thật gần. Nhà nào cũng sửa soạn mâm cơm tươm tất để cúng tiễn ông Táo lên chầu trời. Vui và háo hức nhất là những đứa trẻ vô lo như chúng tôi. Đi học mà chỉ nghĩ đến trưa về được ăn “tươi” hơn ngày thường là trong lòng cứ rộn rực. Mong đến Tết hơn cả để được mẹ mua cho bộ quần áo mới, được ăn những món ngon, không phải ra đồng chăn trâu cắt cỏ, lại được theo người lớn đi chúc tết ông bà họ hàng, được mừng tuổi lấy may. Niềm vui cứ rộn ràng trên từng ánh mắt nụ cười. Quả là không có gì “vui như Tết” và đáng mong đợi hơn Tết.

Đến ngày 26, 27 Tết, việc đồng coi như đã ổn. Nhà cửa được quét dọn sạch sẽ từ trong ra ngoài. Bàn thờ gia tiên được lau rửa bằng nước lá thơm. Mâm ngũ quả được lựa từ các loại quả to đẹp nhất trong vườn trịnh trọng bày lên. Hoa cũng được ngắt từ vườn nhà để cắm trong bình.

Cuốn thư câu đối được lau sạch sẽ như mới. Bức tường cũ rêu phong được quét vôi trắng toát, sáng sủa hẳn lên. Chiếu chăn được nhà nhà mang ra sông giặt giũ thơm tho. Tiếng đập chiếu bồm bộp vang động cả một khúc sông. Tiếng nói cười rôm rả quên hết những khó khăn thiếu thốn ngày thường để đón một năm mới đầy hoan hỉ của tình làng nghĩa xóm.

Tết vẹn nguyên trong tâm thức mỗi người

Tết chính thức gõ cửa từng nhà khi nghe tiếng lợn kêu eng éc từ làng trên xóm dưới. Ngày ấy, hầu như nhà nào cũng đánh đụng lợn. Mỗi nhà một mô được bày trên tàu lá chuối đã rửa sạch đặt trên cái nia. Mỗi mô được chia khéo léo và đều nhau, nhà nào cũng có cả phần xương, phần thịt các loại mông vai giò thủ.

Thịt mang về mỗi nhà lại chế biến thành các loại món ăn khác nhau, giò nem bung mọc để mâm cỗ nhà ai cũng đủ đầy những món truyền thống mà chỉ Tết mới có. “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Và cũng chỉ ngày Tết, bọn trẻ chúng tôi mới được ăn những món ngon đến thế.

Vui nhất là không khí chuẩn bị gói bánh chưng vào chiều 28, 29 Tết. Mỗi người một việc. Bố chẻ lạt, làm nhân bánh. Mẹ vo gạo, đãi đỗ. Trẻ con chúng tôi thì rửa lá thật sạch và lau khô. Những chiếc bánh vuông vức chặt chẽ lần lượt được xếp vào nồi. Bố không quên gói cho mấy chị em mỗi đứa một cái bánh nhỏ xinh để ăn trước. Nồi bánh được đặt lên bếp lửa rực hồng bằng củi khô trong vườn. Mẹ lại dúi vào đó mấy củ khoai, củ sắn, bắp ngô nướng. Cả nhà ngồi quanh nồi bánh trò chuyện rôm rả, tràn ngập tiếng cười vui.

Niềm vui trong đêm luộc bánh đã theo tôi cả vào trong giấc mơ, đến nửa đời người vẫn không thể nào quên. Sáng ra khi trở dậy, những chiếc bánh đã được vớt ra cho ráo rồi ép cẩn thận từng hàng ngay ngắn trông thật đẹp mắt. Miếng bánh sắt ra thơm ngậy dẻo dền nhớ đến tận bây giờ.

Vui nhất là không khí chuẩn bị gói bánh chưng vào chiều 28, 29 Tết

Vui nhất là không khí chuẩn bị gói bánh chưng vào chiều 28, 29 Tết

Với lũ trẻ chúng tôi, niềm mong đợi hơn cả là sáng 29 hoặc 30 Tết được mẹ cho đi chợ mua quần áo mới. Chao ôi, thật choáng ngợp trước phiên chợ quê ngày Tết. Đủ các loại hàng hóa, đủ các sắc màu. Rực rỡ nhất là hàng hoa, tranh ảnh, cuốn thư, câu đối, pháo Tết, quần áo...

Chiều 30, sau khi “tắm tất niên” bằng nồi nước mùi già thơm nức, cả nhà tíu tít chuẩn bị mâm cơm chu đáo với các món truyền thống dâng lên ông bà tổ tiên. Trong bộ quần áo nghiêm trang chỉnh tề, bố thắp nén hương thơm trên bàn thờ gia tiên và thành tâm khấn vái.

Mùi hương trầm quyện tỏa trong không gian đầm ấm thiêng liêng như thấy âm dương giao hòa hiện hữu. Cả nhà quây quần ấm cúng bên mâm cơm tất niên cùng nhau thưởng thức những món ngon sau tháng ngày vất vả dành dụm.

Sáng mồng một, mấy chị em xúng xính trong bộ quần áo mới tung tăng đi chúc tết ông bà nội ngoại hai bên trong niềm vui hân hoan của ngày đầu năm mới. Vui hơn cả là đứa nào cũng được “phát vốn” mấy đồng tiền lẻ lấy may.

Ngày nay, cuộc sống đã đủ đầy, sung túc, hiện đại hơn, có phong tục đã bị mai một hoặc giản tiện, hoặc mất đi. Nhưng dù ở thời kì nào thì giá trị của Tết cổ truyền vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Bởi Tết không chỉ là thời gian để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần mà đó còn là dịp để ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu về quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai…

Và với chúng tôi, thế hệ 7x, hoài niệm về Tết xưa thương nhớ đã trở thành một phần kí ức không thể nào quên. Đó là cái Tết dù đơn sơ, đạm bạc, thiếu thốn nhưng lại chan chứa nghĩa tình và tràn ngập niềm vui.