Tàu biển Việt Nam trong nhóm nguy cơ bị lưu giữ cao

ANTĐ - Mặc dù đội tàu biển Việt Nam đã được cải thiện nhưng hiện vẫn nằm trong “danh sách đen” - nhóm nguy cơ bị lưu giữ cao. Đặc biệt, từ năm 2013 trở lại đây, lượng tàu biển của Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc gia tăng mạnh.

Yếu kém, xuống cấp về kỹ thuật khiến tàu biển Việt Nam dễ gặp tai nạn hoặc bị lưu giữ

80% bị lưu giữ tại Trung Quốc

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 2-2014, đội tàu biển Việt Nam có 1.624 tàu với tổng trọng tải là 7.244.817 tấn; trong đó có 450 tàu hoạt động tuyến quốc tế. So với mốc 31-12-2012, đội tàu biển đã giảm 87 tàu. Các chủ tàu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với thực trạng vô cùng khó khăn về tài chính, hầu hết các công ty vận tải biển kinh doanh thua lỗ trong năm 2013, nhiều công ty đã phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản.

Trong khi đó, tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại các vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2013, tại khu vực Tokyo-MOU (một trong số 5 khu vực cảng biển thế giới mà tàu biển Việt Nam hoạt động), có tổng cộng 47 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ, trên tổng số 767 lượt kiểm tra. Tỷ lệ tàu bị lưu giữ là 6,13%, thấp hơn của Indonesia, Thái Lan và Philippines. Song, trong 3 tháng đầu năm 2014, tại khu vực này, có tổng cộng 8 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ trên tổng số 164 lượt tàu bị kiểm tra. Đáng nói, 8 lượt tàu          Việt Nam bị lưu giữ trong quý I-2014 đều do chính quyền địa phương ở Trung Quốc thực hiện, trong đó 6 tàu bị lưu giữ tại các cảng thuộc các địa phương liền kề nước ta (Quảng Đông, Quảng Tây, Thâm Quyến và Hải Nam). Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam có 1 tàu bị lưu giữ bởi Paris-MOU (Tây Ban Nha) và 1 tàu bị lưu giữ bởi Indian Ocean-MOU (Ấn Độ). 

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lỗi dẫn đến tàu bị giữ có tới 82% liên quan đến trang thiết bị, 11% do vận hành của thuyền viên, 6% do khiếm khuyết về giấy tờ và tài liệu tàu. Khiếm khuyết kỹ thuật chiếm tỷ lệ lớn, trong khi có đến 22/46 tàu bị lưu giữ năm 2013 được đăng kiểm trong nước chỉ một tháng trước khi bị lưu giữ tại nước ngoài; 4/8 tàu bị lưu giữ quý I-2014 cũng mới được đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêu chuẩn an toàn.  

Theo ông Nguyễn Vũ Hải  -Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên nhân bởi 4 năm trở lại đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành vận tải biển, do thua lỗ triền miên, khiến các chủ tàu lơ là trong việc bảo dưỡng cũng như nâng cao ý thức, chất lượng thuyền viên. 

Buộc thôi việc đăng kiểm viên

Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất có “biện pháp mạnh” như kiểm tra đặc biệt với tàu đi Trung Quốc, đình chỉ hoạt động tuyến quốc tế trong vòng 3 tháng đối với tàu từng bị lưu giữ ở nước ngoài … 

Tại cuộc họp với Cục Đăng kiểm Việt Nam vào giữa tháng 3 vừa qua về vấn đề nâng cao chất lượng, chấm dứt tiêu cực trong đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu, cuối năm 2014 phải giảm một nửa số tàu biển bị bắt giữ ở nước ngoài do lỗi của đăng kiểm. Nếu tàu biển bị bắt giữ ở nước ngoài do lỗi kiểm định, đăng kiểm viên trực tiếp sẽ bị buộc thôi việc. 

Trước thực trạng tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp trong 3 tháng đầu năm, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, hệ thống Đăng kiểm của Việt Nam là một tổ chức đăng kiểm được thế giới cấp chứng chỉ tương đương các nước trong khu vực, các đăng kiểm viên cũng được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Do vậy, nếu cán bộ nào liên quan đến việc tàu bị lưu giữ do lỗi đăng kiểm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.  

Lý giải về nguyên nhân gia tăng lượng tàu bị lưu giữ tại Trung Quốc, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, do ở  khu vực này có lượng tàu biển hoạt động rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo môi trường, Trung Quốc đặt ra quy định và yêu cầu rất cao, nên nhiều tàu Việt Nam chưa đáp ứng được.