Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Tăng trưởng: Hy sinh tốc độ đổi lấy chất lượng

ANTĐ - Hôm qua, 21-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Sau phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2012.

 

Tăng trưởng: Hy sinh tốc độ đổi lấy chất lượng  ảnh 1


Suy giảm xuất hiện

Nhìn lại tình hình những tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, lạm phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định và cán cân thanh toán được cải thiện. Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng trở lại... Tuy nhiên khi phân tích sâu hơn về tốc độ tăng trưởng GDP, Phó Thủ tướng cảnh báo: “Đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm kinh tế”. Cụ thể, GDP quý I năm 2012 chỉ tăng 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%). 

Đại diện Chính phủ thừa nhận, chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát nhưng cũng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, nhất là DN vừa và nhỏ. Lãi suất vay ngân hàng còn cao, nhiều DN khó tiếp cận và hấp thụ vốn trong khi nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng. Nhập khẩu giảm mạnh, nhất là khối doanh nghiệp trong nước. Chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp. Nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể. Trong 4 tháng qua, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ. Hệ quả tiếp theo là lao động mất việc làm tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhìn nhận, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi trong khi xuất hiện nhiều vụ khiếu kiện đông người phức tạp, nhất là về đất đai. Việc bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở một số thành phố lớn... vẫn gây bức xúc xã hội.

Tàu Hải quân Việt Nam tuần tra trên biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Khó nhưng không lùi

Dự báo tình hình “diễn biến phức tạp, khó lường” và “duy trì tăng trưởng hợp lý là nhiệm vụ rất khó khăn” song Chính phủ vẫn kiên định với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu ra 6 nhóm giải pháp lớn để “thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2012 mà Quốc hội đã đề ra”. Những tháng còn lại của năm 2012, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm là “tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Nhận định “sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% của cả năm 2012” nhưng hầu hết ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn đồng tình với quan điểm Chính phủ kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đã đề ra cho năm 2012. Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, phải tăng khả năng dự báo tình hình kinh tế vĩ mô để kịp thời có chính sách và giải pháp điều chỉnh thích hợp. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, Chính phủ phải ngăn ngừa nợ xấu tăng cao và thận trọng, chặt chẽ trong việc nới lỏng tín dụng cho các khu vực phi sản xuất. Đồng thời, tránh những can thiệp hành chính liên quan đến cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giãn nợ. Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý Chính phủ cần thực hiện triệt để tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh...

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý là nhiệm vụ rất khó khăn; vừa là cần thiết, cấp bách trong năm 2012, vừa là yếu tố quan trọng để bảo đảm ổn định và phát triển bền vững trong trung và dài hạn. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc