Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (10): Hồ Tây và những di sản văn hóa bất tử đất Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thật không ngoa khi ai đó nhận xét, con đường ven hồ Tây xứng đáng được gọi là con đường di sản. Bởi trong 63 di tích của quận Tây Hồ thì những di tích quan trọng nhất đều nằm ven hồ như chùa Trấn Quốc, chùa Sải, phủ Tây Hồ hay chùa Kim Liên…
Chùa Trấn Quốc, ngôi chùa có lịch sử trên 1000 năm tuổi của Thăng Long Hà Nội

Chùa Trấn Quốc, ngôi chùa có lịch sử trên 1000 năm tuổi của Thăng Long Hà Nội

Trấn Quốc, ngôi chùa có lịch sử hơn 1000 năm

Hồ Tây trữ tình và nên thơ một phần nhờ khung cảnh được thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này, còn phần nữa là nhờ hệ thống dày đặc các di tích vào loại bậc nhất Thăng Long do con người tạo nên như chùa Tảo Sách, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ… Các di tích, thắng cảnh văn hóa đã tạo nên một “con đường di sản” của đất kinh kỳ khiến mỗi ai đến đều cảm thấy nhớ, thấy yêu.

Tháng 9-2010, con đường ven hồ đã được khánh thành, vừa tạo nên diện mạo mới cho cảnh sắc Hồ Tây, vừa kết nối các di sản xung quanh, tạo thành một chuỗi liên kết nối từ di tích này sang di tích khác trong cùng một không gian khoáng đạt và trong lành. Chỉ với một chiếc xe đạp, cuộc hành trình khám phá các di sản ven hồ Tây của du khách sẽ bắt đầu đầy thú vị. Với điểm xuất phát từ chùa Trấn Quốc, mỗi điểm dừng chân gợi nhắc nhiều giá trị về tâm linh, lịch sử lẫn kiến trúc.

Nằm trên bán đảo nhỏ giữa mênh mang sóng nước ngay bên đường Thanh Niên, con đường đẹp ngăn cách giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam có từ thế kỷ 6 thời Lý Nam Đế. Chùa Trấn Quốc từng được trang Thrillist uy tín bình chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, điểm dừng chân không chỉ dành riêng các tín đồ Phật giáo mà cả khách du lịch thập phương.

Theo sử sách ghi lại, vào năm 541-548 khởi đầu ngôi chùa được gọi là chùa Khai Quốc. Chùa được xây dựng ngoài bãi sông Hồng, sau này vào đời Hậu Lê (Thế kỷ 17) thì chuyển vào đây. Trước đây, nơi này được gọi là bãi cá vàng mà các bậc quân vương thường du xuân, du thủy, sau đó các vị cao tăng về đây tu hành. Ngôi chùa tính đến nay có lịch sử hơn 1.000 năm.

Bà Nguyễn Thị Thư (72 tuổi, phố Hàng Đậu) chia sẻ, mấy chục năm nay, thói quen của gia đình bà là sau Giao thừa sẽ đến chùa Trấn Quốc, vừa là du xuân vãn cảnh, vừa cầu cho một năm mới tốt lành, vừa là để tưởng nhớ đến tiền nhân đi trước. Khi đến đây, tâm hồn bà cảm thấy thư thái, tĩnh tâm, không còn vướng bận những lo toan của cuộc sống thường nhật. Bà Nguyễn Thị Thư còn cho rằng, việc đến chùa Trấn Quốc vãn cảnh không chỉ là nét đẹp văn hóa của người Việt mà còn là một cách làm giàu tâm hồn, sống chậm lại để tận hưởng thiên nhiên và cảnh đẹp.

Đình Yên Phụ nằm lặng lẽ giữa các tòa cao ốc

Đình Yên Phụ nằm lặng lẽ giữa các tòa cao ốc

Nghệ thuật chạm khắc của đình Yên Phụ

Tạm biệt chùa Trấn Quốc, cùng với chiếc xe đạp, du khách lại tiếp tục cuộc hành trình trên phố Yên Hoa để rẽ vào làng Yên Phụ và dừng chân trước cửa đình làng. Ngôi đình như chứng nhân của lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Đình thờ 3 vị Thành hoàng, vốn là 3 anh em: Uy Linh Lang Đại Vương, Vương Duy Đại Vương, Vương Ba Đại Vương. Trước đây, đình từng được xây dựng ở ven sông Hồng. Sau một trận lụt làm lở đất, các cao niên làng Yên Phụ mới bàn nhau đưa đình vào phía trong và tọa lạc cho tới ngày nay.

Nếu chỉ đứng ngoài đường hay trong sân mà nhìn thì đình Yên Phụ cũng nhỏ bé, lạc lõng giữa những dãy nhà cao sừng sững sát mép hồ Tây. Nhưng, khi bước qua bậc tam cấp, vào bên trong, du khách mới cảm nhận được độ nguy nga, to lớn. Cổng đình được xây theo kiểu tứ trụ. Qua cổng là khoảng sân khá rộng, 2 bên 2 dãy nhà dải vũ, tiếp đến là đại đình được xây theo kiểu chữ đinh có 5 gian đại đình và 5 gian hậu cung. Đình Yên Phụ được làm bằng gỗ lim, cột bào trơn, kê trên các tảng đá xanh.

Nghệ thuật chạm khắc, trang trí gồm những mảng chạm với những đề tài phong phú, độc đáo. Các đầu bẩy chạm nổi đề tài rồng, mây, tứ linh. Các đầu dư chạm hình rồng ngậm ngọc, mắt rồng lồi to, mũi nở, bờm bay ngược về phía sau. Các bức cốn, chạm nổi đề tài tứ linh, tứ quý, rồng cuốn thủy và các hình hoa lá cách điệu…Nhìn chung, nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đây khá tinh xảo, đường nét sâu đậm, sống động, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18.

Cổng chùa Kim Liên

Cổng chùa Kim Liên

Chùa Kim Liên - bông sen vàng bên hồ Tây

Xuôi theo con phố Yên Phụ rồi rẽ vào ngõ 1 Âu Cơ là đến với chùa Kim Liên, ngôi chùa cổ kính và được ví von là “bông sen vàng trước mặt hồ Tây”. Chùa Kim Liên là 1 trong 12 di tích đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên ở Hà Nội năm 1962. Chùa có từ thế kỷ 17, được dựng trên dải đất của làng Nghi Tàm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Tam quan chùa Kim Liên là một công trình kiến trúc hết sức độc đáo, trông như bông sen đang độ nở trên mặt nước Tây Hồ 4 mùa sóng phủ. Các chi tiết trên gỗ đều được chạm nổi, chạm lộng hình rồng, hình hoa lá tinh xảo, uyển chuyển. Đầu đao mái uốn cong, gắn hình tứ linh bằng gốm nung. Ba chữ sơn son “Kim Liên Tự” nghĩa là “Chùa sen vàng” nằm ở chính giữa cửa chùa.

Từ Tam quan vào, du khách phải đi qua một sân rộng. Tại sân này hiện còn lưu giữ tấm bia đá cỡ 0,8x1,2m, có nhiều hình chạm nổi rất đẹp. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những tấm bia cổ còn lại ở Hà Nội, được dựng vào năm Thái Hòa thứ nhất, đời vua Lê Nhân Tông (1443). Chùa Kim Liên hiện còn nhiều tượng đẹp như: bộ tượng Tam Thế, bộ tượng A-di-đà, Quan Thế Âm... chứa đựng giá trị nghệ thuật cao. Kiến trúc có rất nhiều điểm giống chùa Tây Phương (Hà Tây).

Ban thờ Mẫu tại phủ Tây Hồ

Ban thờ Mẫu tại phủ Tây Hồ

Huyền tích xưa ở phủ Tây Hồ

Tạm biệt chùa Kim Liên cổ kính, du khách lại đạp xe dọc theo con đường Nghi Tàm, vòng qua Xuân Diệu rồi Quảng An, để đến với một trong những địa danh nổi tiếng nhất của hồ Tây. Đó chính là phủ Tây Hồ, nơi thờ Thánh Liễu Hạnh, một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong 4 vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt.

Tục truyền rằng, bà là Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu. Nữ tiên ấy đã giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Đến triều Nguyễn bà được nhà vua phong “mẫu nghi thiên hạ”, là một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam.

Cũng theo truyền thuyết, phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh và trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm. Và phủ Tây Hồ đã ra đời với một xuất xứ ly kỳ như thế.

Di tích phủ Tây Hồ hiện còn lưu giữ được khối di vật khá phong phú mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX, XX như bộ tượng tròn gần 300 pho, hoành phi, câu đối… Đặc sắc nhất là bức đại tự ghi “Thiên tiên trắc giáng” (Tiên trời xuất hiện) và bức hoành phi ở cửa cung đề: “Mẫu nghi thiên hạ”. Đáng chú ý nhất trong điện thờ Mẫu thường có 3 pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn là vị mặc áo xanh lá cây tượng trưng cho rừng, nơi con người xưa sinh sống bằng các loại củ; Mẫu Thoải (thủy) là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất.

Ba vị mẫu này hợp thành Tam phủ, giải thích quá trình tiến hóa của cư dân Việt, từ rừng núi, sông suối xuống đồng bằng định cư trồng lúa nước. Cũng theo quan niệm Tam phủ thì cai quản thiên phủ có thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa quán xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản thủy phủ có thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người. Với sức mạnh huyền bí ban phúc, xá tội và giải ách, tín ngưỡng Tam phủ rất hấp dẫn mọi người.

Vào dịp Tết đến xuân về, du khách thường đổ về phủ Tây Hồ rất đông, vì cùng với việc lễ cầu may, họ còn thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây. Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) cấp Bằng di tích Lịch sử - văn hóa ngày 13-2-1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là “cây di sản Việt Nam”. Kề bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết.

Một vòng hồ Tây, gần 20km, con đường ven hồ còn đưa du khách đi qua những di tích tiêu biểu khác của Hà Nội như: chùa Tảo Sách, chùa Thiên Niên, chùa Vạn Niên, rồi vòng bên kia là chùa và đình Võng Thị, đền Trích Sài hay chùa Sải. Sát hồ Tây còn có đền Cố Lê, nơi thờ các trung thần triều Lê, trong đó nổi bật nhất là Lê Quýnh, người đã viết nên tác phẩm “Bắc hành tùng ký”. Để tìm hiểu được đầy đủ các danh lam thắng cảnh và các di tích nằm ven của hồ Tây, du khách cần nhiều ngày mới có thể khám phá trọn vẹn. Cả một vùng hồ nước rộng lớn, bao quanh hồ là những ngôi làng cổ, dù đã trải qua quá trình đô thị hóa nhưng những huyền tích về làng, về hồ, về các di sản vật thể và phi vật thể cho đến hôm nay vẫn còn được lưu giữ. Hồ Tây vẫn là một không gian rất đặc biệt của thành phố 1010 năm tuổi.