Sự kiện Huyền Chíp và những phản ứng dữ dội: Hãy đam mê nhưng hãy cẩn trọng

ANTĐ - Mấy ngày gần đây dư luận trong giới trẻ và các báo cũng như các trang mạng đang xôn xao câu chuyện về Huyền Chíp, tác giả hai cuốn sách được tổ chức ra mắt, quảng cáo rầm rộ. Có rất nhiều lời ca tụng, nhiều sự vui mừng đón nhận và cả những phản ứng dữ dội. Chỉ trong mấy ngày đã có hàng trăm bài báo hàng nghìn phản hồi cho hiện tượng này.

Tôi đã đọc, đã vui buồn với cả hai cuốn sách của Huyền Chíp. Tôi cũng đọc tất cả những ý kiến trên các báo và các trang mạng về một Huyền Chíp thú vị. Lần đầu tiên, cảm nhận về những vùng đất mới được viết lên với sự tươi trẻ, với cả sự ngạc nhiên, nhiều khi là ngây thơ của một người trẻ. Đó là sự khác biệt. Không có những lời dạy dỗ, những kiến thức địa lý, lịch sử chính trị khô cằn mà chỉ có khao khát, đam mê… Cuốn sách đã truyền được cảm hứng sống cho không chỉ lớp trẻ mà cả những người đã nhiều tuổi. 

Nhưng tại sao hai cuốn sách vẫn gặp những phản ứng? 

Phải khẳng định những phản ứng có thật và cũng có phần có lý.

Trong khi những cảm hứng, những đam mê chinh phục được bạn đọc thì nhiều chi tiết trong cuốn sách đã không thuyết phục được bạn đọc. Số tiền chi phí cho chuyến đi, việc làm và thu nhập trong chuyến đi, thực hiện các thủ tục xin visa nhập cảnh vào các nước… những chi tiết này không thuyết phục được độc giả. Nhiều chi tiết như gãy chân, xin visa vào một số nước cụ thể… không đúng với thực tế và không đúng với thủ tục để xin visa vào nước này. Câu hỏi của bạn đọc là tại sao có những chuyện đó?

Phải khẳng định cô bé sinh năm 1990 này đã đi qua 25 nước với những trải nghiệm tuyệt vời, với tình yêu con người đầy ắp trong những cảm hứng trên từng trang sách. Nhưng những dòng chữ trên trang sách đã phản bội cô. Đọc kỹ từng trang sách khiến chúng ta có cảm giác phần nào là cô viết, phần nào là do các “cố vấn”, hoặc là người tổ chức sự kiện viết và thêm vào. Đến độ chính cô cũng không nhớ nổi các sự kiện được kể trong cuốn sách. Những cảm hứng cũng không thống nhất như một người viết thống nhất. Điều đó khiến cho bạn đọc có thể đặt câu hỏi Huyền Chíp đã không phải là tác giả duy nhất của cuốn sách. Mà ngay sự lúng túng của tác giả trước các chất vấn của bạn đọc trong buổi ra mắt cuốn thứ hai lại càng khiến cho bạn đọc băn khoăn về sự thật của cuốn sách. Buổi ra mắt cuốn thứ hai đã làm tắt vầng hào quang không cần thiết xung quanh Huyền Chíp.

Nếu cả hai cuốn sách này không được giới thiệu như nhật ký thì chẳng có vấn đề gì xảy ra. Còn nếu đã là nhật ký, hồi ký thì tất cả các chi tiết trong cuốn sách phải đảm bảo sự thật 100%. Người viết hồi ký, nhật ký không được hư cấu, không được “bịa”. Có vẻ như các nhà tổ chức đã đẩy em ra trước dư luận mà không chuẩn bị cho em cách đối phó, thậm chí là cách ứng xử hợp lý. Em làm cho người ta thiếu tin cậy và mục tiêu truyền cảm hứng, truyền đam mê xa vời hơn. 

Bài học sau sự kiện này là gì? Hãy tiếp tục đam mê, hãy tiếp tục khao khát, hãy tiếp tục phiêu lưu. Nhưng các em phải cẩn trọng. Huyền Chíp hãy cẩn trọng không phải chỉ với bất trắc trên con đường hành trình khám phá, mà còn phải cẩn trọng cả với những người muốn lợi dụng mình, lợi dụng những cuộc phiêu lưu của mình. Nhiều người đã phải trả giá cho những nhóm, những tổ chức chuyên “thổi” những việc bình thường thành những sự kiện.