Ròm - lát cắt trần trụi của những nạn nhân lô đề trong đời sống thị dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tròn một năm kể từ khi đoạt giải thưởng cao nhất (New Current) tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) 2019, bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy chính thức ra mắt khán giả tại các rạp trong nước từ ngày thứ sáu 25-9-2020.

Những ngày công chiếu đầu tiên cho thấy khá đông khán giả ra rạp xem “Ròm”. Với kinh phí sản xuất khoảng 10 tỷ đồng, “Ròm” được dự báo sẽ thu hồi vốn thành công với doanh thu tiền vé có thể vượt qua 20 tỷ đồng ngay trong tuần đầu ra rạp.

Đạo diễn Trần Thanh Huy

Đạo diễn Trần Thanh Huy

“Ròm đã về đích”

Đó là lời chia sẻ của đạo diễn Trần Thanh Huy, người đã dành ra 8 năm tuổi trẻ để theo đuổi dự án phim điện ảnh đầu tay “Ròm”, trong đó có những ngày ròng rã đi chào kịch bản và kêu gọi đầu tư trong khoảng thời gian 2013 - 2015. Trần Thanh Huy cảm ơn sâu sắc đến đoàn phim đồng hành đã kiên trì cùng anh trong quãng thời gian quá dài để có thể biến giấc mơ thành hiện thực.

Họ đã cùng nhau làm nên một bộ phim thành công, đồng thời cũng vượt qua khá nhiều “gian truân như nàng Kiều” trong quá trình thực hiện. Bộ phim gặp trắc trở ngay từ lúc ra đời cho đến khi gây tiếng vang châu lục, rồi bị xử phạt hành chính, chỉnh sửa, lùi ngày chiếu vì dịch Covid-19, đến ngày hôm nay mới “thực sự về đích” khi chính thức ra rạp.

Thật vậy, vào tháng 4-2020, phim “Ròm” có giấy phép phát hành từ Cục Điện ảnh sau khi đã chỉnh sửa, cắt bỏ nhiều đoạn so với bản gốc. Phim lên lịch chiếu rạp ngày 31-7, nhưng buộc phải hoãn vì giãn cách xã hội đợt 2 do Covid-19. Trước khi lên lịch chiếu chính thức lần nữa từ 25-9, Ròm nhận tin vui khi được công bố đoạt giải “Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất” (Best First Feature) tại Liên hoan phim quốc tế Fantasia lần thứ 24.

Những phận người chao nghiêng

“Ròm” kể câu chuyện về cuộc sống của những người dân lao động trong bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại TP.HCM. Nơi đây cũng tương tự như nhiều xóm lao động nghèo ở một trung tâm kinh tế của cả nước, nhưng sự phân hóa giàu nghèo thể hiện rõ ràng. Những người dân nghèo lam lũ có thú vui là chơi số đề dù biết đây là tệ nạn phạm pháp. Họ hy vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời.

Ròm (Trần Anh Khoa đóng) còn là tên cậu bé làm “cò đề” để kiếm những đồng bạc lẻ sống qua ngày. Cậu dùng biệt tài đoán số để “tư vấn” cho dân chơi đặt những con số may mắn nhằm có cơ may trúng đề. Đối thủ của Ròm là Phúc (Wilson Anh Tú), một tay “cò đề” giang hồ cùng khu vực. Cả 2 đã cạnh tranh sống còn với nhau trong cuộc mưu sinh khốn khó và kỳ lạ của họ.

Phim thể hiện những thân phận người nghèo từ trẻ đến già, từ những thanh niên lẫn phụ nữ một cách “rất đời”. Những xóm lao động chơi đề, đá gà, cờ bạc, cho vay nặng lãi, du thủ du thực, trấn lột, đòi nợ bằng bạo lực... là một vòng tròn luẩn quẩn của những ai thất nghiệp, vô công rỗi nghề, khó khăn, kham khổ. Khi không có công ăn việc làm, họ chọn chơi đề, mong trúng đề như một lối thoát kiếm sống đầy ảo ảnh.

Việc sử dụng hiệu ứng khung hình nghiêng của bộ phim đã xác lập một phong cách quay xuyên suốt cho tác phẩm, có chất điện ảnh khá cao, đồng thời rất thích hợp để minh họa cho cốt truyện về những mảnh đời chông chênh, không nơi nương tựa ổn định và tương lai cũng bất định. Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Phúc Vinh cho biết: “Việc quay máy nghiêng như vậy nhằm miêu tả cuộc sống bấp bênh của những nạn nhân lô đề trong xã hội”.

Thị dân và tình người

Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động bình thường tại một xóm lao động nghèo. Thế nên Huy rất thấm thía nỗi nhọc nhằn mưu sinh và những tệ nạn xã hội vây quanh những người nghèo. Tuổi thơ của Huy từng gắn bó với trẻ em đường phố, từng cùng những đứa trẻ đồng trang lứa bán vé dò. “Tôi muốn kể câu chuyện riêng về những thân phận ấy” - Huy nói.

Anh chọn đề tài những đứa trẻ bán vé dò (kết quả xổ số) làm phim ngắn “16:30” để tốt nghiệp ngành đạo diễn ở trường. Từ phim ngắn được nhiều khen ngợi và thành công (giải Cánh diều vàng 2012), Huy kiên trì thực hiện giấc mơ về bộ phim điện ảnh đầu tay của anh - “Ròm” - theo quan niệm “điện ảnh phản ánh con người và cuộc sống”. Nhân vật Ròm của Trần Anh Khoa (chính là em trai Huy) đóng từ lúc 12 tuổi (phim “16:30”) cho tới lớn (phim “Ròm”) nên Khoa đã vào vai diễn xuất sắc, nhập tâm và nhiều trường đoạn xuất thần.

Ròm và Phúc tuy sống trong tăm tối, đối kháng nhau, đánh đấm nhau ra trò như những đứa trẻ “bụi đời” khác, nhưng cả 2 toát lên nguồn nhiệt lượng quyết tâm thoát khỏi cái nghèo. Cảnh Ròm và Phúc rượt đuổi trên đường phố hay qua những lối nhỏ chật chội, bê bối ở những khu buôn bán phần nào thể hiện nghị lực mạnh mẽ và sự phong trần của những cậu trai mới lớn này. Còn trong khu vực họ sống, những người lao động nghèo có sự chia sẻ (một người đàn ông trúng đề chia vui với hàng xóm).

Sau khi trải qua hơn 70 phút theo dõi một bộ phim có tiết tấu gấp gáp, màu phim đặc trưng, những khuôn hình chắt lọc, người xem dừng lại ở cảnh kết khi Phúc tiến lại gần Ròm như thể muốn làm hòa. Chia sẻ về phần kết này với An ninh Thủ đô Cuối tuần, đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết: “Với tôi, trong mỗi con người luôn có một điều thiện và sự cảm thông. Phúc có cạnh tranh quyết liệt đến mấy thì cũng là để mưu sinh. Nhưng sau rốt, Phúc vẫn là một cậu nhóc có tình cảm và biết yêu thương”.

“Chợt nghĩ có khi các phim giải trí lớn không ra rạp vào thời điểm này lại là một thuận lợi cho “Ròm”. Trong nguy có cơ, trong cái rủi có cái may. Cầu mong “Ròm” sẽ có một con số doanh thu làm ấm lòng những người làm phim độc lập”.

Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh

“Tinh thần của “Ròm” qua những câu chuyện được nghe thật sự truyền cảm hứng xứng đáng nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ”.

Đạo diễn Quang Huy

“Một bộ phim đáng để học hỏi và tìm cảm hứng từ các nhà làm phim. Một bộ phim đáng xem với những khán giả mong chờ một cảm giác mạnh”.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

“Ròm” - một phim có hơi hướng neorealism (tân hiện thực) về cuộc sống khốn khó của những đứa trẻ bán vé dò, nhưng đằng sau đó còn bao thân phận khốn khó của một khu chung cư cũ chờ giải tỏa. Cuộc sống trong phim thì ngột ngạt tăm tối, nhưng mạch phim thì đầy năng lượng và chực chờ bùng nổ. Trần trụi, khốc liệt và đôi lúc ngợp thở vì những cuộc rượt đuổi bất tận của 2 nhân vật chính. Máu, mồ hôi, nước mắt, bùn lầy nước đọng, chất thải, cống rãnh nhơ nhớp... bộ phim kéo xộc khứu giác của chúng ta vào thẳng từng khuôn hình để ngửi tất cả những thứ mùi lầm than tăm tối ấy. Tôi mong phim này sẽ trở thành một cú “hit” của phim Việt và mở đường cho dòng phim này tại rạp chiếu”.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm