Rock không có nghĩa là phải... gào lên

ANTĐ - Họ muốn đem Rock thật gần và phổ biến với người nghe bằng các sáng tác bám sát với thực tại, thể hiện góc nhìn về cuộc sống bằng các chất liệu âm nhạc hiện đại kết hợp chất liệu dân gian truyền thống. Ban nhacj Ngũ Cung đã làm được điều ấy. Giải Nhất Tiger Translates Rock Your Passion; Giải thưởng Bài hát Việt… và hàng trăm tour biểu diễn, hàng vạn fan hâm mộ là phần thưởng xứng đáng cho Ngũ Cung trên sân chơi ROCK.

- Ngũ Cung ra đời, hoạt động với mục tiêu khá rõ ràng?

Định hướng đầu tiên khi ban nhạc mới ra đời và cho  đến bây giờ vẫn vậy: bám sát cái hay cái đẹp của văn hóa Tây Bắc, tình yêu, tình bạn, phản ánh hiện trạng cuộc sống… đó là thế mạnh của chúng tôi.

- Tại sao lại là văn hóa Tây Bắc, mỗi lương duyên nào của Ngũ Cung với miền đất dịu ngọt, xứ xở của hoa ban, điệu múa xòe hoa?...

- Nó là cái duyên cũng đúng, tất cả chúng tôi đều yêu núi rừng, yêu Tây Bắc. Guitar Lead Trần Thắng, người chịu trách nhiệm sáng tác chính trong ban nhạc được sống trong một cái nôi nghệ thuật. Ông nội Thắng, nhạc sỹ Trần Tuấn Long nguyên là Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu Việt Bắc; chú ruột của Thắng là nhạc sỹ, nghệ sỹ guitar Thanh Phương; bố là họa sỹ, giảng viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc… nên từ bé Thắng đã được truyền cho ngọn lửa Tây Bắc, nó ngấm dần vào máu Thắng. Sáng tác nhạc Rock rất khó, nhưng rất may mắn chúng tôi được sự giúp đỡ vô bờ bến của nhạc sỹ Trần Tuấn Long khi viết lời, điển hình như ca khúc “Cướp vợ - tục lệ người H’mông”.

- “Dân gian đương đại” - một chất liệu đã tạo thành xu hướng trong các sáng tác hiện nay, Ngũ Cung cũng không phải ngoại lệ?

-  Đây không phải là xu hướng mà đã từng xảy ra lâu rồi, đã có giai đoạn ầm ĩ lên khái niệm “dân gian đương đại”. Thị hiếu này gắn liền với sự nổi tiếng của nhạc sỹ Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son… và sự thành danh của Tùng Dương, Ngọc Khuê…  Rock không đi theo một xu thế cố định nào. Rock kén khán giả, khán giả lại khó tính, họ nghe và cho rằng thế này-thế kia mới là Rock. Có người nói phải gào lên, phải hát không rõ lời, phải điên loạn… Ngũ Cung theo trường phái Progressive - Hard Rock, tính ngẫu hứng cao được thể hiện độc lập trong sự thống nhất. Rock cũng đa dạng như chính cuộc sống, như sự phát triển, nó làm con người ta phải thay đổi.

- Và “dân gian đương đại” cũng bị lạm dụng?

-  Vô cùng trìu tượng. Đương đại là hiện tại. Thôi chúng ta cứ tạm chấp nhận cái khái niệm đó đi, và sống chung với nó thì có lẽ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ngũ Cung chẳng có tư cách gì để phân tích mổ xẻ nó, hoặc cũng chẳng có trình độ uyên thâm gì để bình luận về nó. Ngũ Cung chơi nhạc Rock, chúng tôi bám sát theo nó, theo những thế mạnh. Đơn giản là như vậy.

- Ngũ Cung sáng tác Rock, 2 khía cạnh cảm xúc và kỹ thuật được căn chỉnh thế nào?

-  Nếu không có cảm xúc thì không thể sáng tác được. Cảm xúc luôn phải có trước, sau đó mới trau chuốt bằng kỹ thuật. Khi làm một khuông nhạc xong, mỗi thành viên trong Ngũ Cung sẽ đưa ra ý kiến phản biện hay - dở,  lúc gọt giũa hoàn thiện mới cần kỹ thuật.

- Thông điệp truyền tải, thẩm mỹ âm thanh trong các sáng tác của Ngũ Cung?

- Ngũ Cung không mong muốn truyền tải điều gì đó lớn lao, mà là ca ngợi cái hay, cái đẹp của văn hóa tục lệ, cảnh đẹp, con người, thiên nhiên. Cái nữa là ca ngợi tình yêu cuộc sống, tình bạn… Album của Ngũ Cung là tổng hợp tất cả các sáng tác của Ngũ Cung thôi, chứ nó không phải là bức tranh theo một chủ đề cụ thể, mà đây là bức tranh tổng hòa đa màu sắc, mỗi bài hát mang một chủ đề khác nhau.

- Nghệ thuật là phải “chất”, Rock lại càng phải “chất” hơn nữa, vậy “chất” của Ngũ Cung là gì?

- Cái đấy buộc công chúng phải nghe. Mỗi người sẽ quan niệm thẩm mỹ về sự “chất” khác nhau. Có người nghe thế này - thế kia mới là chất, nhưng quan trọng là chất gì? Chất của chúng tôi ca ngợi và hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.

- Thế sự khác biệt của Ngũ Cung với các ban nhạc Rock khác?

- Ngũ Cung tự hào là ban nhạc có kỹ thuật, bởi chúng tôi là những người chuyên nghiệp. Có thể ngày hôm nay chúng tôi có hàng vạn người hâm mộ, nhưng ngày mai chúng tôi chỉ có vài người. Sự khác biệt là chúng tôi không đẽo cày giữa đường. Có những ban nhạc Rock tồn tại xuyên thời gian, Pink Ployd chẳng hạn, từ thời cha chúng tôi vẫn còn trẻ họ đã nổi tiếng rồi, bây giờ họ chìm lắng hơn nhưng vẫn tồn tại và cho ra đời những tuyệt phẩm.

- Sống với nghề, nhưng nghề có giúp Ngũ Cung đủ sống?

- Ngũ Cung sống bởi nghề nhạc, các thành viên ngoài việc tham gia Ngũ Cung chung tôi còn hoạt động ở nhiều lĩnh vực, chơi nhạc cho các tụ điểm, chương trình lớn; đương nhiên chúng tôi sống bằng cát-sê ở đó rồi. Ngũ Cung được mệnh danh là ban nhạc có mức cát-sê cao so với mặt bằng chung, đó là một phần thu nhập cho chúng tôi để sống và tái đầu tư các trang thiết bị, nhạc cụ...

- Không có gì tuyệt đối cả, Ngũ Cung đã bao giờ nghĩ đến sự thất bại?

- Có thành công bao giờ cũng đi kèm với thất bại. Nó luôn là 2 mặt của một vấn đề và khi thất bại thì mới biết rằng chúng ta thành công. Chắc chắn rồi, có thể Ngũ Cung và những tác phẩm của chúng tôi không được công chúng yêu thích, không còn “hot”, không còn là thị hiếu nữa thì đó là một sự thất bại. Quan trọng là chúng tôi biết chấp nhận điều đó!

- Chấp nhận thất bại chưa bao giờ là một việc dễ dàng?

- Khó vô cùng, nhưng phải hiểu vấn đề là chúng tôi biết chúng tôi là ai, không nên sống quá trong ảo tưởng, từ đó để biết thu mình về. Chứ luôn nghĩ mình là số 1, đó là thất bại của chính mình, là sự tự lừa dối bản thân. Chúng tôi luôn nói với nhau phải thực tế và biết chia sẻ và cảnh báo nếu không cố gắng mà cứ ngủ quên thì sẽ bị thụt lùi.

- Một thực tế, các ban nhạc Việt thành lập rồi tan rã , Ngũ cung xác định chuyện này như thế nào?  

- Mọi thành viên trong Ngũ Cung luôn xác định tinh thần, mục đích của tập thể luôn phải đặt lên hàng đầu. Trong một ban nhạc, việc thay đổi các thành viên là hết sức bình thường và xuất phát từ những lý do khác nhau; mỗi thành viên đều có cuộc sống, mục đích, lý tưởng và con đường riêng cho sự phát triển. Tiếc rằng nó không còn song hành cùng với mục đích và con đường chung của tập thể thì điều tất yếu sẽ xảy ra. Mọi sự thay đổi ở Ngũ Cung là cần thiết cho sự phát triển, vì âm nhạc Rock tại Việt Nam.  

-Điều gì tạo nên sự thành công của một ban nhạc Rock?

- Được sống với nghề đã là thành công rồi. Thử hỏi các Rocker Việt Nam có mấy ai sống được với nghề (?) Đói. Không đói cái bụng mà hầu như đói môi trường. Không có môi trường dẫn đến không có show, không cát-sê, không có tiền tái đầu tư.

- Vậy nền tảng của sự thành công của Ngũ Cung ở thời điểm hiện tại?

- Kỹ thuật + Sự kiên trì + May mắn.

- Cảm ơn và chúc Ngũ Cung thành công trong hành trình đi tìm chất Việt cho Rock!