Phong vị nơi phố cổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều người Hà Nội rất cầu kỳ về ẩm thực. Sự cầu kỳ không hàm nghĩa sơn hào hải vị mà món ăn đó phải đúng gu, đúng kiểu. Nói gì thì nói, cứ bước chân ra khỏi Hà Nội, không dễ dàng tìm ra món bún riêu, bún ốc, phở, bánh cuốn… theo đúng nghĩa mà những từ đó gợi lên. Lúc ấy mới thấy thấm thía cái câu “sảy nhà ra thất nghiệp”.
Bún riêu vỉa hè Hà Nội

Bún riêu vỉa hè Hà Nội

Ăn tùy nơi…

Hễ mỗi lần đi xa, hay đúng hơn là chỉ cần rời khỏi Hà Nội, bản năng ăn uống của tôi bỗng trở nên yếu đuối. Tôi bắt đầu thèm muốn những thứ mà khi ở nhà, dù nhìn thấy hàng ngày, nhưng chẳng hề liếc mắt. Cái cảm giác đặc biệt này thường trỗi dậy ngay sau ngày thứ hai đến một thành phố lạ. Tôi sẽ thèm khủng khiếp (với cảm giác sẵn sàng đánh đổi bằng bất cứ giá nào) một bát bún ốc hay một đĩa bún chả chẳng hạn. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình lại nên nông nỗi như thế.

Còn nhớ một lần, khi xe vừa đến thị trấn Seria (Brunei), tôi tình cờ nhìn thấy một chú gà đã luộc treo lủng lẳng trong tủ kính. Lúc đó đang giữa trưa, tôi chẳng hề để ý gì đến cảnh vật mới lạ hay những tiếng gọi giục giã của trưởng đoàn. Lập tức mắt tôi dán vào tủ kính và ứa nước miếng hệt một chú bé nghèo đói khát lần đầu từ quê lên phố và nhìn thấy món ngon trong quầy hàng. Lý do là vì chú gà này giống hệt những chú gà ở nhà, lại đã luộc rồi, lớp da mỏng vàng ruộm hứa hẹn một bàn tiệc thịnh soạn sau bao ngày phải tra tấn bằng những bữa trưa, bữa tối không hợp khẩu vị.

Cũng phải nói thêm rằng, tôi không chịu nổi món gà ở bất kỳ quốc gia nào ngoài Việt Nam. Phần lớn các nước sử dụng gà công nghiệp cho thực đơn, hơn nữa lại là gà công nghiệp đông lạnh, bỏ da, bỏ chân, bỏ cánh. Mà món lườn gà công nghiệp đông lạnh tôi không coi là thức ăn, đó là một sự đầy ải thì đúng hơn, nó làm xấu hổ các món ăn cao quý được chế biến từ gà.

Vì thế, khi nhìn thấy món ăn thượng hảo hạng trong tủ kính quầy hàng ở thị trấn Seria, bằng con mắt của người “sành gà”, tôi nhận ngay ra rằng chú gà này rõ ràng là đồng hương với lũ gà giò mổ thóc ở nhà. Tuy nhiên, lâu ngày tôi đã học cách làm quen với việc không phải cứ thứ gì ao ước là thành sở hữu của riêng mình, nên đành để cho trưởng đoàn tống vào một nhà hàng Trung Quốc mà gặm nhấm món màn thầu, cháo muối và cải chao xì dầu.

Nhiều người Hà Nội cũng cầu kỳ về ẩm thực. Sự cầu kỳ không hàm nghĩa sơn hào hải vị mà món ăn đó phải đúng gu, đúng kiểu. Nói gì thì nói, cứ bước chân ra khỏi Hà Nội, không dễ dàng tìm ra món bún riêu, bún ốc, phở, bánh cuốn… theo đúng nghĩa mà những từ đó gợi lên. Lúc ấy mới thấy thấm thía cái câu “sảy nhà ra thất nghiệp”.

Thực khách xếp hàng để vào ăn phở Bát Đàn

Thực khách xếp hàng để vào ăn phở Bát Đàn

Ký ức ẩm thực

Món ăn Hà Nội không chỉ là một nghệ thuật mà còn gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ tôi. Còn nhớ 20 năm trước, lũ chúng tôi thường rủ nhau ăn sáng ở một hàng bún riêu gần góc phố Yết Kiêu - Nguyễn Du. Hồi ấy, đó là một trong những món ăn rẻ tiền nhất, quán này lại ngon, đương nhiên là địa chỉ quen thuộc cho bữa sáng. Gạch cua được chế biến chắc nịch, rau sống thái rối trộn rau chuối, ớt bột chưng lên thơm gắt và không thể thiếu vị đặc trưng của mắm tôm. Tôi ăn sáng bằng bún riêu hầu như quanh năm suốt tháng.

Nói về sự trung thành với hàng quán, có lẽ tôi vẫn thua cha tôi. Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng ông vẫn đưa tôi lên hàng nộm rong ở phố Hoàn Kiếm. Đấy là con phố ngắn nhất Hà Nội, nhưng chẳng cô gái Hà Nội nào không biết đến nó. Có khi họ đã quên tiệt tên phố mà gọi nó bằng “phố nộm”. Cha tôi kể, ông ăn ở đây từ hồi 10 tuổi. Thuở ấy có ông lão đẩy xe hàng đứng bán, tiếng lách cách của kéo cắt thịt bò là âm thanh đặc trưng cho biết hôm nay ông lão có bán hàng hay không. Ông lão “cụ tổ” của “phố nộm” giờ chắc đã thành người thiên cổ.

Nghề bán nộm ở phố Hoàn Kiếm là một nghề hái ra tiền. Người ta chen chúc nhau vì nộm, người ta giận dỗi nhau vì (đưa) nộm chậm, người ta phấn khởi hoặc cáu kỉnh cũng vì nộm. Nộm ngày nay không giống thời xưa, ngoài thịt bò khô còn có đầy đủ cả xách bò, lá lách, chim quay, nem chua, bánh bột lọc nhân tôm… Bún riêu cũng không còn nguyên vẹn như thuở tôi ăn sáng 20 năm về trước. Nó nghễu nghện ốc to, ốc nhỏ, rồi thêm cả thịt bò tái, giò tai, đậu phụ rán, quẩy… Nhắc đến quẩy, 15 năm trước, phố Phan Bội Châu (góc Cửa Nam) đã từng là một “phố quẩy” chứ không phải phố giày dép thời trang như bây giờ. Cứ tối đến, nhất là những đêm đông giá rét, nam thanh nữ tú nườm nượp kéo đến ăn quẩy nóng. Một chiếc quẩy bé xíu có giá 100 đồng, ăn kèm nước chấm pha ớt trộn dưa góp. Đấy là món tuyệt ngon, đặc biệt dành cho lũ học trò ít tiền.

Nộm bò khô bán rong

Nộm bò khô bán rong

Đẳng cấp sành điệu

Không biết từ bao giờ, một dấu hiệu bất thành văn để quy định “đẳng cấp sành điệu” trong giới tuổi teen Hà Nội là nắm trong tay tất cả các địa chỉ ăn uống trong thành phố. Quần áo hàng hiệu, xe cộ thời trang cũng không là gì nếu như một cô nàng 18 tuổi lại không nghĩ ra nổi một địa chỉ nổi tiếng để… ăn phở buổi sáng. Ẩm thực là một trong những niềm đam mê vô tận của giới trẻ. Cho dù năm 2010 đã nhan nhản các thương hiệu KFC, Lotteria, Pizza Hut, Pepperonis, Phở Vuông, Phở 24… trên đường phố thì người Hà Nội (không hiểu sao) dù sang trọng hay bần hàn vẫn khoái ngồi chen chúc trên vỉa hè trong khói bụi, trong tiếng ầm ĩ của còi xe, tiếng càu nhàu của người bán hàng đông khách và giữa ánh mặt trời khô rang của mùa hạ, những cơn gió thốc tháo lạnh tê của mùa đông.

Nhóm teen thì càng thích hơn nữa. Này nhé, ốc luộc Liễu Giai, Lương Văn Can; phở bò Lò Đúc, Bát Đàn, Tôn Đức Thắng; phở gà Mai Hắc Đế, Đỗ Hành, Triệu Việt Vương; bún riêu Hòe Nhai, Phan Bội Châu, Thi Sách; bún chả Hàng Mành, Nguyễn Khuyến; bún ốc Mai Hắc Đế, Ô Quan Chưởng; bún ngan Hai Bà Trưng; bún gà ngõ Hàng Chỉ; nem tai Cầu Gỗ; cháo lòng Lò Sũ, Hàng Thùng; cháo trai Lê Văn Hưu; bánh mì Yết Kiêu, phố Huế; bánh cuốn Tô Hiến Thành; bánh gối Lý Quốc Sư; bún thang Lương Văn Can, Hàng Lược, Cầu Gỗ; bún mọc Bảo Khánh; phở cuốn Trúc Bạch; mỳ vằn thắn Mai Hắc Đế, Đinh Liệt; bún bò chợ Hàng Da; miến lươn Mai Hắc Đế; xôi gà Cấm Chỉ; gà tần Tống Duy Tân, chân gà nướng Nguyễn Văn Phúc…

Nhà văn Di Li

Nhà văn Di Li

Thực ra, tôi cho rằng chỉ 1/3 những thương hiệu trên là xứng tầm ẩm thực. Tuy nhiên, cho dù thế nào thì những thương hiệu của họ cũng đã gắn liền với tên phố. Đến độ cứ nhắc tới Bát Đàn là người ta thấy thoang thoảng mùi thơm của phở bò, nhắc đến ngõ Phất Lộc đã như nhìn thấy những miếng đậu vàng ruộm. Những năm vừa rồi, kinh tế thế giới cứ việc suy thoái, còn người Hà Nội không thể kiềm chế thú vui ẩm thực. Ăn uống trên vỉa hè cũng là một thú vui. Càng ngày càng nhiều món ăn du nhập làm tăng sự đa dạng của đất Kinh kỳ vốn dĩ đã rất sành điệu về ẩm thực. Rồi người ta cũng sáng tác thêm rất nhiều món ăn lạ để kích thích thực khách.

“Thương nhớ mười hai”

Dù thế nào, người Hà Nội đi xa không thể không nhớ da diết cảm giác giữa đêm đông giá rét, thoảng đâu đây vị mật đang ứa ra từ những củ khoai lang nướng trên than củi ở một góc hè. Và ngay lúc đang viết bài này, cạnh máy tính của tác giả là một ly chè long nhãn ướp lạnh. Thứ chè chỉ có thể tìm thấy ở Hà Nội. Nó mang sự tinh tế và sang trọng trong thành phần tạo nên nó, cho dù chỉ là sen bọc trong nhãn. Nhãn đây phải là nhãn Hưng Yên, dày cùi, hạt nhỏ, vị ngọt sắc. Loại nhãn mỏng cùi của Sài Gòn, nhãn dày cùi nhưng không đủ độ ngọt của Thái Lan, nhãn tiêu nhỏ tí xíu… đều không thể tạo thành chè long nhãn.

Mỗi ly chè long nhãn chỉ chừng vài hạt, nhưng đong đầy trong đó là sự cần mẫn của người làm, sự thanh tịnh của hạt quả thiên nhiên và sự trong ngọt, thơm bùi của vị giác. Mùa hè, mới có sen và nhãn. Và cũng chỉ mùa hè, người ta mới muốn thưởng thức một ly chè long nhãn mát lạnh. Ăn chè long nhãn, cho dù có đói khát cỡ nào cũng không nên theo cách của Trư Bát Giới nuốt chửng trái đào tiên. Cần phải nhấm nháp vị thơm của nhãn, vị bùi của hạt sen, vị thơm lựng của đường cất để mà tận hưởng, để khi rời xa Hà Nội, trong cái nắng nóng của Sài Gòn, Bangkok sẽ nhớ điên cuồng một ly chè Hà Nội.