Phim kinh điển thế giới về vẻ đẹp và sự đổ vỡ của con người

ANTD.VN - Tròn hai thập kỷ từ ngày ra mắt, phim tâm lý của đạo diễn Sam Mendes đã trở thành một tác phẩm kinh điển với tính triết lý về vẻ đẹp và sự đổ vỡ của con người.

Phim đầu tay của đạo diễn 34 tuổi và 5 giải Oscar

Bộ phim tâm lý “American Beauty” của đạo diễn Sam Mendes công chiếu tại Mỹ vào tháng 9-2019. Phim nói về cuộc sống của Lester Burnham (Kevin Spacey thủ vai), một người đàn ông trung niên làm nhân viên quảng cáo ở một tạp chí. Nhìn qua, Lester có cuộc sống đáng mơ ước - một người vợ thành đạt, một cô con gái xinh đẹp và một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ở vùng ngoại ô. Nhưng bên trong, người đàn ông trung niên này gặp khủng hoảng trầm trọng. Cuộc sống hàng ngày của ông là đến cơ quan bị sếp coi thường, về nhà bị vợ khinh rẻ và con gái ghét bỏ. Tất cả đều cư xử như thể Lester là một người thừa.

Khi cuộc sống trung niên đang nhàm chán và vô nghĩa, Lester tìm thấy “ánh sáng” bên nàng “Lolita” Angela (Mena Suvari thủ vai) – bạn học của con gái mình và là thành viên đội cổ động của trường. Angela luôn tỏ vẻ là mình thạo đời và có một vẻ đẹp phơi phới, quyến rũ. Lester bắt đầu có những mộng tưởng với Angela. Đó như là một giấc mộng đẹp, trái ngược với những bi kịch khó gọi tên của hiện thực cuộc sống hàng ngày.

Có kinh phí sản xuất vỏn vẹn 15 triệu USD song khi ra mắt, “American Beauty” bất ngờ thu về 356,3 triệu USD, trở thành một tác phẩm tâm lý thành công về mặt thương mại. Gần nửa năm sau ở lễ trao giải Oscar đầu tiên của thiên niên kỷ mới, bộ phim xuất sắc giành 5 tượng vàng ở các hạng mục quan trọng như: “Phim hay nhất”, “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” cho Kevin Spacey, “Đạo diễn xuất sắc nhất” cho Sam Mendes, “Kịch bản gốc hay nhất” và “Quay phim đẹp nhất”.

Ở hạng mục “Phim hay nhất”, “American Beauty” đã đánh bại các ứng viên nặng ký, trong đó có “The Sixth Sense” (Giác quan thứ Sáu) để giành chiến thắng.

Thành công cả về nghệ thuật lẫn thương mại, “American Beauty” đặt cột mốc mới cho dòng phim tâm lý. Điều đáng chú ý là đây còn là bộ phim đầu tay của đạo diễn người Anh – Sam Mendes, khi đó ông mới chỉ 34 tuổi.

Giá trị nghệ thuật của “American Beauty” nằm ở cách khai thác câu chuyện rất bình thường, thậm chí là tầm thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng nâng tầm lên thành một vẻ đẹp. Các nhân vật trong phim đều có hai mặt tốt – xấu và đều có những vấn đề giống nhau trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cách cư xử mỗi người lại khác biệt, cũng giống như xã hội hiện đại, đứng trước một tình huống, mỗi cá thể sẽ xử lý khác nhau.

Hai biểu tượng nổi bật nhất trong phim là “hoa hồng” và “túi rác”. Một thứ tượng trưng cho những gì hoa mỹ, quyến rũ mà ai cũng muốn nhận lấy và thứ còn lại là thô kệch, xấu xí mà ai cũng chỉ muốn vứt đi. Nhưng cả hai thứ đều tượng trưng cho vẻ đẹp. Trong phim có câu thoại “look closer” (Hãy nhìn gần hơn) ám chỉ việc đôi khi mọi thứ sẽ không như vẻ bề ngoài của nó. Hình ảnh túi rác bay phất phơ trước gió như đang nhảy múa chập chờn đã trở thành biểu tượng của phim. Người sẽ nghĩ đó là sự vô ý thức trong việc bảo vệ môi trường khi để một chiếc túi ni lông bay loạn như vậy. Nhưng cũng có người sẽ nghĩ đó là một hình ảnh đô thị quen thuộc, gần gũi.

Phim mang một vẻ đẹp duy mỹ và triết lý rằng trên đời, vạn vật đều có hai mặt. Con người đôi khi phải chấp nhận cả ưu điểm lẫn nhược điểm của chính bản thân mình và những người khác vì trên đời chẳng thứ gì hoàn hảo cả.

“American Beauty” ra mắt từ 20 năm trước nhưng ý nghĩa của phim chưa bao giờ bị coi là cũ hay lỗi thời. Nó vẫn có thể áp dụng ở mọi thời kỳ, mọi chốn đô thị. Đến nay, khán giả vẫn có thể tìm xem lại “American Beauty” qua các hệ thống phim trực tuyến. Tại Việt Nam, phim có ở hệ thống HBO Go chạy trên nền tảng FPT Play.

Dàn diễn viên ngày ấy – bây giờ

“American Beauty” quy tụ đội ngũ diễn viên thực lực của Hollywood cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000. Sau 20 năm, nhiều người đã gặt hái các thành công lớn, trở thành những ngôi sao gạo cội, nhiều tên tuổi thì ít hoạt động hơn và chỉ tham gia các dự án nhỏ, ít dính dáng tới điện ảnh.

Đạo diễn Sam Mendes

Phim kinh điển thế giới về vẻ đẹp và sự đổ vỡ của con người ảnh 3

Sau “American Beauty”, Sam Mendes vụt sáng trở thành đạo diễn hàng đầu tại Hollywood. Anh yêu và kết hôn với minh tinh “Titanic” Kate Winslet vào năm 2003. Cả hai có một con nhưng ly hôn vào năm 2010. 7 năm sau đó, Sam Mendes tìm thấy hạnh phúc mới với nhà soạn nhạc Alison Balsom.

Sau “American Beauty”, Sam Mendes có nhiều phim thành công không kém như “Road to Perdition”, “Revolutionary Road” đánh dấu sự tái hợp của cặp đôi Kate Winslet – Leonardo DiCaprio vào năm 2008. Sam cũng là đạo diễn cho hai tập phim gần đây trong loạt 007 là “Skyfall” và “Spectre”. Dự án mới nhất của anh – “1917”, thuộc thể loại chiến tranh – lịch sử, đang là ứng viên sáng giá cho mùa Oscar 2020.

Kevin Spacey

Phim kinh điển thế giới về vẻ đẹp và sự đổ vỡ của con người ảnh 4

Là một trong những tài tử xuất chúng của Hollywood, Kevin Spacey đã giành hai tượng vàng Oscar về diễn xuất, trong đó có hạng mục nam chính là với “American Beauty”. Ông được biết tới qua nhiều phim trở thành “kinh điển của Hollywood như “L.A. Confidential”, “Se7en” hay “The Usual Suspects”. Ở lĩnh vực truyền hình, Kevin Spacey là “linh hồn” của loạt phim đình đám về chính trường Mỹ – “House of Cards”. Năm 2017, Kevin Spacey bị hãng phim và đồng nghiệp quay lưng khi bị tố cáo tấn công tình dục một rapper nam khi anh này mới 14 tuổi vào năm 1986. Đến nay, Kevin Spacey dần vắng bóng khỏi màn bạc vì vụ bê bối, nhất là khi phong trào #MeToo đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở Hollywood.

Annette Bening

Phim kinh điển thế giới về vẻ đẹp và sự đổ vỡ của con người ảnh 5

Nữ diễn viên gạo cội từng bốn lần được đề cử Oscar nhưng chưa may mắn chạm tay vào tượng vàng lần nào. Trong 20 năm qua, Annette vẫn miệt mài đóng phim và có nhiều vai diễn gây chú ý trong “Being Julia” (2004), “The Kids are Alright” (2010), “20th Century Women” (2016). Bộ phim nổi bật gần đây nhất của bà chính là bom tấn siêu anh hùng của Marvel – “Captain Marvel”, trong đó bà vào vai tiến sĩ Wendy Lawson.

Thora Birch

Phim kinh điển thế giới về vẻ đẹp và sự đổ vỡ của con người ảnh 6

Nổi tiếng từ năm 6 tuổi qua phim truyền hình “Day by Day” nhưng từ sau “American Beauty”, sự nghiệp điện ảnh của Thora Birch dường như chững lại. Năm 2001, cô đóng cùng Scarlett Johansson, lúc này còn chưa nổi tiếng, trong phim tâm lý “Ghost World” và được đề cử Quả Cầu Vàng. Tuy nhiên sau đó, Thora dần vắng bóng khỏi màn ảnh rộng và chỉ tham gia vai khách mời hoặc vai phụ trong các dự án. Dù vậy trong 20 năm qua, cô vẫn đóng nhiều phim. Tác phẩm mới nhất có sự tham gia của Thora là “Above Suspicion” của đạo diễn “Người Mỹ trầm lặng” Phillip Noyce.

Mena Suvari

Phim kinh điển thế giới về vẻ đẹp và sự đổ vỡ của con người ảnh 7

Sở hữu vẻ đẹp ngọt ngào, thơ ngây, Mena Suvari là người có hình ảnh biểu tượng hoa hồng trong “American Beauty”. Ở thập niên 2000, cô tham gia nhiều phim tình cảm hài dành cho thanh thiếu niên như loạt “American Pie” hay “Sugar & Spice”. Sang tới thập niên 2010, Mena tập trung vào lĩnh vực phim truyền hình và xuất hiện trong các series như “Chicago Fire”, “South of Hell”, “Clarence”, “American Woman” và “American Horror Story”. Ở tuổi 40, Mena Suvari đã trải qua ba cuộc hôn nhân.