“Ô nhiễm” lý luận phê bình nhiếp ảnh

ANTĐ - Trong khi phong trào nhiếp ảnh tại Việt Nam phát triển mạnh thì một hiện trạng khác không kém phần nhức nhối nảy sinh đó là “ô nhiễm” lý luận phê bình nhiếp ảnh với… nói liều, viết bừa.
“Ô nhiễm” lý luận phê bình nhiếp ảnh ảnh 1
Tác phẩm “Bão” - tay máy nghiệp dư Nguyễn Hoàng Hiệp đoạt giải Nhất
ở hạng mục giải thưởng quốc gia Việt Nam thuộc cuộc thi Sony World Photography Awards 

“Bỏ trắng” mảng lý luận phê bình nhiếp ảnh

Chính sự yếu kém của mảng lý luận phê bình đã dẫn đến hình ảnh không đẹp khi nhắc đến những tranh cãi căng thẳng sau mỗi cuộc thi, xét giải thưởng. Nguyên nhân dễ nhìn thấy nhất là sự phân định không rõ ràng của các thể loại nhiếp ảnh.

Bên cạnh đó, tình trạng “nói liều, viết bừa” của một số người đang làm ô nhiễm và rối loạn mảng lý luận phê bình nhiếp ảnh, mà tiêu biểu là việc “hạ bệ” của những bài viết về tính chuyên nghiệp của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) đã từng diễn ra cách đây 3 năm. Không những thế, phê bình nhiếp ảnh giờ đang được gắn với mác “phê phán” nên cả những bức ảnh đã nổi đình nổi đám trong làng nhiếp ảnh Việt Nam cũng được đem ra mổ xẻ và quy chụp không thương tiếc với những nhận định rất liều lĩnh. Ví như bức ảnh “Xung phong” của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Tiến Lợi đã được một cây lý luận khẳng định là “dàn dựng giả tạo” hay bức ảnh “Bệnh viện dã chiến” của tác giả Võ An Khánh lại được cho là người thương binh trong bức ảnh đang “diễn” trước ống kính. Trong khi đó, các phóng viên nước ngoài lại tỏ ra khâm phục các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã không ngại hy sinh gian khổ bám trụ các tuyến lửa, các mặt trận dữ dội, chụp được hình ảnh những người lính dũng cảm giết giặc lập công. 

Uốn cong ngòi bút

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, con người dễ bị phân tâm phủ nhận bừa bãi và thừa nhận bừa bãi. Một vài tay bút của giới ảnh thừa dịp “vặt lông” mọi hoạt động, mọi giá trị nhiếp ảnh đã dày công bồi đắp của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam. Các giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế mà các nghệ sỹ đạt được gần như bị bác bỏ thành quả với định kiến: Lấy chuyên nghiệp thi với không chuyên nghiệp làm gì chẳng thắng và sự thất bại của nhiếp ảnh Việt Nam tại cuộc thi ảnh báo chí World Press Photo hàng năm… Vậy là, sự lớn mạnh của phong trào nhiếp ảnh Việt Nam thời gian vừa qua và sự nỗ lực của các nghệ sỹ nhiếp ảnh đều bị các nhà lý luận-phê bình này lớn tiếng... gạt sang một bên. Cái mà họ quan tâm có lẽ là điều mà không chỉ Việt Nam mà các cường quốc về nhiếp ảnh trên thế giới đều mong chờ. Ở họ, cái nhìn cảm thông và đa chiều về nhiếp ảnh chưa xuất hiện bởi phong trào chơi ảnh ở Việt Nam cũng mới chỉ bùng phát trong vòng 10 năm trở lại đây. 

Tình trạng “ô nhiễm” lý luận phê bình nhiếp ảnh còn được thể hiện ở việc uốn cong ngòi bút để nổi danh. Có nghĩa là, các bài viết phê bình nhiếp ảnh khen một tí, chê một tí miễn sao vừa lòng cả người chụp ảnh và không tạo nên những làn sóng phản ứng sau khi bài viết được đăng tải trên các báo. Những bài viết không có quan điểm cá nhân về một hiện tượng trong nhiếp ảnh đương nhiên ít có giá trị đối với hoạt động thực tiễn trong nhiếp ảnh nhưng tác giả là người hưởng lợi nhiều nhất vì né tránh để an toàn. Để giảm thiểu sự ô nhiễm trong lý luận và phê bình nhiếp ảnh đương đại, người làm công tác lý luận-phê bình nhiếp ảnh cần đồng hành cùng người sáng tác. Dẫu chưa gặp nhau mà chỉ gặp nhau qua tác phẩm thì cũng nên trân trọng và tôn trọng tác phẩm của nhau. Không thể cao đạo, tự coi mình là bậc thầy của người sáng tác hoặc mình là người cầm đèn soi sáng cho sáng tạo nghệ thuật. Chỉ một khi lý luận phê bình là bạn tri âm với sáng tác thì mới có không khí dân chủ, bình đẳng.