Những ngã rẽ kỳ lạ

ANTĐ - “Những ngã tư và những cột đèn” - cuốn tiểu thuyết trinh thám của nhà thơ Trần Dần vừa được vinh danh tại giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội. Được viết vào năm 1964, mãi cho đến năm 2010 cuốn tiểu thuyết mới được ra mắt bạn đọc. Trong hành trình đến được với bạn đọc, cuốn sách phải trải “năm chìm bảy nổi”.

Số phận của tiểu thuyết

Năm 1963, nhà thơ Trần Dần đi tìm hiểu thực tế phục vụ sáng tác, cụ thể là viết một cuốn tiểu thuyết theo đơn “đặt hàng” về chính cuộc sống xã hội thời điểm đó. Ông dành nhiều thời gian tìm hiểu công tác cải tạo những người lính Việt Nam trong quân đội Pháp sống trong thành phố Hà Nội. Nhiều nguyên mẫu ngoài đời đã trở thành nhân vật trong “Những ngã tư và những cột đèn”, từ những người lính một thời thuộc “phía bên kia” cho đến anh cảnh sát khu vực nhiệt tình giúp đỡ ông suốt quá trình thu thập tư liệu.

Năm 1964, cuốn tiểu thuyết hoàn thành, bản thảo được sửa chữa cẩn thận và ghi năm 1966. Nhưng sau đó cuốn sách không thể xuất bản vì nhiều ý kiến cho rằng chưa thích hợp để ra đời, mặc dù Giám đốc các nhà xuất bản: Văn học, Công an, Hội Nhà văn Việt Nam đều ghi nhận đây là một tác phẩm có giá trị. Năm 1988, tác giả đã sửa chữa chép tay lại toàn bộ bản thảo, chủ yếu về văn phong. Trong nhật kí 1989, ông nhiều lần nhắc về cuốn tiểu thuyết này như một công trình tâm huyết để đời: “Đời lắm ngã tư. Rẽ một ngã tư là trách nhiệm sinh tử, phải cẩn thận, kẻo hối bất kịp. Nhưng cẩn thận, không có nghĩa tính toán, chi li, chi hoe, mà trực cảm mang hết mình, ngửi ngửi ngã tư cẩn trọng rồi hãy rẽ”. Cuối năm 1989, một bản thảo “Những ngã tư và những cột đèn” khác ra đời, được coi là lần sửa chữa cuối cùng trước khi nhà thơ lâm trọng bệnh. Vốn là người cẩn thận, nhà thơ Trần Dần đã thuê đánh máy và tự mình sao chép ra thành nhiều bản và gửi nhiều người tin cậy cất giữ.

Nhưng rồi, cuốn sách vẫn chưa ra mắt được, bởi các nhà xuất bản trong nước thời đó đều từ chối in. Một tập bản thảo được họa sĩ Trần Trọng Vũ (con trai thứ của nhà thơ Trần Dần) mang sang Pháp cùng một số cuốn sổ thơ, nhật kí khác. Nhà văn Thuận (vợ của họa sĩ Trần Trọng Vũ) đã dịch “Những ngã tư và những cột đèn” sang tiếng Pháp để xuất bản ở nước ngoài, nhưng được khoảng hơn chục trang thì… bất lực. Và đã có lúc, những người thân của nhà thơ Trần Dần tưởng như cuốn sách sẽ mãi ở dạng bản thảo.

 Đường đến với bạn đọc

Cho đến 2010, 5 năm sau khi tác giả Trần Dần được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật thì “Những ngã tư và những cột đèn” mới chính thức ra mắt công chúng (Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn Việt Nam liên kết xuất bản). Vậy là sau 44 năm kể từ ngày nhà văn bắt đầu chép lại (cũng bằng mực tím) “250 trang nhật kí, lem nhem mực tím” của anh ngụy binh - nhân vật chính Dưỡng, cuốn tiểu thuyết mới đến được với bạn đọc rộng rãi.

Ở thời điểm đầu năm 2010, khi ra mắt tiểu thuyết, cũng có nhiều chiều dư luận khác nhau. Ngay trong hội thảo có tên “Những lằn ranh văn học” được tổ chức cuối năm 2011 ở TP.HCM, các ý kiến, tham luận viết về “Những ngã tư và những cột đèn” có cuộc “đụng độ” nhau khá quyết liệt và không kém phần thú vị… Cuốn tiểu thuyết được gửi đến dự giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, ở vòng bỏ phiếu của hội đồng văn xuôi đã nhận được số phiếu cao nhất. Nhưng đến vòng chung khảo thì lại đứng sau số phiếu của hai cuốn khác. Chưa hết, “Những ngã tư và những cột đèn” được Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng hàng năm với 9/10 phiếu bình chọn. Nhiều độc giả cũng như ban giám khảo đồng thuận với nhận xét: “Tuy được viết cách đây gần nửa thế kỷ nhưng cuốn sách vẫn mới mẻ, hiện đại, tỏ rõ cá tính độc đáo và gợi mở rất nhiều vấn đề về người viết”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội không theo lẽ thông thường là gọi điện báo ngay kết quả vòng chung khảo, vì ông muốn dành cho những người thân của Trần Dần một bất ngờ. Niềm vui này đến với gia đình nhà thơ Trần Dần bằng con đường… internet, nhà báo Trần Trọng Văn (con trai trưởng của nhà thơ) đọc được thông tin trên một trang báo mạng đã lập tức gọi cho em trai Trần Trọng Vũ bên Pháp. Họa sĩ Trần Trọng Vũ đáp: “Em đã biết cách đây nửa ngày, các báo mạng đều đưa tin hết cả rồi”… Liền sau đó, bạn bè, anh em, độc giả nhiều nơi tới tấp nhắn tin, gọi điện chúc mừng, nhân niềm vui của gia đình nhà thơ Trần Dần lên gấp nhiều lần.