Cầu truyền hình "Bản hùng ca chiến thắng":

Những ký ức xúc động và hào hùng về chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Cầu truyền hình "Bản hùng ca chiến thắng" được Đài PT-TH Hà Nội thực hiện đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Chương trình được thực hiện tại 3 điểm cầu ở Hà Nội, tái hiện lại 12 ngày đêm quân và dân Thủ đô chiến đấu và chiến thắng oai hùng cách đây nửa thế kỷ.

Tối 17-12, cầu truyền hình đặc biệt trên đã diễn ra tại 3 điểm cầu: Cột cờ Hà Nội (điểm cầu chính); đài tưởng niệm Khâm Thiên - nơi tưởng niệm đồng bào ở phố Khâm Thiên đã bị máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm vào tối ngày 26-12-1972; trận địa tên lửa Chèm (xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) - nơi ghi dấu chiến công 4 lần bắn rơi "siêu pháo đài bay" B52 trên bầu trời Hà Nội, trở thành nỗi khiếp sợ của không lực Hoa Kỳ thời điểm đó.

Đến dự chương trình có đồng chí Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trung tướng Trần Ngọc Quyến - Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân; Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; đồng chí Nguyễn Doãn Toản - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội...cùng đại diện nhiều đơn vị, cơ quan, ban, ngành.

Chương trình mở đầu bằng ca khúc "Bản hùng ca một thời kiêu hãnh" của nhạc sĩ Trần Nhật Dương cùng hai câu thơ nổi tiếng của tác giả khuyết danh "Thăng Long phi chiến địa - Thiên hạ vạn đại xương" với ngụ ý rằng Thăng Long - Hà Nội là kinh đô, là trái tim của cả nước nên kẻ thù nào nhòm ngó đến đất nước ta đều nhắm vào mảnh đất địa linh này. Minh chứng là trải qua bao cuộc chiến tranh xâm lược, nơi đây luôn trở thành trận địa khốc liệt ghi dấu nhiều đau thương, mất mát nhưng cũng là nơi làm sáng rõ tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" cùng khát vọng về một Thăng Long không còn là trận địa để ai ai cũng được sống bình yên. Trong hành trình đấu tranh cho tinh thần và khát vọng ấy, quân và dân Hà Nội đã làm nên kỳ tích với chiến công 12 ngày đêm bắn hạ và đẩy lùi không lực Hoa Kỳ, đập tan tuyên bố của kẻ thù sẽ "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá", buộc chúng phải quay trở lại bàn đàm phán hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.

Tại điểm cầu đài tưởng niệm Khâm Thiên, 287 ngọn nến đã được thắp lên để tưởng nhớ 287 người dân Việt Nam vô tội đã thiệt mạng khi bị máy bay của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm vào đêm 26-12-1972. Tiếp nối bầu không khí đầy xúc động tại điểm cầu này, chương trình đưa khán giả đến với điểm cầu trận địa Chèm với tiếng kẻng báo động, tiếng bước chân chạy rầm rập và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của lực lượng cán bộ chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 77 (nay là Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không – Không quân).

Anh hùng LLVTND – Đại tá Nghiêm Đình Tích - Nguyên Đài trưởng P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Sư đoàn Phòng không 365

Anh hùng LLVTND – Đại tá Nghiêm Đình Tích - Nguyên Đài trưởng P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Sư đoàn Phòng không 365

Trong phần giao lưu tại trận địa Chèm, Anh hùng LLVTND – Đại tá Nghiêm Đình Tích - Nguyên Đài trưởng P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Sư đoàn Phòng không 365 đã xúc động khi kể lại câu chuyện về ý chí “vạch nhiễu tìm thù” của lực lượng quân đội phía ta, qua đó kịp thời xác định và thông báo sớm cho Hà Nội 35 phút để nhân dân sơ tán và các lực lượng phòng không không quân chuẩn bị đối phó với "pháo đài bay" B-52. Đại tá Nghiêm Đình Tích hồi tưởng lại, ở các trận đánh khác, máy móc thiết bị của ta còn hạn chế, việc phát hiện mục tiêu là các máy bay bình thường đã khó, huống hồ ở chiến dịch không kích bằng B52 - loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ thì việc phát hiện lại càng khó khăn gấp bội. Bởi mỗi lần xuất trận, B52 của Mỹ không bay một mình mà có hơn chục chiếc máy bay khác bay xung quanh, mục đích là bảo vệ và gây nhiễu để ra-đa để ta không phát hiện được.

Với quyết tâm bằng mọi giá không để bị tập kích bất ngờ, kinh nghiệm đúc rút qua các trận đánh, kinh nghiệm chống nhiễu, đánh máy bay địch từ năm 1967 và nghiên cứu chống nhiễu mới từ năm 1969, Đại tá Nghiêm Đình Tích cùng đồng đội đã xây dựng ra quy trình xử trí, phát hiện B52 mang tên "Độc đáo, sáng tạo và có một không hai". Chính quy trình này đã giúp quân đội ta chuẩn bị các phương án, phát hiện và hiệp đồng trong chiến dịch, sẵn sàng đánh B52.

"Lúc đó chúng tôi có 6 máy thu sóng, nhưng khi B-52 bay trên bầu trời, tất cả sóng máy thu của ta đều bị nhiễu. Bằng kinh nghiệm và sự sáng tạo, chúng tôi chỉ sử dụng 1 máy thu, sử dụng 2 ăng ten trên và dưới hợp lý để chế áp nhiễu. Lúc này, trên màn hình chỉ còn dải nhiễu B.52 rất nhẹ, nổi lên 3 điểm sáng bằng đầu tăm. Tức là chúng tôi đã phát hiện ra B.52. Chúng tôi đã báo chính xác về Hà Nội là B.52 đang kéo vào đánh phá miền Bắc để cho các đơn vị kịp thời chuẩn bị và sẵn sàng ứng chiến", Đại tá Nghiêm Đình Tích nhớ rõ.

Trong đêm đầu tiên của chiến dịch, ngày 18-12-1972, lực lượng ra-đa đã phát hiện và báo động sớm cho Hà Nội trước 35 phút, tạo điều kiện cho Sở Chỉ huy chiến dịch phán đoán nắm chắc tình hình, sử dụng lực lượng chiến đấu. Các đêm sau đó do đã có kinh nghiệm, việc xác nhận có B-52 vào Hà Nội được cảnh báo sớm hơn, từ 35-50 phút. Vì vậy các cấp chỉ huy có điều kiện chủ động, chỉ huy đánh địch quyết liệt ngay từ những phút giây đầu tiên khi máy bay địch xâm phạm bầu trời Hà Nội. Trong chiến dịch này, bộ đội Phòng không - Không quân, trước hết là bộ đội ra đa đã không để Tổ quốc bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không của địch, tạo điều kiện cho các binh chủng hoả lực đánh thắng B-52, đặc biệt là bộ đội tên lửa. Trong 34 chiếc B-52 bị bắn rơi, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 29 chiếc.

Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã mang về thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn, từ chỗ Mỹ định sử dụng B-52 đánh để biến Hà Nội, Hải Phòng trở về thời kỳ đồ đá, gây hoang mang khủng khiếp cho nhân dân và ép Chính phủ ta phải ký Hiệp định Paris theo điều kiện của Mỹ, thì với thất bại này khiến Mỹ không thể tiếp tục, buộc phải ngừng chiến dịch và phải ký Hiệp định Paris theo điều kiện của ta. Chiến thắng này có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao, là bước ngoặt quan trọng về chiến lược đối với Cách mạng Việt Nam, góp phần hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cũng trong chương trình, khán giả một lần nữa được hình dung rõ hơn về khả năng hủy diệt khốc liệt của B52 - loại máy bay tầm xa được mệnh danh "quái vật của bầu trời" có khả năng mang trên mình 30 tấn vũ khí, thông qua những phóng sự ghi nhận các phân tích, đánh giá từ ông Bob Withington - kỹ sư thiết kế hãng Boeing, ông Buck Shurler - cựu chỉ huy Không đoàn ném bom số 8 Không lực Hoa Kỳ, ông Ron Jones - phi công lái thứ B52... và cả Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân. Bên cạnh đó, chiến công "vạch nhiễu tìm thù" góp phần hạ gục "siêu pháo đài bay" B52 cũng được làm sống lại qua lời kể của Đại tá Nguyễn Thụy Anh - nguyên cán bộ tổng kết lịch sử, Quân chủng Phòng không - Không quân; Trung tá Phạm Hoài Nhi - nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 81, Trung đoàn 238; Đại tá Đoàn Thế Hùng - nguyên trợ lý tác chiến huấn luyện Trung đoàn 263...

Xuyên suốt thời lượng diễn ra chương trình, bức tranh lịch sử về tinh thần chiến đấu giành chiến thắng của quân và dân Thủ đô còn được kể lại bằng các tiểu phẩm chân thực tái hiện một cách sống động những câu chuyện đầy cảm xúc của 50 năm trước với những nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Những tiểu phẩm được dàn dựng tại chương trình cũng giúp khán giả như được quay trở lại với những phút giây lịch sử, được xây dựng trên những câu chuyện có thật. Mỗi câu chuyện của những nhân chứng lịch sử càng cho thấy tinh thần quả cảm, sự mưu trí, dũng cảm, quyết tâm giành thắng lợi của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Đan xen những câu chuyện kể, khán giả cũng được lắng nghe các ca khúc như: "Bản hùng ca một thời chiến thắng"; "Hà Nội ngày trở về"; "Bài ca Hà Nội"; "Tiếng nói Hà Nội"; "Hà Nội niềm tin hy vọng"; "Hà Nội những đêm không ngủ"; "Tên lửa ta đánh rất hay"; "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"...