Những cánh én quả cảm của Không quân nhân dân Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuốn sách “108 phi công chiến đấu Việt Nam” là 108 câu chuyện về nghề bay, những kỷ niệm buồn vui chưa từng chia sẻ vừa chính thức ra mắt nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Cuốn sách do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá phi công Từ Đễ - nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) chịu trách nhiệm dự án. Thực hiện dự án là nhóm tác giả Từ Phương Thảo và Ngô Nhật Hoàng. Trong lời giới thiệu cuốn sách, tác giả Từ Phương Thảo đã viết: “Đó là thái độ sống, suy nghĩ của chúng tôi, những người thực hiện cuốn sách ảnh này trước quá khứ hào hùng, trước những chiến công và mất mát, trước cả những vinh quang và thầm lặng, như một bản anh hùng ca đẹp và bi tráng, của một thế hệ vàng những phi công Không quân nhân dân Việt Nam… Đó là nguồn cảm hứng để chúng tôi thực hiện những hình ảnh này - ghi lại một phần quá khứ của không quân anh hùng qua chân dung 108 người lính quả cảm của bầu trời Việt Nam. Như một lời cảm ơn với tất cả lòng ngưỡng mộ!”.

Bìa sách “108 phi công chiến đấu Việt Nam”

Bìa sách “108 phi công chiến đấu Việt Nam”

Dấu chân người lính

Về con số 108, tại sao lại là 108? Chủ biên Từ Phương Thảo giải thích, đó là con số đặc biệt, xuất hiện ở khắp các lĩnh vực khoa học, kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng của nhân loại, như bảng tuần hoàn Mendeleev có 108 nguyên tố hóa học, tử vi có 108 ngôi sao, núi Hymalaya có 108 ngọn.... Đó cũng là con số hoàn mỹ và thành công của văn hóa phương Đông.

Để thực hiện dự án này, trong suốt 5 năm, các tác giả đã gặp gỡ và chụp tại nhà các phi công Át (ACE - thuật ngữ trong hàng không quân sự dùng để chỉ những phi công đã bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên) của Việt Nam như: Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Cốc, Lê Hải, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát… Các phi công anh hùng như: Lê Xuân Dỵ lái MiG-17 đánh Hạm đội 7 năm 1972, Vũ Đình Rạng bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên năm 1971, Nguyễn Đăng Kính bắn rơi 5 máy bay Mỹ, Đồng Văn Song bắn rơi 4 máy bay Mỹ, Phạm Tuân - Phi công vũ trụ… Các phi công với những nhiệm vụ khó khăn như: Nguyễn Anh Sơn - phi công đầu tiên lái An-26 ra Trường Sa, Trần Văn Quang - phi công kỳ cựu lái C-130; Ngô Văn Trung và Thân Xuân Hạnh trong phi đội IL-28 đánh căn cứ Buôn Loong… Cùng với đó là hình ảnh các giáo viên kỳ cựu, các phi công thời kỳ đổi mới.

Chủ biên Từ Phương Thảo kể, thật ra chị đã có ý định làm cuốn sách này từ nhiều năm trước, kể từ khi gặp được Ngô Nhật Hoàng. Theo đó, Ngô Nhật Hoàng học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, có nền tảng thẩm mỹ rất tốt, ngoài chuyện làm cùng ngành thì cả 2 chị em đều có chung tình yêu với không quân.

“Hoàng tham gia CLB nhảy dù, còn tôi là con gái của một phi công chiến đấu (Đại tá phi công Từ Đễ - PV). Chị em chúng tôi đã đặt câu hỏi rằng, tất cả những tên tuổi mà thế hệ bây giờ vẫn đọc qua sách vở, họ đang làm gì, ở đâu, và còn những ai nữa? Trong các cuốn sách về bầu trời, về không chiến mới chỉ nhắc đến các phi công tiêm kích chiến đấu với phi công Mỹ, vậy thì còn những ai nữa? Chúng tôi muốn đến gặp và tìm hiểu xem sau mấy chục năm, những người phi công ấy đã trở về với cuộc sống bình dị như thế nào?”- Từ Phương Thảo nói.

Những anh hùng bình dị

Đầu tiên mà nhóm tác giả tiếp xúc với hầu hết phi công chiến đấu, sau đó mới mở rộng vấn đề, nghĩa là ngoài lực lượng không quân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, biên giới Tây Nam còn có các lực lượng khác như tiêm kích bom, vận tải, trực thăng chiến đấu, trinh sát và phi công thử nghiệm. Hóa ra, bức tranh về Không quân nhân dân Việt Nam rất lớn. Tất cả kết hợp lại mới trở thành tinh thần tập thể, cùng đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Tác giả Từ Phương Thảo chia sẻ, chính những tìm hiểu và tiếp xúc đầu tiên ấy đã khiến cho chị và nhóm thực hiện dự án sách mở mang kiến thức cho bản thân, tiếp đó khơi thêm những nguồn cảm hứng của thế hôm nay thêm hiểu, thêm yêu những người lính không quân nói riêng và bộ đội cụ Hồ nói chung. Đó là một cuốn sách đặc biệt khi đa phần những phi công chiến đấu, những người anh hùng bước ra từ cuộc chiến hiện lên với tất cả những gì đời thường nhất. Trở về với mặt đất, họ vẫn là những người chồng, người cha “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” với gia đình.

Trong cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Công Huy, phi công lái MiG-21 của Đại đội bay đêm (Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, tức Đoàn Không quân Sao Đỏ) đánh B.52, người đã từng bắn rơi 1 chiếc F-4 ông khoe có 4 đứa cháu nội. Đứa thứ nhất giờ đã lớn nên tự đi xe buýt đi học, 3 đứa còn lại ông hàng ngày đưa đón, thành ra rất… bận rộn. Sự bận rộn hạnh phúc với con cháu có vẻ như được các tác giả cuốn sách nhắc đến khá nhiều trong các bức ảnh. Khi là cuộc trò chuyện giữa ông và đàn cháu nhỏ, lúc lại là hình ảnh người ông bên con ngựa gỗ bập bênh hay những món đồ chơi nho nhỏ…

Một câu hỏi khá riêng tư, chúng tôi dành cho tác giả Từ Phương Thảo: “Cuộc sống của hầu hết những phi công chiến đấu mà chị gặp có ổn không?” Từ Phương Thảo bảo, suy nghĩ của những người lính phi công thực sự khác biệt. Khi bay lên trời, ngắm nhìn vạn vật từ trên cao nên khi xuống đất không còn cái gì có thể làm họ sợ. Và những khó khăn cũng chỉ là chuyện nhỏ. Những phi công anh hùng đó có cuộc sống đời thường rất vui vẻ, hoàn toàn không có sự nghiêm khắc nào. Con người họ toát ra chất ngang tàng, phóng khoáng, phần nào giống tố chất của một nghệ sĩ.