Nhiều trẻ em Việt Nam bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục

ANTĐ - Con số 120 hồ sơ trẻ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục (BPSD) gửi đến Bệnh viện Đại học Y để được tái tạo lại dù chưa phải là con số thực tế, song theo bác sĩ hàng đầu và duy  nhất trên thế giới về tái tạo BPSD - Roberto De Castro  thì  đây là con số đáng ngạc nhiên. Ông không nghĩ rằng, ở Việt Nam, số lượng các cháu bé bị tổn thương BPSD lại nhiều đến thế, vì trên thế giới, khiếm khuyết BPSD rất hiếm gặp với tỉ lệ 25 triệu người mới có một người.

Bác sĩ De Castro đang khám bệnh cho một em nhỏ


Những số phận không may

Chỉ còn ít ngày nữa, vào tháng 11 tới, sẽ có hàng chục em bé bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục có thể đổi đời nhờ bàn tay vàng của bác sĩ Roberto De Castro (Italia). Đó là kết quả của chương trình “Tái tạo BPSD cho trẻ không may” ở Việt Nam do trường ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức thực hiện từ sáng kiến của chị Trần Mai Anh, mẹ nuôi của “chú lính chì” Thiện Nhân và ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (cha đỡ đầu của bé Thiện Nhân).

Chính vì vậy những ngày qua, tại khu C của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội luôn chật ních người đến từ mọi miền: TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Hải Dương, Hà Nội. Các bé bị khiếm khuyết BPSD thuộc nhiều độ tuổi, từ  2-3 tuổi đến 14-15 tuổi, có cả nam và nữ. Trong ánh mắt các em dù còn rất ngây thơ, trong sáng nhưng cũng đầy sự âu lo, mặc cảm. Chị Nguyễn Thị Hiền (Lâm Đồng) dắt theo con trai 8 tuổi tâm sự: Huy là con đầu lòng của vợ chồng tôi nhưng sinh ra đã bị tinh hoàn ẩn, lỗ tiểu thấp. Giờ cháu trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng vẫn chưa thể mang lại một bộ phận sinh dục hoàn chỉnh. Mỗi lần đi tiểu cháu không thể đứng. Đi khám, bác sĩ bảo chờ, nếu không phát triển sau này tiêm hooc môn. Mặc dù đã đi học nhưng cháu luôn mặc cảm, khiến tôi vô cùng đau đớn. Ở lớp cháu thường bị bạn bè trêu là thằng pê đê, khổ lắm”.

Với cháu Nguyễn Văn Danh, 6 tuổi ở Khánh Hòa thì lại bị dị tật BPSD do sự bất cẩn của gia đình. Hơn 4 năm trước, do gia đình không để ý cháu đã băng qua đường tàu chơi, bị tàu hỏa chẹt mất một chân, mất hậu môn và BPSD. Việc này là cú sốc lớn với gia đình chị Oanh, mẹ cháu. Đến bây giờ, dù đi học lớp 1 nhưng cháu vẫn đi đại tiện, tiểu tiện tự do và đeo bỉm cả ngày.

Trường hợp cháu Đặng Quốc Trường, 9 tuổi ở Hưng Yên bị bỏng do điện cao thế phải cắt đi hai cánh tay và bộ phận sinh dục cũng từng gây xôn xao cách đây không lâu. Kể lại câu chuyện không may của con trai mình, chị Nguyễn Thị Châm vẫn chưa hết đau đớn. Đã trải qua 11 lần phẫu thuật, vết thương nay đã lành, nhưng hai cánh tay và “chỗ ấy” của bé vẫn không thể mọc ra trở lại. Bây giờ cháu “trai không ra trai, gái không ra gái”, chẳng lẽ lại phẫu thuật chuyển giới cho con thành nữ. Vì vậy ngay khi biết có chương trình này, chị đã mang con lên Hà Nội để được gặp bác sĩ De Castro.

Còn chị Nguyễn Thị Hiệp ở Đồng Nai cũng trong một hoàn cảnh đau lòng không kém. Cháu Nguyễn Thị Tâm 9 tuổi vừa sinh ra đã không có hậu môn, BPSD. Lúc mới sinh bố cháu nhìn xong sợ quá bỏ nhà đi luôn. 2 anh chị của Tâm cũng sợ mà bỏ đi biệt tích. Chỉ còn hai mẹ con phải trải qua những ngày tháng sống trong cùng cực, chị phải bán nhà để chạy chữa cho con. Mặc dù bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình giả nhưng cháu vẫn phải đeo túi nilong bên cạnh để phòng khi đại, tiểu tiện. Giờ đã 6 tuổi nhưng cháu vẫn chưa thể đến lớp vì mặc cảm. Đã có lúc chị Hiệp tính tới chuyện uống thuốc tự tử nhưng vì thấy tội nghiệp con nên lại thôi. Nay, cuộc sống đã bớt khó nhọc hơn, nhưng bà mẹ vẫn phải nai lưng tần tảo nuôi đứa con bệnh tật. Chị bảo: “Hai lần trước đã khám các bác sĩ của Mỹ, rồi Ireland, nhưng họ đều lắc đầu. Tôi cố chạy vạy tiền để khám nốt lần này cho cháu, nếu mà không được thì thôi đành chấp nhận số phận vậy”. Nói rồi chị gạt nước mắt quay đi.

Theo TS. Trần Bảo Khánh, giảng viên bộ môn Phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội: Phần lớn các cháu bị bệnh lý về cơ quan sinh dục do bẩm sinh, chỉ một phần nhỏ do bỏng, hoặc chấn thương, nhưng đều khá thương tâm: Bé trai không có dương vật, hoặc không có tinh hoàn, thậm chí không có cả dương vật lẫn tinh hoàn. Có cháu tinh hoàn bị lạc chỗ, có cháu lại bị ẩn bên trong. Có cháu bị lún dương vật, có cháu dương vật nằm dưới tinh hoàn, hoặc dương vật bị cong vẹo hay quá nhỏ… Tất cả những dị tật đó khiến cho các bé không chỉ khó khăn trong sinh hoạt, mà còn bị mặc cảm về tâm lý. Đó là chưa kể, trong tương lai, các cháu phải chịu ảnh hưởng rất lớn của dị tật, đặc biệt là các bé gái, nếu không được phẫu thuật. Số cháu bị khiếm khuyết BPSD ở Việt Nam nhiều so với nhiều nước, do chưa được sàng lọc tốt trước khi sinh để phát hiện những bà mẹ bị đột biến gen khi mang thai.

Niềm hy vọng mãnh liệt

Với người Việt Nam, khiếm khuyết BPSD vẫn là một điều tế nhị, nên những gia đình có con bị dị tật thường không muốn chia sẻ thông tin, phần vì lo ngại dư luận xã hội, phần vì tuyệt vọng không tìm ra lối thoát. Vì thế, danh tiếng của vị Giáo sư người Italia, nhất là thông tin về bé Thiện Nhân đã được chính BS. Roberto De Castro tái tạo BPSD, nay tiến triển rất tốt, trở thành niềm hy vọng mãnh liệt và gần như duy nhất cho nhiều người.

 Con số 80 hồ sơ trẻ bị khiếm khuyết BPSD gửi đến ban đầu đã khiến BS. Roberto De Castro ngạc nhiên, nên ông càng bất ngờ khi con số này lên tới 120 vào ngày cuối cùng. Ông không nghĩ rằng, ở Việt Nam, số lượng các cháu bé bị tổn thương BPSD lại nhiều đến thế, vì trên thế giới, khiếm khuyết BPSD rất hiếm gặp với tỉ lệ 25 triệu người mới có một người.

Cho đến nay, BS. Roberto De Castro cũng chỉ mới phẫu thuật tổng cộng 30 trường hợp ở các nước. Có khoảng 10 cháu sẽ được BS. Roberto De Castro trực tiếp phẫu thuật vào tháng 11 tới, theo tiêu chí ưu tiên các cháu cần phẫu thuật khẩn cấp hoặc chịu những biến đổi ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Điều này cho thấy, BS. Roberto De Castro đặc biệt chú ý đến tâm lý của trẻ. BS De Castro cũng cho biết thêm, ông sẵn sàng chuyển giao cho các đồng nghiệp ở Việt Nam toàn bộ phương pháp tái tạo BPSD của mình với hi vọng phương pháp của ông sẽ được áp dụng thành công tại Việt Nam và nhiều trẻ em Việt Nam sẽ có được niềm vui khi được trả lại hình hài trọn vẹn. Phương pháp tái tạo BPSD bằng các mô và mạch máu mà BS De Castro đang áp dụng là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Nó giúp bệnh nhân có cảm giác và BPSD tái tạo có thể lớn lên trên cơ thể, cùng sự phát triển của bệnh nhân.

Theo kế hoạch, bác sĩ Robeto De Castro sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 11 để cùng các bác sĩ Việt Nam tiến hành phẫu thuật cho một số bệnh nhi. Tham gia đợt phẫu thuật còn có bác sĩ Đình Tuệ đến từ Bệnh viện Nhi bang Texas, Hoa Kỳ. Bác sỹ Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, hiện Việt Nam mới chỉ có thể tái tạo bộ phận sinh dục nữ, nhưng chưa làm được với nam. “Vì vậy, chương trình nói trên có ý nghĩa rất quan trọng. Đại học Y Hà Nội sẵn sàng ủng hộ hết mình”, ông Hinh nói.

Tuy nhiên, các gia đình có con bị khiếm khuyết BPSD đều đến từ những vùng quê nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chương trình đã quyết định phẫu thuật hoàn toàn miễn phí cho các em bằng việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ gây quỹ. Vì vậy chương trình rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội để đem đến một cuộc sống bình thường cho những em nhỏ đáng thương.