Tháng 5-2024: Ban hành quy định mới nhất về tiền lương công chức, viên chức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hoàn thành nghị định về chế độ tiền lương công chức, viên chức, điều chỉnh giá điện 3 tháng/ lần… là những chính sách quan trọng nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024, Văn phòng Chính phủ thống nhất quyết định thời điểm hoàn thành Nghị định về chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là trong tháng 5.

Nghị quyết cũng yêu cầu triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và thực hiện cải cách chính sách tiền lương, hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trước 31-3.

Quyết định 05/2024/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ 15/5. Về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, hằng năm, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Trong đó, nếu giá điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán hiện hành thì được điều chỉnh giảm tương ứng. Ngược lại, nếu giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in. Theo đó, từ 14/5, trong quá trình in tiền, việc in seri trên tiền được quy định như sau:

Với tiền được ban hành trước 2003: Seri gồm vần và dãy số tự nhiên có 7 chữ số từ 0000001 trở đi;

Với tiền được phát hành từ 2003 trở đi: Seri tiền gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số. Trong đó, hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối trong năm sản xuất còn 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên từ 000001 trở đi.

Trong đó, vần seri gồm 2 trong số 26 chữ cái (A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z) và gồm vần chính, vần phụ. Mỗi tờ tiền sẽ có một seri riêng…

Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn áp dụng cho chức danh công chức lãnh đạo, quản lý.

Theo đó, từ 1-5, công chức lãnh đạo phải đáp ứng các điều kiện chung như: Về chính trị tư tưởng: Trung thành với lợi ích của Đảng, quốc gia và dân tộc; có lập trường, có tinh thần yêu nước…;

Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật: Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực, lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị, có trách nhiệm cao với công việc;

Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp ngành công tác; có bằng cử nhân chính trị hoặc cao cấp chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính;

Về năng lực và uy tín: Người được bổ nhiệm công chức lãnh đạo phải có tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học; năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác: Đủ sức khỏe, đảm bảo tuổi bổ nhiệm, có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác; có kinh nghiệm thực tiễn, thời gian công tác phù hợp…

Nghị định 36/2024/NĐ-CP và Nghị định 35/2024/NĐ-CP về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đều có hiệu lực từ tháng 5-2024.

Theo đó, quyền lợi với người được xét tặng gồm: Với giải thưởng về văn học, nghệ thuật: Được nhận Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng và các quyền lợi khác. Đồng thời, tác giả cũng phải giữ gìn hiện vật được khen thưởng và tiếp tục lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình hơn.

Với danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú: Người được phong tặng sẽ được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng và quyền lợi khác; có nghĩa vụ giữ gìn hiện vật được khen thưởng, tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức, không ngừng hoàn thiện tri thức, tài năng sư phạm, chuyên môn…