Nhạc sĩ Trần Tiến: "Tôi... lừa đảo đấy!"

ANTĐ - Trông vẻ ngoài, bụi bặm của Trần Tiến, ít ai nghĩ ông sinh ra trong một gia đình nền nếp ở đất Hà thành xưa, lại càng không ngờ ngày trẻ vị nhạc sĩ tài hoa này từng trải qua cuộc sống lang thang trên từng ngõ nhỏ ở Hà Nội và làm đủ nghề kiếm sống. 
Nhạc sĩ Trần Tiến: "Tôi... lừa đảo đấy!" ảnh 1


Tình bạn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhớ lại, Trần Tiến bảo ngày ấy khi rời trường đại học, ông lăn vào làm đủ thứ nghề, mà toàn những nghề chẳng liên quan gì đến nghệ thuật, từ kéo xe ba gác chở bánh mỳ đến rửa thùng nấu phở, chỉ có công việc làm hậu đài cho đoàn văn công là gần với sân khấu nhất. Ông bôn ba vừa học vừa làm ngoài Hà Nội suốt một thời gian dài cho tới khi một vài người bạn nhạc thân thiết trong Nam, trong đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tiến cử ông vào làm việc tại Sở Văn hóa TP.HCM, thế là ông xách ba lô lên đường Nam tiến.

Thời gian đầu mới vào, vốn khái tính lại thích tự do nên ông không đến nhà họ hàng ở mà về ở cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Được dăm tháng thấy chồn chân, lại nổi “máu” lang thang, ông giấu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xách ba lô đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở đất Sài thành, tối về nằm ghế đá ngoài vườn hoa ngủ. Những ngày tháng đó Trần Tiến “sống khỏe” nhờ nghề hát thuê ở các đám cưới. Thời ấy người ta biết đến Trần Tiến ca sĩ nhiều hơn nhạc sĩ. Nhưng cũng bởi hát nhiều mà vẫn bị nhầm với người anh trai Trần Hiếu, tức khí nên ông mới chuyên tâm lao vào viết nhạc. 

Nhưng cả khi trở nên nổi danh và “đổi đời” nhờ việc sáng tác thì tình bạn giữa ông với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn đặc biệt thân tình. Và thi thoảng hai ông vẫn chọn bàn “nhậu” làm nơi đàm đạo cả chuyện nghề lẫn chuyện đời. Thế nên mới có giai thoại rằng có lần cùng vị nhạc sĩ họ Trịnh đi uống rượu, lúc về dù đã say mèm nhưng ông vẫn đủ sức vác được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên vai và đưa về tận nhà bạn rồi mới lật đật quay về nhà mình. Có điều đến hôm sau khi tỉnh dậy thì ông mới nhận ra mình đang nằm dài trên giường ở nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì ngủ ngon lành trên chiếc giường ở nhà ông.

Cũng có lần khi cả hai đang chuyện trò rôm rả trên bàn nhậu thì có một nữ nghiên cứu sinh người nước ngoài đến xin trò chuyện. Cuộc vui đang cao trào lại bị chen vào, lại nghe nữ nghiên cứu sinh kia giao tiếp câu được câu chăng, ông tức khí buột miệng: “Âm dương nằm ngang. Ngũ hành nằm dọc. Em chưa biết đọc. Em nằm nghiêng…”. Sau này mấy câu “xuất khẩu thành thơ” ấy trở thành khúc đầu tiên trong tác phẩm “Ra ngõ” được xem là sáng tác kinh điển của ông. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe xong mấy câu đấy thì lập tức ngày nào cũng gọi điện giục ông viết tiếp suốt hơn tháng trời. 

Mượn quảng cáo nói hộ tâm hồn

Gặp Trần Tiến ngoài Hà Nội, ông nói vui 15 năm nay không có kinh nghiệm gì về khán giả bởi ông không xem ca nhạc, không xem tivi, lại càng không đọc báo. Thế nên giờ hỏi ông ca sĩ nào đang “hot” thì ông cũng chịu, thậm chí cô cháu Hà Trần của mình hát thế nào ông cũng chẳng mấy dịp nghe. Ông bảo có khi bây giờ cũng quên chính mình là ai luôn rồi. Ấy là nói vậy chứ người ta vẫn thấy các sáng tác của ông phát ầm ầm trên tivi, hát ào ào trên sân khấu, trong đó có cả những ca khúc ông được “đặt hàng” viết riêng để quảng cáo cho sản phẩm nào đó. Người ta bảo ông có tài viết nhạc theo kiểu ca khúc đặt hàng kể cũng không sai. Có điều ông bảo “viết quảng cáo là tôi… lừa đảo đấy, vì tôi chỉ mượn quảng cáo của họ để viết nhạc của tôi thôi”.

Trần Tiến không ngại ngần thổ lộ để viết một bài hát cho người ta khóc thì đó là bài hát tồi, viết một bài hát cho người ta cười sằng sặc cũng tồi luôn, chỉ có viết bài hát để cho người ta “bay” mới thực là bài hát. 

Thế nên Trần Tiến chẳng ngại nếu sáng tác nào đó của mình bị gọi là ca khúc đặt hàng với quảng cáo, mà ngược lại còn rất tự tin rằng: “Làm gì có mùi tiền bạc ở đây, có chất riêng của tôi trong đấy đấy”. Nhiều ca khúc ông viết, nếu nói ra lai lịch thì ối người ngạc nhiên cũng là vì thế.

Như bài “Sao em nỡ vội lấy chồng” được ông viết theo đơn đặt hàng tuyên truyền dân số kế hoạch hóa gia đình, hay như bài “Về đi em” làm biết bao người rơi nước mắt hóa ra ông viết về các cô gái “bán hoa” theo đơn đặt hàng tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội. Ít ai biết rằng ông cũng chính là người viết ca khúc Salsa đầu tiên ở Việt Nam cho lớp khiêu vũ của những người thợ gạch ngói ở Hạ Long ngày trước. Mà ca khúc ấy nghe đâu ông lặn lội tới 4 tháng trời “nằm vùng” mới xong. Thế mà nhận thù lao xong, ông còn không quên chia tiền cho nguyên mẫu. Nhiều người ngại viết ca khúc đặt hàng, ông thì khác. Ông bảo càng được mời viết bao nhiêu càng trẻ ra bấy nhiêu, quên đi tuổi già và quên đi cả những khi ốm yếu. Có điều ông chỉ không mong nhận được đơn đặt hàng viết nhạc từ công ty chuyên tổ chức mai táng với đơn vị sản xuất giấy vệ sinh nào cả. Nếu có, chắc ông cũng chẳng dám nhận lời.

Lần này ra Hà Nội, Trần Tiến bảo ông được mời làm khán giả trong chương trình ca nhạc “Như chờ từng giấc mơ” diễn ra vào tối 11 và 12-8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội mà mình là nhân vật chính. Phía tổ chức chỉ dặn ông: “Chú nhớ phải mặc comple đi nghe đấy nhé”, ngoài ra chẳng nói thêm gì. Thế nên ông tò mò háo hức lắm dù chưa biết người ta sẽ “vẽ” mình thế nào trên sân khấu. Nhưng chốt lại, ông bảo: “Vẽ thế nào cũng được, không hay thì chắc thế nào cũng… lạ đây”.