![]() |
Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi kêu gọi xây dựng Chiến lược hợp tác an ninh mạng ASEAN giai đoạn 2026-2030 |
Thách thức an ninh mạng ngày càng gia tăng
ASEAN là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh hàng đầu trên thế giới, trong đó nhiều quốc gia thành viên đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và dữ liệu lớn. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế số của khu vực có thể đạt mức 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, cùng với đó, những mối đe dọa an ninh mạng cũng phát triển với tốc độ nhanh chóng. Một báo cáo gần đây của công ty an ninh mạng hàng đầu Cyfirma có trụ sở tại Singapore cho biết, tội phạm mạng tại khu vực Đông Nam Á đã tăng tới 82% trong thời gian ngắn. Các cuộc tấn công chủ yếu nhắm vào Singapore, tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Những hình thức tấn công phổ biến gồm lừa đảo qua email doanh nghiệp, ransomware (mã độc tống tiền), đánh cắp dữ liệu thương mại điện tử, gian lận mạng, tiền số...
Một báo cáo đánh giá về mối đe dọa an ninh mạng tại ASEAN của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) trước đó cũng cảnh báo, các thành viên Hiệp hội đang là mục tiêu của tội phạm mạng không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu do tốc độ kết nối cao nhưng khả năng phòng vệ chưa đồng đều. Các mối đe dọa không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, kinh tế mà còn xâm phạm đời tư người dùng và làm suy giảm niềm tin xã hội.
Trong khi đó, khả năng chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau tấn công mạng tại ASEAN vẫn còn tương đối thấp. Mặc dù từng quốc gia đã có nỗ lực đáng kể trong việc tăng cường an ninh mạng, nhưng việc thiếu một hệ thống tiêu chuẩn chung, cơ chế phối hợp rõ ràng và chiến lược tổng thể đang là điểm yếu đáng kể của khu vực.
Cấu trúc an ninh mạng tại ASEAN hiện vẫn còn phân tán và thiếu đồng bộ. Sự khác biệt về trình độ phát triển kỹ thuật số, nguồn lực tài chính, hạ tầng cơ sở và chính sách giữa các quốc gia thành viên khiến việc chia sẻ thông tin, phối hợp hành động trở nên phức tạp, khó khăn. Ví dụ, tỷ lệ phổ cập internet giữa các nước ASEAN chênh lệch rất lớn, chỉ khoảng 26% tại Lào nhưng lên tới 95% ở Brunei. Về số lượng máy chủ internet an toàn, Singapore có 128.378 máy chủ/1 triệu dân trong khi Myanmar chỉ có 14 máy chủ.
Sự chênh lệch đó khiến khả năng phản ứng và phòng vệ trước các mối đe dọa mạng giữa các nước không đồng đều. Các nước có mức độ phát triển thấp hơn trong khu vực thường ưu tiên xử lý các vấn đề mạng cơ bản, chưa có nhiều điều kiện đầu tư cho an ninh mạng chuyên sâu. Trong khi đó, tại nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa của các nước ASEAN, hệ thống điện và mạng internet còn chưa ổn định cũng ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực quản trị số và bảo mật thông tin.
Xây dựng Chiến lược hợp tác an ninh mạng ASEAN
Trong bối cảnh đối mặt với thách thức an ninh mạng ngày càng lớn hiện nay, việc xây dựng một Chiến lược hợp tác an ninh mạng chung cho toàn khu vực ASEAN trở thành một yêu cầu cần thiết. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia đã chủ động dẫn dắt nỗ lực xây dựng Chiến lược hợp tác an ninh mạng ASEAN giai đoạn 2026-2030. Đây được kỳ vọng là khuôn khổ chiến lược đầu tiên mang tính tổng thể, nhằm củng cố khả năng phòng thủ và phục hồi của cả khu vực trước các mối đe dọa mạng ngày càng phức tạp, tinh vi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị và Triển lãm về an ninh và quốc phòng trong không gian mạng (CYDES) 2025 diễn ra ngày 1-7, Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi nhấn mạnh, chiến lược sắp tới cần ưu tiên hợp tác thời gian thực giữa các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực như: ứng phó sự cố, chia sẻ dữ liệu an toàn, giám định kỹ thuật số, và hài hòa hóa chính sách.
Tiến sĩ Zahid Zahid cũng đề cập đến dữ liệu từ “Chỉ số sẵn sàng cho An ninh mạng - Cisco 2025”, trong đó chỉ ra rằng 93% các tổ chức trong khu vực từng bị tấn công mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong năm qua, nhưng chỉ khoảng 51% người dân trong khu vực hiểu rõ về các rủi ro liên quan đến AI. Do vậy, ông kêu gọi tăng cường đào tạo nghề và giáo dục kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng, để phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ không gian mạng trong tương lai.
Cùng với Malaysia, các nước thành viên ASEAN cũng đang tăng cường hợp tác và thể hiện quyết tâm chung trong lĩnh vực này. Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 9 (AMCC) tổ chức tại Singapore hồi cuối năm 2024, các quan chức hàng đầu Hiệp hội về an ninh mạng đã khẳng định cam kết xây dựng không gian mạng “mở, an toàn, bảo mật, ổn định, dễ tiếp cận, có thể tương tác và kiên cường”. Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số và Thông tin, kiêm Bộ trưởng phụ trách Quốc gia thông minh và An ninh mạng Singapore Josephine Teo cho rằng, cùng với sự tiện lợi, các công nghệ hiện đại cũng gia tăng nguy cơ tấn công mạng. Vì vậy, hành động chung của ASEAN không chỉ giúp phòng vệ hiệu quả mà còn củng cố niềm tin số và bảo vệ tương lai kỹ thuật số của khu vực.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn kêu gọi, tăng cường phối hợp để ứng phó với xu hướng gia tăng lừa đảo trực tuyến, một vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, doanh nghiệp và chính phủ nhiều quốc gia thành viên. Theo ông, cần khẩn trương giảm thiểu rủi ro mạng bằng hành động tập thể, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và duy trì độ tin cậy của dịch vụ công.
Một điểm nhấn đáng chú ý là ASEAN đã xây dựng Nhóm ứng phó khẩn cấp máy tính khu vực ASEAN (CERT) đặt tại Trung tâm An ninh mạng ASEAN - Singapore (ASCCE). Đây được xem là nền tảng quan trọng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN, giúp phát hiện sớm mối đe dọa, chia sẻ thông tin về tấn công mạng và tổ chức các cuộc tập trận mạng, hội thảo kỹ thuật… Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo và xây dựng năng lực như ASCCE (Singapore) và Trung tâm xây dựng năng lực an ninh mạng ASEAN-Nhật Bản (AJCCBC) tại Thái Lan tiếp tục tổ chức các chương trình nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia còn hạn chế về nguồn lực.
Để thành công trong hợp tác ứng phó thách thức an ninh mạng, ASEAN cần phải triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tăng tốc quá trình hài hòa hóa tiêu chuẩn kỹ thuật và pháp lý về an ninh mạng trong khu vực. Việc xây dựng các bộ quy tắc, nguyên tắc chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chia sẻ thông tin, xử lý sự cố xuyên biên giới và phối hợp thực thi pháp luật.
ASEAN cũng cần tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng số, đặc biệt tại các quốc gia và khu vực còn yếu kém. Việc đảm bảo một nền tảng kỹ thuật số tương đồng sẽ là tiền đề để hợp tác hiệu quả, hạn chế “điểm mù” trong hệ thống phòng vệ chung. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về an ninh mạng là ưu tiên chiến lược hiện nay. Các quốc gia cần tăng cường liên kết trong đào tạo, tổ chức các chương trình học bổng, trao đổi chuyên gia, đồng thời thúc đẩy giáo dục sớm về an ninh số cho học sinh, sinh viên.
Giải pháp quan trọng khác là ASEAN cần thúc đẩy lòng tin chiến lược trong hợp tác về an ninh mạng. Việc xây dựng các cơ chế chia sẻ thông tin an toàn, minh bạch và tôn trọng chủ quyền sẽ giúp tăng cường độ tin cậy, tạo niềm tin cho hợp tác trong linh vực này.
An ninh mạng không còn là vấn đề riêng lẻ của một quốc gia, mà đã trở thành bài toán chung toàn cầu, trong đó có những khu vực đang phát triển nhanh như ASEAN. Trước nguy cơ tấn công mạng ngày càng tinh vi và phức tạp, chỉ có sự phối hợp hành động kịp thời, đồng bộ và chiến lược mới giúp ASEAN bảo vệ thành quả phát triển, củng cố lòng tin số và bảo đảm môi trường ổn định cho nền kinh tế số bền vững. Trong đó, Chiến lược hợp tác an ninh mạng ASEAN giai đoạn 2026-2030 sẽ là dấu mốc quan trọng khẳng định quyết tâm của khu vực trong việc kiến tạo không gian mạng an toàn.