Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thuấn: Cái giá của người dám mơ

ANTĐ - Nung nấu ước mơ có một CLB nhạc thính phòng ở Hà Nội quê hương, người trai phố Hàng Bạc Nguyễn Cường đã làm Giám đốc nghệ thuật Công ty âm nhạc CEG từ tháng 5-2011 và biến ước mơ thành sự thật. Cùng nhạc sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Thuấn (SN 1980), hai con người bền gan này đã làm được kỳ tích hơn 1 năm và hiện đang rơi vào giai đoạn cực khó khăn.

Hơn 3 tuần nữa, vòng sơ khảo Festival Piano CEG 2013 bắt đầu, mà mọi việc vẫn ngổn ngang: thiếu tài trợ là nguyên nhân chính khiến Ban Tổ chức đang gánh nặng âu lo. CEG là kí hiệu Đồ, Mi, Son - 3 nốt nhạc đầu tiên của 7 nốt nhạc cơ bản. Công ty CEG lập CLB thính phòng CEG, hoạt động đều đặn tối thứ sáu tuần cuối tháng, từ tháng 3-2012, tại Không gian sáng tạo Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dịp này, nhạc sĩ Nguyễn Cường đang vất vả tìm đối tác để Festival diễn ra tốt đẹp. Sĩ diện kẻ sĩ, ông không kêu ca về nhọc nhằn. “Cánh tay phải” của ông nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thuấn, Giám đốc điều hành Công ty CEG sẽ cho độc giả ANTĐ Cuối tuần hiểu hơn về các sự kiện, dự định âm nhạc họ làm cho Hà Nội và “cái giá phải trả” của người dám mơ.

- Chào nhạc sĩ Ngọc Thuấn, anh hãy giới thiệu về Festival Piano CEG 2013 mà anh và nhạc sĩ Nguyễn Cường đang dốc sức thực hiện?

- Hè 2012, chúng tôi làm Festival Piano Hà Nội, sân chơi dịp hè cho các em học sinh, đã thu hút 250 thí sinh và thành công. Chúng tôi nhận thức sâu sắc: Âm nhạc gắn với các em từ nhỏ tới niên thiếu, sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, sự hướng thiện, trí tưởng tượng, kiên nhẫn. Hè 2013 này chúng tôi mở rộng sân chơi ra phạm vi toàn quốc, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn: Hà Nội và TP.HCM. Vòng sơ khảo khu vực phía Bắc diễn ra ngày 27, 28-7 tại 52 Hai Bà Trưng Hà Nội; chung khảo và trao giải ngày 3, 4-8 tới tại Phòng Hòa nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

- Thương hiệu CEG được chú ý bởi đã diễn ra đều đặn hàng tháng, mỗi tháng tặng không cho khán giả một bữa tiệc nhạc cổ điển, hội tụ được nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Chủ trương của CEG Club là gì?

- Là duy trì điểm nghe - diễn nhạc cổ điển thính phòng định kỳ mà trước đó Thủ đô chưa có. Mỗi chương trình, chúng tôi chọn 15 tiết mục, gồm trích đoạn nhạc kịch hay giao hưởng (GH) kinh điển, tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam viết cho khí nhạc, hòa tấu do các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong và ngoài nước về góp sức và cả các em trẻ tài năng. Dù chỉ bồi dưỡng 200 - 300 nghìn đồng/buổi, tất cả đều vui vẻ, vì xác định tinh thần cống hiến. Khán giả được nghe miễn phí và nghệ sĩ có thêm điểm diễn, gần gũi công chúng.

- Anh có thể điểm lại một số nghệ sĩ đã tham gia diễn cho CLB CEG?

- CEG tự hào đã hội tụ nhiều nghệ sĩ tài năng đến diễn tặng khán giả Thủ đô. Đó là NSƯT Việt Hoàn, Lê Anh Dũng; ca sĩ nhạc kịch: Vũ Mạnh Dũng, Ngô Hương Diệp (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), Nguyễn Phúc Tiệp, Đào Tố Loan (Học viện ANQG). Piano: Rahel Senn (Thụy Sĩ), Trịnh Minh Trang (Trang Trịnh), Cao Thanh Lan, Lưu Đức Anh, Huy Phương, Quỳnh Chân, Trần Minh Châu, giọng nam cao Hàn Quốc Park Sung Min (chồng pianist Trang Trịnh) hát và chỉ huy hợp xướng Hàn Quốc; hợp xướng trường ĐHSP Nhạc họa TƯ. Violin: NSƯT Ngô Hoàng Linh, Trịnh Minh Hiền (Dàn nhạc GHVN), Công Đại, Hồng Nhung; Flute: Nguyễn Huyền Trang, Nguyễn Ly Hương, bộ gõ: Duy Anh (du học Singapore). Ca sĩ nhạc nhẹ: Khánh Linh, Hà Linh, Dương Liễu (Hải Phòng), Cello: NSƯT Hương Khanh, nghệ sĩ nhị Trần Văn Sâm. Đêm tác giả Việt Nam: Nguyễn Cường, Doãn Nho, Cát Vận, Lê Tịnh, Bùi Minh Đạo. Mỗi dịp có nghệ sĩ Việt Nam nào đang du học nước ngoài về nước, chúng tôi đều cố gắng mời. Tiệc ngon cũng phải đều món đổi người thể hiện liên tục, mới hấp dẫn.

- Nhưng liên tục miễn phí, BTC cũng kiệt sức?

- Từ tháng 3-2012 đến tháng 5-2013, chúng tôi đã tổ chức đều đặn, chỉ nghỉ tháng Tết. Ba số có khách mời nói chuyện là nhà thơ Vi Thùy Linh, TS Trịnh Hòa Bình (nói về văn hóa người Việt qua vận hành sao, quẻ kinh dịch) và nhà sử học Dương Trung Quốc (về âm nhạc cổ điển của Hà Nội có từ thời Pháp thuộc, bị ngắt quãng lâu, cho tới khi có CEG). Cà phê Trung Nguyên bảo trợ địa điểm và cho mỗi số 4 triệu, chúng tôi phải bù thêm để bồi dưỡng nghệ sĩ. Kinh phí tối thiểu tổ chức mỗi số (đã được nghệ sĩ ủng hộ catsê) là 7 triệu. Số tháng 5-2013, Trung Nguyên cắt khoản hỗ trợ ít ỏi kia, và CEG chi phí toàn bộ. Để tập trung cho nhân lực và ngân quỹ cho Festival, chúng tôi đành nghỉ CLB tháng 6 và 7.

- Nguy cơ dừng hẳn CLB có thể xảy ra?

- Nhạc sĩ Nguyễn Cường thân với doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên, bị cắt tài trợ, ông vẫn chưa nói với anh ấy. Nhiều người trong nghề và khán giả đề nghị đặt hộp kinh phí để cùng đóng góp Quỹ duy trì CLB, Nguyễn Cường gạt ngay. Ông còn cáu mà nói: “Đã cống hiến thì không đặt hộp quyên góp, không đi xin tài trợ lặt vặt”. Uy tín nghề nghiệp và tên tuổi của nhạc sĩ cho ông quyền kiêu hãnh và tự trọng. Tôi là bậc đàn cháu, phải theo thôi.

- Vậy anh “chống cự” thế nào với khó khăn khi làm Giám đốc điều hành Công ty CEG, trực tiếp đối mặt “cơm áo gạo tiền”?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở thị xã (nay là TP) Ninh Bình, sau Đại học, tôi đang theo học thạc sĩ chuyên ngành Sáng tác tại Học viện ANQG. Nhà 4 tầng tại số 2/64, ngõ 67 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa là chỗ tôi thuê để ở và làm trụ sở Công ty. CEG có chức năng dàn dựng, biên tập, phối khí, thu âm, đào tạo thanh nhạc và các nhạc cụ cho nhiều lứa tuổi. Tôi đã tham gia đạo diễn nhiều chương trình, làm giám khảo, bảo trợ nghệ thuật cho Học viện Báo chí - Tuyên truyền, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương... Vẫn độc thân, nên tôi có thể dành tối đa thời gian cho CEG ngoài việc học, mà hiện giờ là xoay xở cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường khi gánh nặng tổ chức tăng gấp đôi.

- Vậy mà hai nhạc sĩ hai thế hệ vẫn mơ xa?

- Vâng, chúng tôi đã và vẫn mơ sẽ mở được CEG Club ở Sài Gòn. Thành phố đầu tàu kinh tế Việt Nam, thị trường âm nhạc lớn nhất nước chưa có điểm diễn thính phòng định kỳ miễn phí.

- Và Festival Piano CEG sẽ thành hoạt động thường niên và nhân rộng?

- Festival không chỉ là sân chơi. Các em được tập và diễn tại phòng hòa nhạc của Học viện ANQG và Festival sẽ là bệ phóng đầu đời cho em nào muốn theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp. Các em cần có sân chơi mà học, Festival xây dựng nếp văn hóa cho trẻ em, thanh thiếu niên dịp Hè. Trẻ em là người lớn của tương lai mà. 

- Tôi đang thấy anh với vai trò Giám đốc điều hành Công ty CEG, vậy nhạc sĩ Ngọc Thuấn với các ca khúc đã tham gia bài hát Việt: Hà Nội và em (ca sĩ Đinh Mạnh Ninh), Phút giây đầu (Nam Khánh), Dấu lặng (Hoàng Hải) đâu?

- Nửa năm nay tôi lo kinh tế cho CLB, chưa lúc nào ngơi mà sáng tác. Ngoài ra tôi còn dạy Piano, sáng tác, hòa âm đệm cho các trường ĐH Nghệ thuật Quân đội, ĐH Thăng Long, CĐ VHNT Hà Nội.

- CEG tự nhận sứ mệnh duy trì âm nhạc cổ điển khuếch tán ra cộng đồng cho Hà Nội?

- Hà Nội là thành phố văn hóa bậc nhất Việt Nam, không thể không hướng tới xây dựng văn hóa âm nhạc. CEG mong những người yêu nhạc, các doanh nhân chia sẻ, đồng hành để khán giả Thủ đô có được một điểm hẹn thưởng thức những giá trị âm nhạc thành nếp văn hóa thanh lịch, bồi đắp tâm hồn giàu đẹp của người Hà Nội đất văn hiến ngàn năm.