Nhà văn Nguyễn Quang Lập và góc thờ Biển Đông

ANTĐ - Tôi gặp Nguyễn Quang Lập từ hồi mới ra Hà Nội, làm biên tập viên, NXB Kim Đồng, năm 1996. Tuổi 40, ông làm cuộc dịch chuyển ra Thủ đô, vì mua được căn hộ tầng 6, chung cư Linh Đàm.

Hà Nội không xa lạ với Nguyễn Quang Lập, ông từng học Đại học Bách khoa, là kỹ sư vô tuyến điện. Nghiệp văn đeo đuổi hai anh em Nguyễn Quang Lập (SN 1956), Nguyễn Quang Vinh (SN 1959), trong khi ông anh cả, GSTS Nguyễn Quang Mỹ    (SN 1937, Chủ tịch Hội Hang động học Việt Nam theo đuổi nghiên cứu khoa học địa mạo.

Nguyễn Quang Lập là một trong các cây bút xuất sắc nhất thế hệ 5X. Sức bền, hấp dẫn của tác phẩm đã khiến ông là một nhà văn nổi tiếng đương độ lâu dài, với diện khuếch tán rộng.

Nguyễn Quang Lập đông bạn. Người đông bạn, lắm người yêu quý, đông kẻ ganh ghét, chắc là người rất tài và sống hay. Năm 2001, cú tai nạn xe máy làm biến đổi đời ông. Cú tai nạn khiến Nguyễn Quang Lập phải rút về làm việc ở nhà. Ông viết bằng một bàn tay phải, kiên trì tập đi. Ba đứa con, 2 trai, 1 gái, có tên gọi ở nhà: Bi, Lip, Mayơ (các bộ phận của xe đạp) - những “thiết bị” bán đi để có đám cưới ở quê Ba Đồn năm 1986, dần lớn lên. Ba Lập trụ cột kinh tế, dù sức khỏe sa sút, vẫn lo gia đình tươm tất bằng ngòi bút (à không, bằng bàn phím).

 Mùa đông Hà Nội làm “bọ Lập” bị đau nhức chân tay. Biết tin ông chuyển vào Nam, tôi gọi điện, buồn: “Sao chú lại đi, Hà Nội có bao nhiêu bạn bè, độc giả yêu mến? Chú vào vài năm rồi lại ra nhé!” Tôi nói bằng ý nguyện của tôi, chứ vẫn biết, chuyển cư cả gia đình là rất mệt, phức tạp. Chú Lập bảo: “Ở đâu quý nhau thì vẫn gặp được mà”. Tháng 8-2010, đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Lập chống nạng đi họp, vẫn cười tít, tuy có bớt đẹp trai hơn xưa, tóc bạc nhiều.

Tư gia nhà văn, qua cầu Sài Gòn, thẳng 3km là tới lối rẽ lớn vào khu Thảo Điền. Chung cư River View (Nhìn ra sông)! Căn hộ của tác giả “Ký ức vụn”, “Bạn văn” gây sốt, ở tầng 5. Bước vào, có cảm giác nó rộng hơn 150m2, vì trước balcon là không gian lộng gió: nhìn xuống, nhìn ra đều là sông, cự ly gần cầu Sài Gòn. Ông chủ “lãi không gian” đang ngồi viết, laptop Sony đặt trên bàn mây. Nhà văn cao, có vẻ không khỏe và khó tính hơn... chính ông trong văn của Lập. Nguyễn Quang Lập đa giác văn chương, đọc thấy cười đùa mà đột nhiên trào nước mắt. Ai chịu khó xâu chuỗi chi tiết trong văn Nguyễn Quang Lập, sẽ thấy được nhiều “bí mật” chân dung ông. Giờ chúng ta đang ở trong căn hộ nhà Nguyễn Quang Lập, gia đình ông mới nghỉ mát Nha Trang về. Gió lùa bụi trúc xanh ở balcon, dưới có cây hồng bạch hé nụ. Hồng bạch mất giống hay sao mà hiếm thấy. Nổi bật về “tài sản” của gia chủ trưng bày trong phòng khách là tranh của các Họa sĩ: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Lê Ngọc Thanh... Ở kệ thấp sát tường bên phải, mặt chính phòng khách, đặt mấy tấm bằng chứng nhận sách bán chạy nhất trong năm của Công ty Thái Hà Book. Trên cao nhất, nơi trang trọng là bàn thờ. Không phải bàn thờ như các gia đình thông thường mà là bàn thờ Biển Đông. Nhà văn sẽ cho ta biết rõ điều này.

- Chào nhà văn Nguyễn Quang Lập, vậy là cả nhà ông đã thành công dân Sài Gòn rồi đấy!

- Chúng tôi về chung cư này được 3 năm, hộ khẩu vẫn ở Hà Nội.

- Cách đây mấy năm, ông mở Công ty kịch bản phim, nghe đâu phát đạt: cả ê-kíp biên kịch trẻ dưới sự điều hành của ông đã viết hết công suất mà không kịp nhu cầu.

- Tôi mở công ty 5, 6 năm trước và đã thôi rồi. Tôi muốn tập trung thời gian cho những sáng tác của mình.

- Hay vì các con đã lớn, đi làm nên ông không bị  nặng gánh nữa?

- Nguyễn Quang Hồng Nhật (Bi, 1987) đang làm BTV của Truyền hình cáp Việt Nam. Nguyễn Quang Hồng Đức (Líp, 1979) đã học xong ĐHSK ĐA, làm cho AVG. Con út Cẩm Nhung (May ơ, 1993) vừa xong năm thứ hai khoa Quan hệ Công chúng, ĐHDL Văn Lang. Các con đều ngoan, thương ba mẹ, nên tôi không thấy gánh nặng.

- Nhà ông thật yên tĩnh!

- Không gian lý tưởng để viết đấy. Trước tôi ở tầng 12 chung cư Miếu Nổi, gần Thanh Đa; chỗ này tầng thấp hơn, không gian tuyệt vời. Các con đi làm, đi học, vợ chăm lo nhà cửa, nội trợ; tôi ngồi viết, xa tiếng người xe ồn ào, chỉ có gió và lá reo. À, có tiếng con vẹt Mã Lai nữa.

- Thời buổi khoa học công nghệ phát triển, nếu ông là kỹ sư vô tuyến điện, có  thể giàu hơn chăng?

- Tôi thích làm nhà văn, cho chọn lại cũng thế thôi. Không nên đi học để làm nhà văn. Nhà văn cần trải đời.

- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Phi Tiến Sơn học chế tạo máy ĐHBK rồi mới đi học đạo diễn, nhà thơ Nguyễn Thành Phong cũng từ đây. Hóa ra Bách Khoa cũng là một “lò tài năng”.

- Có tài và đam mê nghệ thuật, học gì cũng sẽ theo con đường mình đam mê. Làm nhà văn được giàu về tinh thần, mà cũng nhọc về tâm trí.

- Ông bản lĩnh qua tai nạn, biến cố, cũng bởi từng là người lính?

- Từ 1980 - 1985, tôi là bộ đội tên lửa Quân chủng phòng không, đóng quân ở đảo Cái Bầu (Quảng Ninh), sau chuyển vào Quảng Nam Đà Nẵng.

- Ông có thể giải thích vài từ hay dùng, ví dụ “bọ Lập” địa chỉ email “Lập quê choa”?

- Tiếng Quảng Bình “bọ” là bố, “choa” là chúng tôi, đại từ ngôi thứ nhất số nhiều.

- Tôi chưa thấy ai thờ góc Biển Đông trong nhà, ông có thể chia sẻ?

- Mấy năm nay, Biển Đông không yên ả. Là một nhà văn yêu nước, tôi chưa hề đến  Hoàng Sa, Trường Sa, song lo âu, trân trọng, bảo vệ theo cách của mình. Phạm Xuân Nguyên, bạn cùng tuổi, đi Trường Sa vài lần, xin chữ nhà sư ở chùa trên đảo và lấy hòn đá Trường Sa về tặng tôi. Nhà báo Mai Thanh Hải tặng cát và vỏ ốc đem về từ Trường Sa. “Sói biển” Mai Phùng Lưu là ngư dân sừng sỏ, đã từng nhiều lần ra đánh bắt ngoài khơi Hoàng Sa, đang sống ở đảo Lý Sơn, tặng tôi phao lưỡi câu. Thờ góc Biển Đông với những kỷ vật từ 2 hòn đảo thiêng liêng, cả gia đình tôi có “đảo” trong ý thức hàng ngày, trong nhà mình.

- Đã có lần tưởng cận kề cái chết, ông sợ chết không?

- Trước có sợ, sau này không. Không nghĩ đến cái chết. Trời cho sống đến đâu thì sống, biết thế nào mà lường.

- Có cách nào để sống lạc quan, bản lĩnh, vượt những sợ hãi lo âu?

- Ham sống, cứ ham sống và làm việc thì chẳng sợ chết nữa, chứ làm gì có cách nào. Tôi ham sống và sống là phải có ý nghĩa, phải làm việc.

- Ông đã có 6 kịch bản điện ảnh, sao không viết nhiều kịch bản phim truyền hình để quảng đại công chúng biết hơn, thu nhập nhanh, nhiều hơn?

- Tôi có tham gia viết “Gió qua miền tối sáng” từ lâu và một số phim nữa. Nhiều kế hoạch, thích tác phẩm có bề dày, độ sâu, lại không quen “sản xuất tốc độ” liên tục theo nhịp phát sóng.

- Còn kịch bản sân khấu? Đang mùa Hạ lại nhớ Mùa Hạ cay đắng của ông và Điện thoại di động, vở mà Nhà hát Kịch Hà Nội đã diễn thành công trong nước và tại Hàn Quốc. NSND Hoàng Cúc nói, Nhà hát tín nhiệm đặt hàng anh em Nguyễn Quang Lập. Ông còn nợ “đơn đặt hàng nào” không?

- Tôi đã có 20 KB sân khấu được dựng. Nghĩ ra cái gì ấn tượng mới viết tiếp. 

- Sắp tới, độc giả sẽ được đọc tác phẩm nào của ông?

- “Ký ức vụn”, “Bạn văn” ra tập hai năm nay. Mới có một tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng”, dự kiến đầu 2014, tôi cho ra tiểu thuyết thứ hai là cuốn viết về chính mình, hồi ở Quảng Bình.

- Còn truyện ngắn nữa chứ?

- Đã có 2 tập, kế hoạch truyện ngắn sẽ tính sau.

- Hàng ngày ông sống thế nào?

- Ăn cơm gạo lức, tương đối điều độ vì biết mình đã có tuổi, vợ con cũng kiềm chế. Có việc vào thành phố, đi xe ôm, taxi. Bạn bè các miền thỉnh thoảng ghé thăm vẫn nhậu được. Vợ chồng tôi tập thể dục, đi bộ quanh khu nhà mình, thấy lý tưởng rồi.

- Ông vẫn lướt mạng đều đấy chứ?

- Làm văn làm báo là phải thạo công nghệ. Nhất là lứa trẻ. Tôi không thể một ngày không vào mạng.

- Rõ rồi, facebook, blog của ông luôn cập nhật, ăn khách.

- Vui mà không nông cạn.

- Tất nhiên, thế mới là Nguyễn Quang Lập. Nhiều người viết post tác phẩm lên mạng rồi gom lại in sách, có ai bì được với một Ký ức vụn của ông.

- Tôi chẳng ham nổi tiếng thêm đâu. Chỉ muốn viết những gì mình tâm huyết và giữ được bạn đọc.

- Ông đã và sẽ có điều đó. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Lập.