Nhà văn Nguyễn Quang Hà: Tự vá víu vết thương lòng

ANTĐ - Nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi, thế nhưng phía sau nhà văn Nguyễn Quang Hà đã có những thời khắc bão giông, không ít những biến cố trong suốt một đời văn, đời người…

Ly dị từ buồng chuối chín cây

Nguyễn Quang Hà sinh năm 1938, tại Bắc Giang. Lớn lên, ông có giấy báo đỗ Đại học Tổng hợp nhưng vì vướng lý lịch mà địa phương không cho đi. May mắn sao, nhờ quen biết, bố ông đã xin cho con đi học một lớp sư phạm cấp tốc. 10 năm làm giáo viên, hết chuyển từ dạy toán, sang dạy văn, ông lấy vợ, có 3 mặt con rồi mới lên đường nhập ngũ, vào chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế. Và rồi, như một thứ duyên nợ, Nguyễn Quang Hà đã gắn bó cả quãng đời còn lại với dải đất này.

Nguyễn Quang Hà là người may mắn khi đi qua cuộc chiến mà vẫn còn lành lặn. Nhưng, ông lại là “nạn nhân” của thời hậu chiến. 10 năm lăn lộn trong mưa bom bão đạn, có những lần ông phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, đã có lúc tưởng rằng không thể về lại vùng quê Kinh Bắc, nhưng rồi ông vẫn bình an. Ông trở về trong tâm thế của một người thắng cuộc và không hề biết rằng, dưới mái nhà của mình đang có “sóng ngầm”. Bước chân vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông là người vợ đang ngồi cho con bú trước hiên.

Hình ảnh đó khiến ông choáng váng tối tăm mặt mũi, thì ra vợ ông đã  “lỡ làng” trong lúc chồng đi chiến đấu. Không to tiếng, không chửi mắng, người đàn ông ấy đã chùng xuống, nén lòng tự trọng đang bị tổn thương để mở lòng tha thứ. Nhưng trời không chiều lòng người. Chỉ một hành động nhỏ thôi, giọt nước đã tràn ly. Vợ chồng ông ở chung với bố mẹ, bố mẹ ở nhà trên; ông, vợ và các con ở nhà ngang. Sau nhà có một buồng chuối chớm chín cây. Ông thấy buồng chuối chín đã chặt và mang vào nhà bố mẹ. Hôm ấy vợ ông đi vắng về thấy đã sồng sộc chạy lên nhà bố mẹ chồng vớ con dao giận dữ chém tan nát buồng chuối. Mọi thứ sụp đổ. Hành động ấy của vợ khiến ông bị tổn thương hơn cả sự phản bội. Một kết cục không thể khác: Ly dị. 

Lấy vợ mới từ quả B40 “lạc đường”

Chuyện tình của ông với người vợ sau cũng hết sức đặc biệt. Khi đóng quân ở Quảng Trị, một lần, một quả B40 của đơn vị ông chẳng may đã “bay nhầm” vào nhà một người dân ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị làm chết người con trai trong gia đình. Đơn vị cử người đến xin lỗi, giải quyết và làm công tác chính sách. Từ sự việc đó ông đã quen biết người con gái của gia đình. Sau này, khi hạnh phúc với người vợ ở quê tan vỡ, ông trở lại Huế, tình cờ trong chuyến đi công tác vào Khe Sanh, người bạn nhờ ông chuyển món quà cho một cô giáo. Ông tìm đến địa chỉ người nhận thì hoá ra lại chính là cô gái năm nào. Từ đó hai người qua lại và dần dà bén duyên với nhau. 

Sau này ông chuyển ngành ra làm việc tại Tạp chí Sông Hương. Tạp chí những năm ông làm Tổng biên tập là địa điểm gặp gỡ thân tình của văn nghệ sĩ cả nước khi đi qua dải đất miền Trung. Ông có nhiều bạn bè văn nghệ, những người bạn nghèo về tiền bạc nhưng nồng ấm tình người. Ngày Nguyễn Quang Hà được bán rẻ cho một ngôi nhà, ông đã photo tờ giấy được phân nhà ấy gửi cho 50 người bạn, mỗi người bạn đã giúp ông một triệu đồng, đủ để có tiền nộp.

Sau khi ổn định cuộc sống tại Huế, ông bàn với vợ đón ba người con cùng mẹ già từ quê vào Huế sống cùng. Cả gia đình sống bên nhau yên ấm, thuận hòa. Sau này, khi người con đầu cưới vợ thì ông nói các con đón nốt mẹ chúng và người em khác cha vào Huế ở để mẹ con được đoàn tụ. Vậy là Nguyễn Quang Hà đã có cả một gia đình lớn trên đất Huế, vợ sau của ông hiện là giáo viên dạy tại trường Quốc học. Cả 5 người con của ông giờ đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định tại Huế.

Ngoài 70 tuổi, người đàn ông thấp đậm đã cắt 1,4 mét đại tràng ấy vẫn cần mẫn viết. Cũng giống như nghiệp viết, đề tài chiến tranh với ông như một “món ăn kiêng” cả đời. Xa quê đã mấy chục năm nhưng Nguyễn Quang Hà vẫn giữ nguyên giọng nói vùng Kinh Bắc, còn những gì thuộc về quá khứ thì ông mãi chôn sâu trong lòng. Trên gương mặt ông chỉ hiện lên một nụ cười hiền, điển hình của một liền anh quan họ. Qua tất cả những biến cố của quê hương đất nước và của bản thân, ở ông vẫn là sự hồn hậu của một tấm lòng luôn rộng mở với đời, với người. Nếu như chiến tranh và hoàn cảnh đã gây nên ở ông những vết thương thì ông đã biết cách vá víu để tự chữa lành, để vết thương ấy sớm liền miệng.