BÙI BÌNH THI:

Nhà văn hay... khóc

ANTĐ - Năm 1998, cuốn tiểu thuyết Hành lang phía Đông khá dày dặn viết về cuộc chiến đấu vô cùng dũng cảm của các chiến sĩ cao xạ pháo trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhà văn Bùi Bình Thi được xuất bản. Tác phẩm đã gây tiếng vang lớn trong dư luận Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo về tác phẩm này.

Kết thúc buổi hội thảo, theo thông lệ là lời phát biểu của tác giả. Mọi người chờ đợi. Thật không ngờ, nhà văn Bùi Bình Thi bưng mặt khóc nức lên một hồi. Nước mắt của anh là biểu hiện của niềm hạnh phúc chỉ có người trong nghề văn mới thông cảm nổi.

Bùi Bình Thi là con người tình cảm. Ngày 11-3-2011, Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất và sóng thần. Vô cùng xúc động trước cảnh 30 em nhỏ Nhật Bản ngây thơ trong một lớp học chờ đợi trong vô vọng cha mẹ đến đón về, ông viết một thiên bút ký chia sẻ, rồi vừa khóc nghẹn ngào vừa đọc cho tôi nghe.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một ngày đầu tháng 5 năm 2004, từ mảnh đất lịch sử này, Bùi Bình Thi gọi điện trò chuyện với tôi.  Sau khi kể lại lịch trình mấy ngày thăm viếng cảnh quan chiến trường xưa, ông nghẹn ngào bảo: Riêng ở quả đồi A1, để đánh chiếm được nó, 1.014 chiến sĩ đã hy sinh. Đất ở đây thấm đẫm máu đào chiến sĩ, đã trở thành đất thiêng. Và hành hương về đây, mọi người phải trụt giầy dép ra, đi chân không để da thịt tiếp xúc với đất, để có thể thẩm thấu, cảm nhận hết sự thiêng liêng của mỗi thước đất Tổ quốc được giải phóng bằng xương máu các thế hệ cha anh.  

Vóc hình cao lớn  vỡ, tiếng nói sang sảng, bề ngoài xem như có vẻ ồn ào sôi động, nhưng bên trong ông là cả một mạch nguồn của những tình cảm thiết tha. Ông tâm sự: Văn học đâu chỉ nói bất cứ điều gì về con người.  Điều đáng nói nhất trong văn học là tình thương yêu giữa con người với nhau.

Sinh ngày 23-4-1939 quê gốc là xã Liên Bật, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội, thuở nhỏ nhà văn tham gia đủ mọi công việc đồng áng. Truyện ngắn đầu tay của nhà văn được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 1961 viết về con bò nhà văn vẫn thường chăn thả. “Thế là con bò của con đã vào sách rồi đấy!”. Nhà văn nhớ như in câu nói vui mừng của mẹ anh khi đó. 

Tới nay nhà văn Bùi Bình Thi đã cho xuất bản hơn hai chục đầu sách. Đáng chú ý là các tiểu thuyết:  Đường về cánh đồng Chum, Mặt trời trên đỉnh thác, Ban mai, Hành lang phía Đông, Xiêng Khoảng mù sương, Odessa, một cuộc tình… Ông cũng là tác giả của các tập truyện vừa, truyện ngắn được độc giả yêu thích, như Kiếp người, Mùa mưa đến sớm… và  nhiều tập bút ký, tạp văn. 

Bùi Bình Thi có giọng văn mộc, không hoa hòe hoa sói, không uốn éo cầu kỳ. Ông quan sát, miêu tả sự việc một cách tỉ mỉ, chi tiết. Đặc biệt ông rất chú ý đến việc dùng từ. Ông nói, chữ trong văn phải là chữ đã lên men, có nghĩa là chữ phải giàu hàm lượng ý tưởng. 

Một lần tôi đưa một truyện ngắn của tôi cho nhà văn Tô Hoài, nhờ ông chỉ bảo - nhà văn Bùi Bình Thi kể: Nhà văn Tô Hoài xem xong, gật gù, nói: Khá! Trong truyện này, Thi có 3 từ mới sáng tạo. 

Bùi Bình Thi có sở trường viết các tiểu thuyết dài hơi, ôm trùm dung lượng lớn hiện thực. Tiểu thuyết Hành lang phía Đông của ông dày hơn 600 trang. Còn Xiêng Khoảng mù sương của ông có số trang in lên tới 901.

Ông nói:

“Có thể ví tác phẩm văn chương như rượu. Thế mà rượu có được chỉ bởi có ba thứ là gạo, men và độ lửa. Vậy tài năng của nhà văn chính là men vậy”.

Xiêng Khoảng mù sương miêu tả cuộc chiến đấu dũng cảm ngoan cường của quân dân các bộ tộc Lào  với  sự sát cánh  đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi  của bộ đội tình nguyện Việt Nam. Cuốn sách đã lần lượt được nhận 2 giải thưởng lớn: Giải thưởng Văn học Mê Kông ba nước Việt-Lào-Campuchia lần thứ  nhất, Giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 2008-2010.

Tôi hỏi ông: Làm thế nào để viết được  dài hơi thế? Ông đáp: Phải có vốn sống. Tôi hỏi tiếp: Làm thế nào để có vốn sống? Ông đáp: Phải sống kỹ! Tôi hỏi tiếp: Sống kỹ là sống thế nào? Ông đáp: Là sống hết mình, sống với tất cả cung bậc tình cảm, là sống thật sự sâu sắc với mọi hiện tượng của cuộc sống. 

Gấp cuốn  Xiêng Khoảng mù sương của ông lại, phảng phất trong tôi vẫn  là  những  dải sương  mù ông đã quan sát và miêu tả thật ấn tượng ở vùng đất này:

Xiêng Khoảng là thế này, quãng đầu mùa khô có độ mươi ngày liền thì sương mù đặc như sữa. Rồi sau đấy trời đất cứ theo một kiểu cách định hình như sau: Sương mù đặc quánh độ hai ba ngày, tiếp sau lại đến hai ba ngày sương loãng và mỏng thấp dần, cũng có khi ngày thứ ba thì sương mù tan hẳn, trời thật là quang quẻ trong quãng một buổi và thường là buổi chiều.

Sương mù dầy đặc dưới chân rừng và mặt suối. Con suối mùa khô nước suối chỉ róc rách trong các khe đá.  

Sương mù buổi chiều tuy không đặc như buổi sáng, nhưng vẫn giăng giăng và trải dài từng mảng lớn buông thướt tha từ đỉnh rừng xuống…