Nhà văn đặc công “lợi khẩu”

ANTĐ - Chu Lai là nhà văn con dòng cháu giống. Nhà ông này về ngạch biểu diễn tức là tài năng nghiêng về thanh sắc có đến hơn 20 chục vị vừa NSƯT, vừa NSND. Còn trong ngạch viết lách, tức tài năng nghiêng về trí tuệ có đến bốn hội viên trong đó có đến ba vị là cầm hai thẻ hội viên của hai hội danh giá vào loại bậc nhất trong các hội xứ ta.

Khi ngồi thở (trên dốc đèn Long Châu)

Ấy là Hội Nhà văn Việt nam và Hội Nghệ sỹ sân khấu VN. Người thứ tư là nhà văn Vũ Thị Hồng cùng hàm đại tá phu nhân Chu Lai. Ông nhà văn đại tá đặc công này tính tình khoáng đạt, sống hết mình, phân minh, chính trực, “lợi khẩu” và gần đây cùng với hàng đống tác phẩm khiến ông nổi tiếng nên hay được mời lên thuyết giảng, tranh luận trên truyền hình với giọng nói hoành tráng, ngang tàng nhưng không kém khúc triết khiến tăm tiếng này lại càng được tô đậm. Vậy mà mỗi khi nói về vợ ông lại lộ ra cái sự khiêm nhường, kính trọng vì nể.

Và sau ba chuyến cùng đi công tác với ông tôi đã lượm lặt, chứng kiến được đôi ba chuyện xung quanh tác giả tiểu thuyết lừng danh “Ăn mày dĩ vàng”.


Lý lẽ trong trái tim đàn bà

Trước khi làm lính đặc công để được tắm mình trong mảng hiện thực cực kì quý giá cho một nhà văn Chu Lai luôn trung thành với nghề của ông cụ thân sinh, nhà văn, kịch tác gia lão thành Học Phi, năm nay, cụ đã bước vào tuổi 99 mà vẫn ghì người vào bàn để viết được những chuyện tình say đắm. Chu Lai là diễn viên lứa đầu sau hòa bình 1954 của đoàn kịch nói quân đội thời đó mang tên đoàn kịch nói Tổng Cục chính trị.

Đang là thanh niên sung sức nên ông với Tạ Xuyên diễn viên cùng lứa sau này là đạo diễn, kịch tác gia được đào tạo ở Tây Liên Xô người Giải thưởng Nhà nước năm 2007 rất nỗ lực, cố gắng trong mọi hoạt động đoàn thể, xã hội. Nghe đâu hồi đó hai vị này rất hăng hái lao động nghệ thuật trong những đêm diễn ở biên cương, hải đảo. Hai chàng nhà văn và kịch tác gia hùng hục, mồ hôi mồ kê mang vác, đẩy xe, quay dây điện, khênh cột đèn… trong khi đó một anh chàng diễn viên đẹp trai, cao lớn lại chỉ ngồi im lặng, tay chống cằm, hai mắt lơ mơ nhìn ra xa xôi lên bầu trời đêm thăm thẳm. Khổ nỗi hình ảnh của hai gã cơ bắp kia lại không lọt vào mắt của cô diễn viên mang một vẻ đẹp u buồn trong đoàn bởi cô đang bị bóng dáng hào hoa chàng diễn viên kia hút hồn. Loay hoay thế nào sau này họ thành vợ thành chồng.

Hơn hai chục năm sau khi Chu Lai từ chiến trận trở về, đã là tác giả của hàng loạt tiểu thuyết, kịch bản nổi danh trên văn đàn, sân khấu thì trong một buổi vào dàn dựng kịch bản của mình tại Nhà hát Kịch Quân đội, Chu Lai gặp lại nàng diễn viên xưa. Trò chuyện một lúc, chuyện này không hiểu có thật chính xác không nhưng là chuyện vui nên cứ viết ra, nàng nheo mắt bỏ nhỏ một câu vào tai nhà văn: “Anh tài thế mà sao ngày xưa chỉ biết có lầm lì khuân vác, em cứ tưởng về sau cùng lắm là làm cửu vạn là cùng. Còn ông nhà em trông thế thôi chứ đầu óc vô tư lắm, chả triết nhân, thi sĩ gì đâu. Thế mới lạ chứ”. Chu Lai cười: “Trái tim đàn bà mỗi thời nó có một cách nhìn nhận giá trị đàn ông riêng, đáng đời hai thằng cơ bắp, ai bảo!”.


Tại vì quá nổi tiếng nên dễ bị nhầm

Vừa ra khỏi sân bay, đoàn tác giả trong đó có Chu Lai đang chuẩn bị lên ô tô của đơn vị ra đón thì một gã đàn ông ăn vận lịch sự da mặt hồng hào, sừng sừng lao bổ ra túm tay Chu Lai. Mồm liến thoắng: “Trời, lâu lắm mới gặp ông anh. Anh nhớ không trước em cùng sư với anh đấy nhà văn ạ. Hôm qua trông ông anh trên ti vi em đã nhận ra thấy đã yêu, nay tận mặt càng yêu hơn”. “Thế cậu có nhớ tên tôi không?”. Chu Lai chắc quen với tình cảnh này hỏi lại. Người đàn ông càng tỏ ra thân mật bèn vỗ vai Chu Lai: “Trời ông anh thì cả nước đều biết riêng thằng em này thì quên làm sao được. Anh là Lê Lai đúng chưa?”.

Một lần khác, đang ăn trưa tại một quán nhỏ, khi Chu Lai đang đưa ly vang lên nhấp môi thì một thanh niên mặt mũi sáng sủa thoạt đầu đứng từ xa nhìn về phía anh em tôi rồi chỉ chỏ Chu Lai với mấy cô bạn. Một lúc sau anh chàng muốn chứng tỏ ra sự hiểu biết của mình đến gần Chu Lai. “Em hỏi hơi đột ngột anh là nhà văn Chu Lai đúng không?”. Thấy nhà văn gật đầu chàng thanh niên nhìn về phía mấy cô bạn đang rụt rè từng bước tiến về phía chúng tôi, chàng ta lỏn lẻn bộc lộ kiến thức. “Em đọc anh từ khi em học phổ thông, bây giờ em vẫn đọc. Em mê tiểu thuyết của anh lắm”. “Thế cậu đọc của tôi cái gì rồi”. Chu Lai điềm đạm hỏi. “Anh lại phải hỏi em. Cuốn hay nhất của anh là Bão biển đúng không. Cuốn này em đọc đi đọc lại mãi không chán”. Tôi thấy Chu Lai bặm miệng cố không bật ra tiếng cười rồi quay lại mặt tỉnh bơ: “Cậu nhớ nhầm rồi, mình chưa bao giờ viết bão biển cả, chỉ viết bão lòng thôi”. Lát sau anh quay qua tôi, nói nhỏ:“Mình mà cải chính thì nó ngượng mà mình cũng ngượng, nhỉ!”. Chưa hết, sau khi ăn xong, hai chúng tôi rẽ vào một siêu thị. Thấy chúng tôi vừa bước vào không ít ngưòi kể cả khách hàng, lẫn nhân viên bán hàng nhìn chúng tôi chăm chú. Một vài tốp người còn kín đáo chỉ chỏ bàn bạc. Sau vài vòng dạo qua mấy quầy hàng chúng tôi rời khỏi siêu thị. Vừa ra khỏi cửa thì một người đàn bà có vẻ trí thức, đeo kính cận trạc gần năm chục tuổi lại gần, bất ngờ hỏi bằng giọng rất lịch sự “Xin lỗi có phải anh là nhà văn Chu Lai không ạ”. Chu Lai đứng sững lại, mắt trợn lên, vừa lắc đầu vừa trả lời. “Chết nỗi, chị trông tôi giống cái thằng cha cám hấp nửa người nửa ngợm ấy

lắm à?”.


Ngôn từ và khẩu khí Chu Lai

Phàm làm người thì trời cho hoặc là “lợi khẩu”, hoặc là lợi tự. Riêng Chu Lai được xếp vào loại đặc biệt lợi cả hai. Thôi thì trong văn bản, tiểu thuyết kịch bản sân khấu, phim truyện thiên hạ ít nhiều đã biết sự động đậy trong ngôn từ, câu chữ của ông. Còn riêng tôi đi với Chu Lai ba chuyến công tác, từ Tây Nguyên vòng ra đảo đèn Long Châu, rồi ào xuống vùng than Mông Dương. Ở đâu tôi cũng nhận ra một điều. Chu Lai không nói thì thôi, đã nói thì y như rằng thiên hạ chỉ còn nước há hốc mồm ra mà nghe.

Chu Lai có biệt tài là biết diễn đạt những điều phức tạp, rối rắm như kinh tế, chính trị một cách giản dị, tưng tửng mà vẫn không đánh mất sự đúc kết, gạn lọc bất ngờ. Lắm khi sau tràng cười nghiêng ngả trước những câu chữ của Chu Lai tôi nghiệm rằng sở dĩ ông nói tài như thế vì ông vốn là một diễn viên kịch nói. Ông biết nhấn (acsen) vào những từ, những đoạn đáng nhấn bằng ngữ điệu (fonitique).

Với một nghệ thuật nói đạt mức chuyên môn cao của một nghệ sĩ kịch nói thâm hậu lại kèm theo kiến thức dồi dào của một nhà văn nên khẩu ngữ của Chu lai có sức hấp dẫn là chuyện khỏi bàn. Người nghe dù tỉnh táo và quen khẩu khí ông nhà văn này đến đâu cũng thật sự sửng sốt bởi ngôn từ của ông chạm đến bản chất của sự vật khi ông nói về nghệ thuật từ “đôi chân dài miên man”, đến “một nền sân khấu vạm vỡ”, về kinh tế trong vận tải viễn dương của xuất khẩu GTVT với “những khối containe như những khối vuông Ru bích đêm ngày ngoảnh nhìn ra đại dương đối thoại với ngoại tệ”.

Trong buổi gặp mặt gần nhất trước khi ông xuống dự tổng kết hội diễn hài ở Quảng Ninh nhân nhắc đến sự ồn ào về giải thưởng văn học nghệ thuật Chu Lai bảo: “Cẩn thận, cái cơ thể văn nghệ lúc này đang có chiều ọp ẹp, những giải thưởng nếu không đảm bảo độ chính xác, công tâm, khách quan thì nó dễ trở thành những giọt axít nhỏ xuống làm cho cái cơ thể đó ốm yếu hơn, mà chỉ có nhân dân là thiệt vì họ đang đánh mất dần thần tượng của mình”… Những kết cấu từ lạ lùng, nóng giãy được tung ra liên tiếp ở Chu Lai quả tình đã thôi miên người nghe mặc dù Chu Lai từng bảo: “Nhà văn nước ta có bốn vị đặc biệt  lợi khẩu”. “Anh có trong đó không?”. “Tớ ăn thua gì”. “Nghe câu này của Chu Lai tôi chợt nhận ra lần ông vừa kết thúc bài nói chuyện của mình về những vấn đề trọng đại của văn nghệ, kinh tế làm đắm say cả một đám đông bao gồm không ít các vị quan chức, ông hỏi tôi “cậu có nhớ tớ vừa nói gì không?”. Tôi tủm tỉm gật đầu, còn Chu Lai thì toét miệng thì thào “thế mà tớ đếch nhớ mình vừa nói cái gì cả”.