Nhà thơ Nguyễn Minh Cường: Vẫn thấy mình là "gã quê ở phố"

ANTD.VN - Nhìn cái dáng cao gầy của Nguyễn Minh Cường bước đi giữa dòng người xuôi ngược, chợt nhớ lại lời anh nói rằng: “Thấy cái tạng mình không hợp với chốn ồn ào đô thị”. 

Chẳng thế mà trong tập thơ “Mắt đàn ông”, người ta cứ thấy một Nguyễn Minh Cường như một “gã quê” trở đi trở lại giữa phố. Nói như một vài nhà thơ rẽ ngang, ấy là coi thơ là cuộc vui, thì cuộc vui của Nguyễn Minh Cường ắt hẳn rất nhiều… quãng nghỉ.

Bén duyên thơ từ thuở còn “teen” với những bài thơ viết cho tờ Thiếu niên Tiền phong, rồi đến năm 16-17 tuổi đã có những vần thơ rất “già” được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, sự nghiệp tưởng chừng rất hứa hẹn thì anh đột ngột gác bút để trở thành một người lính. Bẵng đi mười mấy năm trưởng thành, công tác trong trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh, Cường quyết định viết thơ trở lại khi đã vượt qua cái ngưỡng tuổi 30, thời điểm anh coi là chín trong sự nghiệp, đã trải qua đủ thăng trầm của cuộc đời. 

Sợ mang thơ đi bán

5 năm viết lách như cuộc dạo chơi, Nguyễn Minh Cường cuối cùng cũng đã có tập thơ đầu tay. Nói là sáng tác nghe to tát, chứ thực ra thơ anh thấy “ngài ngại”, vì mình “viết thơ là cho mình, cho bạn bè, là để dùng nốt những cái gì dang dở trong máy tính”, chứ kỳ thực rất sợ phải mang thơ đi rao, đi bán. Chẳng thế mà in xong thơ, minh họa, trình bày rất đẹp, rất kỳ công, anh vội vội vàng vàng lấy hết về để… tặng lại cho mọi người. Thấy người này người kia hỏi han, có vẻ tiêng tiếc, anh nửa đùa nửa thật: “Tôi nghĩ đã in thơ là phải làm cho thật chỉn chu. Chứ chuyện bán mua tôi không nghĩ đến. Ai thực sự yêu thơ thì tôi sẵn sàng tặng, chứ giá cao thế này ngoài thị trường chẳng ai mua đâu”. 

Mọi người thường nghĩ đàn ông làm thơ thì ủy mị, yếu đuối, thường lao tâm khổ tứ vào những chuyện chẳng đâu vào đâu. Nguyễn Minh Cường thì quan niệm, sự mẫn cảm về thơ không phải dành riêng cho giới nào. Khi đã làm thơ, người phụ nữ phải rất đàn bà, còn người đàn ông thì phải nam tính đến tận cùng. Ngay cả khi dằn vặt, khổ đau cũng phải ra chất đàn ông, chứ không phải một trạng thái trung dung nửa vời, càng không phải thứ ủy mị, sướt mướt nào đó.  

Với Nguyễn Minh Cường, nhà thơ vốn là những con người nhạy cảm thì người lính làm thơ, cái sự nhạy cảm ấy có phần dễ hiểu hơn. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phổ Yên, Thái Nguyên, lập nghiệp ở Bắc Ninh nhưng 3 năm nay Nguyễn Minh Cường định cư ở Hà Nội. Anh nói mình là kẻ nhạy cảm, thích ứng chậm, nên dù có sống bao nhiêu năm ở Hà Nội, anh vẫn thấy không quen, cứ thấy mình như một “gã quê ở phố”. Anh bộc bạch: “Tôi là người thích sống quây quần. Ở quê, cứ chiều về mọi người tụ tập uống chè với nhau. Rồi tất niên làm mâm cỗ to mọi người cùng ăn. Thế nhưng bây giờ tan làm, ai về nhà nấy. Đấy là những lúc tôi cảm thấy, chắc cái tạng mình không hợp chốn đô thị?”. 

Nhìn từ phố, quê, đến biển

Cũng chỉ vì thế nên có lần khi tranh luận về cái hay cái dở của Hà Nội, anh từng bị một “tiền bối” lên án gay gắt vì “phê” phố. Cũng tự nhận là không phải con người chốn thành thị, nhưng nhà thơ sinh năm 1981 này lại có những vần thơ rất đẹp về tiết thu Hà Nội: “Mưa thì phay phảy hạt mưa/Nắng thì dát mỏng cho vừa nắng chanh/Phượng giờ lúc lỉu quả xanh/Bằng lăng phai úa trên cành bằng lăng”. Rồi có những chiều buồn bên những tách cà phê nhạt, anh lại cảm thấy một Hà Nội “Khiên cưỡng như những nóc nhà cất vội/Cứ lởm khởm đâm vào thinh không”. 

Nếu như chùm thơ phố và con người ở phố của Nguyễn Minh Cường gợi hình và giàu chất lãng mạn, thì trường đoạn về quê hương, đất nước lại chan chứa xúc cảm, những suy tư chiêm nghiệm: “Cái diều ngủ giữa lưng trời/Mơ màng đánh rơi tiếng sáo/Có kẻ nằm trên hoa gạo/Mơ màng rơi hồn lên cao/Trời xanh rơi giọt nắng đào/Tiếng quê ngủ giữa thanh tao tiếng lòng”. Đó là sự thao thức khi những đêm “đau biển”: “Biển cồn ruột/Một cơn sau thảm/Mình sóng dăm đầy mảnh sắc xác san hô/Trăng một vệt/Thuyền một manh/Đảo độc/Gió xô cảnh”. Rồi những hôm đứng ở Trường Sa, biển xô sóng trào, nhìn mãi không thấy đất liền, chỉ thấy một vũ trụ vô cùng tận nhưng cảm thấy được đứng đây, nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc là thấy như thâu tóm cả vũ trụ vào lòng. 

Có thể Nguyễn Minh Cường có khả năng biểu đạt cảm xúc một cách rất thành thật, giản đơn, mộc mạc, không hoa mỹ nhưng những vần thơ lại đầy gợi hình, có thể đưa con người ta đến những chiều sâu suy tưởng. Nói như nhà thơ Hữu Việt,  “Mắt đàn ông” với Nguyễn Minh Cường giống như buổi cày vỡ làm lật lên những tầng phù sa tươi non, hứa hẹn những mùa màng bội thu chưa định trước.

"Người ta vừa mắng con gã nhà quê

Dám hỗn hào ngồi phê phố

Con phê phố không phải vì con không yêu phố

Không hẳn vì con quá yêu quê"