Nghệ sỹ Võ Trân Châu: Những góc nhìn khắc khoải về phận người

ANTD.VN - Câu chuyện về thời thế, về thân phận các những nhân vật lịch sử đã được Võ Trân Châu thể hiện lại bằng những bức tranh thêu, những tác phẩm sắp đặt bằng vải… với một cái nhìn khắc khoải, tiếc nhớ.  

Một trong những tác phẩm đáng chú ý trong triển lãm “Neo lại Kỳ Lâu” của nghệ sỹ Võ Trân Châu đó là “Thủy ảnh”. Hình ảnh phiên bản của áo Long cổn với cánh tay dang ra trên mặt nước như tỏa ra ánh hào quang của một vị quân vương, muốn chở che, ban phát, nhưng cũng gợi lên sự bất lực trước vận nước suy tàn. Chiếc áo này là phiên bản của Long cổn (áo nhà vua mặc trong lễ tế trời) được nghệ sỹ Võ Trân Châu thực hiện dựa trên hình ảnh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. 

Phiên bản độc đáo 

Điểm đặc biệt nhất của chiếc áo này đó là nó được ghép lại từ những mảnh vải của hơn 20 bộ trang phục của hậu duệ triều Nguyễn. Đây cũng là khởi nguồn cho chuyến du hành về quá khứ của Võ Trân Châu: “Năm 2014, tôi tình cờ đọc được bài báo về cuộc đời trôi dạt của vị hoàng tử, con trai của vua Thành Thái ở miền Tây. Bài báo đó gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi. Từ đó, tôi nhiều lần đến Huế để tìm cách liên lạc với con cháu của dòng họ Nguyễn. Khi tôi tìm đến họ, nhiều người sống rất cơ cực, có người sửa xe, có người đi bán hàng rong… Tôi thấy được thực tế có phần nghiệt ngã đó nên đã xin lại những mảnh vải trang phục họ mặc thường ngày để làm nên tác phẩm này” – Võ Trân Châu cho biết. 

Cũng theo Võ Trân Châu, chị không đi theo hướng phục dựng, muốn biến những gì có được thành một tác phẩm nghệ thuật. Không được tiếp cận trực tiếp với chiếc áo, qua tư liệu hình ảnh có được từ những nhà nghiên cứu như Trần Đức Anh Sơn, Trần Quang Đức…

Võ Trân Châu đã sử dụng kỹ thuật thêu, đắp vải… để tạo nên một phiên bản độc đáo của Long cổn. Dù được làm từ những miếng vải cũ, nhưng các đường diềm, họa tiết rồng phượng ở hai bên vai áo… vẫn được khắc họa rất tỉ mỉ, chi tiết. Chiếc áo này đã lọt vào mắt xanh của một nhà sưu tập ở Australia.    

“Thủy ảnh” - phiên bản áo Long cổn do Võ Trân Châu thực hiện

Đừng mải chạy về phía trước

Bên cạnh tác phẩm sắp đặt “Thủy ảnh”, bằng những chất liệu truyền thống như chỉ màu, vải… Võ Trân Châu đã bộc lộ những góc nhìn đầy khắc khoải về thời thế, về thân phận con người trong giai đoạn biến động của xã hội. Đó là hình ảnh “Ngọ Môn” - lối đi vào cấm thành vốn chỉ dành cho vua và hầu giá, trong sắc xanh trắng mờ ảo tượng trưng cho những ngôi đền đài, những gì biểu trưng cho một thế lực cũ đang biến mất.

Một ngôi mộ đơn sơ, quạnh quẽ của vua Bảo Đại trong “Ngẫu cảm” - như để nhắc nhở về sự luân hồi của một kiếp người, con người ta dù là ai, vị vua hay một thường dân áo vải, cuối cùng cũng sẽ hóa thành tro bụi. Rồi hai bức chân dung mờ nhòe không rõ khuôn mặt được cho là của hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, hướng người xem vào những điểm nhìn sâu xa bên trong một con người, hơn là đánh giá, nhìn nhận về họ qua tướng mạo… 

Nếu chúng ta cứ mải mê chạy về phía trước, không giữ gìn những thứ thuộc về truyền thống, thì những di sản quý giá sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ 

Để làm ra những tác phẩm này, Võ Trân Châu sử dụng những chất liệu truyền thống như chỉ thêu, vải vóc… nhưng làm mới nó bằng khối màu mosaic (kỹ thuật tạo hình ảnh lớn từ những mảnh nhỏ). Mosaic vốn là hình thức trang trí có từ lâu đời và đặc biệt hơn, theo lời Võ Trân Châu, nó được du nhập vào Việt Nam kể từ thời vua Khải Định và được ứng dụng chủ yếu trong nhiều công trình kiến trúc.

Điểm thú vị của nó là, cùng một tác phẩm nhưng  lại tạo ra vô số hình ảnh, góc nhìn khác nhau, khiến cho người xem cảm thấy thú vị. Võ Trân Châu cũng là một trong số những người đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật này trên vải vóc. 

Bằng những tác phẩm của mình, Võ Trân Châu bày tỏ quan điểm về hiện tượng “giả cổ”, những “bản sao” khiên cưỡng mà chúng ta đang lầm tưởng đó chính là lịch sử. “Rất ít người trong chúng ta thực sự biết đến những trang phục của một triều đại. Cái chúng ta thấy, đó là những bộ quần áo giả trang vua chúa, được làm ra hàng loạt để kiếm lời.

Nhưng đó cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ cho thấy thứ thuộc về truyền thống đang ngày càng mai một, mà nếu chúng ta cứ mải mê chạy về phía trước, nếu chúng ta không giữ gìn chúng, thì những di sản quý giá đó sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ” - Võ Trân Châu chia sẻ.