Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ: Người "làm giàu" bảng màu sơn mài Việt Nam

ANTD.VN - Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ là một trong 19 nghệ sỹ tạo hình Việt Nam vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đóng góp quan trọng của ông đối với mỹ thuật Việt Nam hiện đại được ghi nhận với tư cách là người "làm giàu" cho bảng màu sơn mài Việt Nam.

Viết về thế hệ họa sỹ hậu sinh sau bộ tứ thứ nhất của mỹ thuật Việt Nam cận đại là Trí-Lân-Vân-Cẩn, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung đã nhận xét: “Người ta tiếc một đám đông trụ cột vắng mặt như: Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tường Lân... nhưng người ta sung sướng đón chào biết bao hy vọng mới”. Và một trong những họa sỹ tiếp nối được truyền thống vẻ vang ấy của lớp họa sỹ đi trước phải kể đến họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ.

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ: Người "làm giàu" bảng màu sơn mài Việt Nam ảnh 1Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ

Màu sắc từ vỏ trứng

Không chỉ còn nâu, đen, đỏ, vàng, bạc truyền thống, với sự sáng tạo, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã mở rộng cho sơn mài thêm màu xanh, lam để chất liệu truyền thống này có đủ sức diễn tả những sắc độ đậm nhạt khác nhau. Đặc biệt, ở khoảng thời gian 1937-1940, các họa sỹ Việt Nam chưa có màu trắng ti tan để vẽ mà chỉ sử dụng các gam màu sơn mài truyền thống nên tranh có màu trầm, không bắt mắt như ngày nay. 

Trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm với chất liệu sơn ta, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã thử gắn lên bề mặt vóc một chút vỏ trứng, vỏ trai đã qua xử lý, sau đó phủ sơn, mài phẳng và hiệu quả thẩm mỹ hiện lên rất đỗi ngạc nhiên. Bức tranh không chỉ hút mắt với độ sáng long lanh mà độ sần sần gợn gợn của vỏ trứng, vỏ trai còn giúp tạo nên vẻ đẹp vương giả cho sơn mài Việt. Cho tới ngày nay, các họa sỹ Việt Nam vẫn đang thừa hưởng sự sáng tạo ấy trong hầu hết các tác phẩm nghệ thuật. 

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ là người sáng tác sung sức và đã có tác phẩm tham gia triển lãm ở trong và ngoài nước ngay từ khi còn học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1934-1935). Quan điểm của ông về nghệ thuật là: Tổ quốc - Dân tộc - Nghệ sỹ. Điều này được thể hiện rất rõ trên những tác phẩm từ tranh sơn mài mang tính sử thi như: Du kích Bắc Sơn về bản, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đêm Noel 1972 ở Hà Nội, đến tranh phong cảnh: Nhà tranh gốc mít, Phong cảnh Pắc Bó, Buồm cửa Hàn, Lưới cửa Hội. Trong đó, mảng đề tài về lịch sử và cách mạng chiếm một vị trí quan trọng trong các sáng tác của ông. 

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ: Người "làm giàu" bảng màu sơn mài Việt Nam ảnh 2Tác phẩm sơn mài “Xô Viết Nghệ Tĩnh”

Trí tuệ trong từng trang viết

Ngoài công việc sáng tạo, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ còn là một cây bút phê bình mỹ thuật có trách nhiệm. Ông đặt nhiệm vụ người cầm bút cần tỉnh táo đánh giá tác phẩm, tư cách nghệ sỹ trong từng hoàn cảnh lịch sử, chiêm nghiệm từng thử thách, ứng xử văn hóa. Với khả năng dự báo cao về chuẩn mực và hướng đi của hội họa Việt Nam, ông đã vượt qua định kiến hẹp hòi về giá trị của nghệ thuật đương đại. 

Bằng chứng là, tại cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1976 có sự sum họp của anh em nghệ sỹ Bắc-Nam, bên cạnh niềm vui chung còn có những điều đáng tiếc. Tác phẩm “Cô gái và con chó trắng” của họa sỹ trẻ Lê Huy Tiếp mới đi học nước ngoài về sáng tác đã bị loại một cách oan uổng tạo nên dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. 

Rất may, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã có hẳn bài viết và cuộc tranh luận cởi mở về tác phẩm “Cô gái và con chó trắng” trên các tạp chí chuyên ngành. Ông nhận định đó là một tác phẩm được sáng tác theo xu hướng nghệ thuật cực thực và đó sẽ là một trong các hướng đi mới cần được các họa sỹ trẻ khai thác. Cũng nhờ sự động viên, khích lệ của ông, họa sỹ Lê Huy Tiếp đã có nhiều tác phẩm sơn dầu đẹp thuộc xu hướng nghệ thuật cực thực như: Chiến tranh, Quê hương, Trời và đất… được dư luận nghệ thuật tán thưởng.

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ với 75 tuổi đời, 55 năm dành tâm trí cho sáng tạo nghệ thuật, ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Tài sản họa sỹ để lại cho đời là các tác phẩm nghệ thuật đã đi vào lịch sử hội họa Việt Nam, là các trang viết phê bình già dặn, trí tuệ. Và trên hết, đức độ, tài năng khiêm nhường của ông sẽ luôn được các thế hệ họa sỹ sau này nhắc đến.