Ngẩn ngơ trước những ký họa vẻ đẹp của Hà Nội

ANTD.VN - Nếu xem những bức ảnh của Urban Sketchers Hanoi - người ta có thể ngẩn ngơ trước một con ngõ với những mái bạt xô nghiêng hay một góc phố chật chội, chằng chịt những dây điện… Vì dù xấu hay đẹp, dù ngay ngắn hay lộn xộn thì đó là thứ làm nên cái hồn của Hà Nội.

Ngõ Tạ Hiện, tác giả Nguyễn Hoàng Lâm

Ra đời vào tháng 9-2016, là một thành viên của Urban Sketchers Group, một tổ chức phi Chính phủ dành cho những người yêu thích ký họa, Urban Sketchers Hanoi hiểu nôm na là những người đi ký họa đô thị của Hà Nội.

Những nét vẽ chạy đua với thời gian

Cái hay của ký họa đó là ghi chép bằng hình ảnh, nhưng với mỗi người lại có cách truyền tải trên trang giấy khác nhau. Có người chỉ thích ký họa bằng chì, bằng dạ, có người chỉ mê đen trắng nhưng cũng có người thích phố phải hiện lên với đủ màu sắc, dáng vẻ.

Được khởi xướng bởi 4 kiến trúc sư Đinh Hải, Trần Thị Thanh Thủy, Nguyễn Hoàng Lâm và Bình Chu, Urban Sketchers Hanoi (USH) được lập ra nhằm vẽ lại những hình ảnh về cuộc sống, về công trình kiến trúc, những di tích lịch sử của Hà Nội, của Việt Nam. Trong đó có những công trình đã bị hư hại, xuống cấp, hoặc có thể bị phá hủy trong nay mai. 

Đó là bóng dáng những căn nhà cổ xiêu vẹo đang gồng mình trước thử thách của thời gian, những ngôi làng im lìm đang trong cơn lốc đô thị hóa, hay khu tập thể cũ với những bức tường ố vàng, những mái chùa cổ kính rêu phong…

Ghi lại những hình ảnh đó, Urban Sketchers Hanoi không mong muốn gì hơn ngoài nâng cao ý thức cộng đồng, người dân về giá trị đô thị, về ý thức chung tay bảo vệ những di sản của Thủ đô, của đất nước. 

Không chỉ những họa sỹ, những kiến trúc sư, những người làm di sản, rất đông sinh viên, nhân viên văn phòng và cả những người nước ngoài có niềm yêu thích với hội họa, muốn góp những hình ảnh đẹp về Thủ đô Hà Nội, về đất nước Việt Nam đã tham gia vào CLB. Từ những thành viên ban đầu, đến nay Urban Sketchers Hanoi đã thu hút hơn 500 thành viên. 

Đền Bạch Mã, tác giả Nguyễn Hoàng Lâm

Chậm lại để thấy cuộc sống đẹp hơn

Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị Trần Thị Thanh Thủy, một trong những người sáng lập CLB chứng kiến từng sự thay đổi nhỏ của Thủ đô: “Nhiều lúc đi trên đường, tôi giật mình nhìn lên tầng 2, tầng 3 của một căn nhà trên phố vì thấy nó đẹp quá. Tôi nhận ra nếu không vẽ lại, biết đâu một ngày chúng biến mất thì quả là đáng tiếc. Khi vẽ, tôi có thời gian ngồi ngắm từng ô cửa sổ, từng góc phố, từng con người của Hà Nội mà bình thường vì bị cuốn vào những bề bộn của cuộc sống tôi vô tình bỏ qua. Những người bán hàng rong, những xe chở hoa, những người bán rau, bán thịt, bán chuối, rồi những người xem bói dạo…, tất cả những cái đó như một “sân khấu của cuộc đời”.

Ký họa Thanh Xuân Bắc, tác giả Đinh Hải

Chị kể, có lần khi thấy chị ngồi ký họa ở góc phố Hàng Thiếc, có người dân sống ở đó đi qua trầm trồ: “Tôi sống ở đây từ bé, nhưng qua bức vẽ của chị tôi mới thấy nơi này đẹp như vậy”. Mà nào có gì đâu, góc phố ấy chỉ toàn bán những thùng tôn, nồi niêu, xoong, chảo… Thế mới biết, chẳng phải những công trình tráng lệ, bề thế, chính những gì thân quen, giản dị gần gũi nhất với cuộc sống lại dễ dàng chạm vào trái tim con người. 

Vườn hoa Diên Hồng (Vườn hoa con cóc), tác giả Trần Thị Thanh Thủy

Kiến trúc sư Đinh Hải, cũng là người đặt nền móng cho Urban Sketchers Hanoi đã dành 3 tháng để ký họa sông Vân, Ninh Bình. Bức ký họa của anh dài 27m, ghi lại cuộc sống của những gia đình dọc theo chiều dài 4km bờ sông. Sau này, khi sông Vân bị kè đá, cuộc sống “trên bến dưới thuyền” của họ không còn nữa. Khi xem bức tranh của anh, những người dân trước kia từng sinh sống ở đó đã cảm động đến rơi nước mắt… 

Chùa Huyền Thuyên, phố Hàng Khoai, tác giả Đinh Hải

Chị Trần Thị Thanh Thủy cho biết: “Là những kiến trúc sư, hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với những dự án, những công trình…, khi thấy những công trình bị phá bỏ rất tiếc. Bởi vậy, chúng tôi đang dự định vẽ một Hà Nội nguyên trạng và một Hà Nội không có những cái gì gọi là xấu xí, hỗn mang. Để khi mọi người nhìn vào, sẽ thấy thành phố của chúng ta sẽ đẹp bao nhiêu nếu chúng ta thay đổi, dù chỉ một chút thôi”.