Mường Mán và 5 “ngôi nhà” của mình

ANTĐ - Nhà văn Mường Mán là người đa tài. Nếu gọi ông là nhà văn thì hẳn nhiên rồi, vì ngay từ năm 1974, ông đã xuất bản hai tập truyện dài. Đó là cuốn “Lá tương tư” và “Một chút mưa thơm”. 

Những tác phẩm hội họa của nhà văn Mường Mán

Sau đó, ông cho ra mắt tới hơn hai chục tập truyện khác và trở thành một trong những tác giả ăn khách, với các tác phẩm viết cho “tuổi teen” như: “Ngon hơn trái cấm”, “Bâng khuâng như bướm”, “Thương nhớ người dưng”, “Mùa thu tóc rối”, “Trộm trái vườn người”, “Trăng không mùa”… Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn năm 1991, và 10 năm sau được trao giải thưởng của Hội với cuốn tiểu thuyết “Muối trăm năm”.  

Nếu gọi Mường Mán là nhà thơ thì cũng chẳng hề sai, bởi lẽ khởi đầu sự nghiệp văn chương, ông làm thơ là chủ yếu và còn nổi tiếng sớm hơn, từ năm 17 tuổi, nhờ bài thơ tình “Qua mấy ngõ hoa”. Năm 1995, ông xuất bản tập thơ đầu tiên, có cái tên rất gọn “Vọng”; Rồi mãi tới năm 2008, ông mới cho in tập “Dịu khúc”, gồm 100 bài lục bát…

Hoặc nếu xướng tên ông trong hàng ngũ những người biên kịch điện ảnh thì lại càng chuẩn, vì trong tay ông có tới mươi phim được công chiếu và cũng rất thành công. Đặc biệt ông có những phim rất nổi tiếng như “Người trong cuộc”, “Trăng không mùa”, “Gió qua miền tối sáng” (30 tập)…

Và, nếu nói ông đích thị là một “nhà” hội họa thì cũng rất thoả đáng vì nghề trình bày sách ở Công ty Văn hoá Phương Nam và vẽ tranh minh họa cho tạp san “Áo trắng” đã nuôi sống ông trong hơn mười năm trời cho đến khi về hưu năm 2007. Hơn nữa, ông lại mới mở cuộc triển lãm tranh “Đôi lứa và mặt đất muôn màu”, tại nhà hàng của gia đình, với hơn hai chục tác phẩm sơn dầu khá độc đáo qua phong cách trừu tượng, tạo được dư luận trong giới mỹ thuật.

   Ông còn là một “nhà” nữa, lại cũng rất hiên ngang như ai; đó là “nhà” doanh nhân. Hiện ông có một cửa hàng chuyên bán các món ăn của xứ Huế, quê hương ông. Ông lấy cái tên quán rất ngộ, chỉ có một chữ: “Ruốc”. Đây là tên của món mắm độc đáo chỉ có ở Huế. Cũng như bút danh của ông vậy - Mường Mán. Ông có tên cúng cơm là Trần Văn Quảng, nhưng cái máu giang hồ và lãng mạn luôn thường trực trong con tim; khi xúc động với một câu chuyện tình xảy ra tại ga Mường Mán, tỉnh Đồng Nai, trong truyện ngắn của Tô Thuỳ Yên, thế là ông ngẫu hứng lấy luôn cái tên Mường Mán để làm danh xưng cho các tác phẩm của mình; ngay từ những bài thơ đầu tiên in trên báo Văn, năm 1965, khi đó ông vừa tròn 18 tuổi.

Máu kinh doanh của ông và gia đình có từ khi còn trẻ. Theo như ông kể từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, cái đận gia đình ông lập nghiệp tại Cần Thơ, vợ ông đã từng buôn tem phiếu, còn ông nhận việc mua gạo đem đi bán ở các chợ… Mãi sau này được chuyển về TP Hồ Chí Minh, gia đình ông mới mở cửa hàng chuyên ẩm thực Huế.

Có chuyện một dạo, giá thuê cửa hàng tăng nhanh, ông có nguy cơ bị chủ nhà đòi lại mặt bằng, ông bèn kêu gọi anh em bạn bè mách cho địa điểm mới. Ông lại dùng thơ để rao trên mạng và gửi tới mọi người rằng:

“Bắc thang lên hỏi mặt trăng
Hằng nga ơi có mặt bằng cho thuê?”

Ông còn cho số điện thoại để ai tìm được báo cho biết. Thế rồi giời có mắt, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Mỗi ngày công việc làm ăn của ông càng vượng. Hiện cửa hàng ông có tới 50 món đặc sản của vùng cố đô xưa. Tất cả nguyên liệu chế biến, ông đều cho mua và chuyển từ Huế vào. Mùa nào thức ấy tươi ngon, thơm ngọt. Đặc biệt cửa hàng nổi tiếng với các món hến, cá ngạnh, hoặc cá mép gân bò, rượu làng Chuồn chính gốc quê, nơi ông sinh ra. Do vậy quán “Ruốc” chiều tối nào cũng đông khách, cho dù chỉ ở trong một con hẻm của phố Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận.

Thật thú vị, khi ông có cách tiếp thị và quảng cáo cho thơ của mình cũng rất “độc”. Nếu có thực khách nào thanh toán hoá đơn, từ 500.000 đồng trở lên là ông tặng tập thơ, kèm theo chữ ký của tác giả. Nhất là các khách Việt kiều, mỗi khi về nước đều tìm đến quán Huế của ông và mong được tác giả tặng sách, bởi có nhiều lớp người trước đây đều thuộc bài “Qua mấy ngõ hoa”. Trong số đó có không ít các quý ông, thời còn trẻ đã từng mang bài thơ này đi tỏ tình với các cô gái mình yêu, với những câu tình tứ: “Tay nhớ ai mà tay bối rối - Áo thương ai lồng lộng đôi tà - Đường về nhà qua mấy ngõ hoa  - Chớ có liếc mắt nhìn ong bướm…”. 

Giờ đây công việc của ông tại cửa hàng là tiếp khách, nói những câu chuyện về quê hương và tả những món ăn làm cho mọi người cứ xuýt xoa thắc thỏm. Họ như muốn nán lại để ngắm những cô gái đẹp và đầy bí ẩn trong tranh ông và nghe khúc tình ca dịu dàng lắng sâu của Trịnh Công Sơn, một người con của đất Huế cùng ông cả một đời tha hương luôn nhớ về quê mẹ…