Muốn nổi tiếng, phải được "đỡ đầu"

ANTD.VN - Trong khi nhiều nhà văn được các đơn vị xuất bản tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” vì thương hiệu và tiếng tăm trong giới văn chương thì cũng không ít cái tên chỉ sau một đêm đã vụt sáng trở thành ngôi sao dù những tác phẩm của họ… đọc rồi lại quên. Điều này cho thấy, để ra được sách, người viết cũng cần có quan hệ tốt với các nhà xuất bản. 

Muốn nổi tiếng, phải được "đỡ đầu"  ảnh 1

Tác giả mới muốn sách “ra sạp” cũng phải tìm được nhà xuất bản “mát tay”

Những “mối tình” bền chặt 

Lâu nay, chuyện tên tuổi các nhà văn chỉ gắn bó với một đơn vị xuất bản đã là chuyện không lạ. Có thể kể ra hai cái tên nổi bật nhất là Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư - được xem là những tác giả có bút lực dồi dào vào loại bậc nhất trên văn đàn hiện nay.

Nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh thì nhiều người biết đến việc từ lâu ông đã gắn bó với NXB Trẻ. Nếu không tính “Kính vạn hoa” (được NXB Kim Đồng ấn hành) thì hàng chục đầu sách do Nguyễn Nhật Ánh chấp bút như “Mắt biếc”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… đều được NXB Trẻ giới thiệu tới công chúng. Cứ mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh có cuốn sách mới, NXB Trẻ đều tổ chức sự kiện ra mắt sách ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì người hâm mộ xếp hàng dài để được xin chữ ký.

Nói không ngoa, sách của Nguyễn Nhật Ánh không cần “chào hàng” mà cứ nghe đến tên ông là độc giả phấn khởi bỏ tiền đi mua. Tác giả  bán được sách, NXB có lượng độc giả ổn định. Thế thì tội gì mà không “bắt tay”. 

NXB Kim Đồng cách đây 2 năm cũng đã ký hợp đồng độc quyền sử dụng 18 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng. Sau thế hệ của Đoàn Giỏi, Tô Hoài… thì văn học thiếu nhi gần như không có thêm được một cái tên nào thực sự xuất sắc như nhà văn Vũ Hùng.

Tập trung khai thác đề tài thiên nhiên, núi rừng, muông thú, nhà văn Vũ Hùng gần như chiếm vị trí độc nhất vô nhị trong làng văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Việc mang những tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng trở lại với độc giả được NXB Kim Đồng đánh giá là “khai quật một mỏ vàng đã bị phủ bụi nhiều năm qua” và điều này cũng củng cố thêm uy tín của NXB này trong địa hạt văn học dành cho thiếu nhi.  

Từ chối vì không thấy “tiềm năng”

Tất nhiên, cũng không ít trường hợp nhà văn được “đỡ đầu” nhờ những phi vụ ồn ào hơn là những yếu tố chuyên môn. Trang Hạ hay Gào với những phát ngôn “gây sốc” về nữ quyền hay gần đây là hiện tượng cô gái 27 tuổi có bút danh Mèo Xù với tuyên bố “không sex trước hôn nhân”.

Với trường hợp của Mèo Xù, nếu trước đây chẳng ai biết cô là ai thì chỉ sau một thời gian ngắn nhờ sự “mát tay” của Công ty Bách Việt, Mèo Xù đã kịp cho ra mắt 2 cuốn sách. Trong đó cuốn “Hạnh phúc không dành cho tình nhân” đã được tái bản. Thế mới thấy, chuyện bán sách đôi khi cũng chỉ nằm trong tay các nhà xuất bản. Hợp “gu”, đúng thời cơ, đúng thời điểm thì sẽ dễ có đầu ra. Còn không thì phải… chờ. 

Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học chia sẻ đã từng mất 2 năm kể từ khi viết tác phẩm “Gái điếm” mới có một đơn vị làm sách phát hành. Đơn giản vì những đề tài anh theo đuổi có phần gai góc, nghiêng về hiện thực xã hội lại không phải là ưu tiên của các nhà xuất bản lúc bấy giờ.

Anh cũng cho biết, không ít cây bút trẻ từng “ôm” bản thảo “gõ cửa” từng nhà xuất bản để được in nhưng năm lần bảy lượt đều bị từ chối. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học thì khi các công ty làm sách trước hết là đơn vị kinh doanh, nếu không nhìn thấy “tiềm năng” ở những người trẻ họ  sẽ từ chối.

“Tôi biết trường hợp có nhà xuất bản chỉ đồng ý in với số lượng rất ít, rồi đưa vào thư viện. Thế nên, nếu không đủ xuất sắc để bật lên thì rất khó lọt vào “mắt xanh” của các nhà xuất bản” - nhà văn Nguyễn Văn Học nhận định.