Nhà văn Nguyễn Văn Học: Nhớ những ngày "sống chung" với... gái bán dâm!

ANTD.VN - Xuất thân từ vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội nhưng với niềm đam mê văn chương đã tạo cho nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học bản lĩnh vượt lên được nhiều khó khăn, nhọc nhằn, cả những trớ trêu cám dỗ của cuộc sống. Từ đó những trang văn, trang đời có thêm những điều tươi mới, thú vị để khi nhìn lại, thấy thành tựu của anh thật đáng nể với hơn 20 đầu sách thơ văn, báo chí.

Kiên trì với đam mê 

Nguyễn Văn Học sinh ra ở một làng đầy nghèo khó chuyên trồng rau xanh thuộc huyện Phú Xuyên - Hà Nội. Cái làng mà trong mắt cậu bé Học chỉ thấy sự vất vả lam lũ, ngay cả những đứa trẻ như Học cũng phải luôn bận rộn phụ giúp bố mẹ.

Là con cả trong gia đình có 4 anh em, hoàn cảnh gia đình nghèo mà bố mẹ lại hay ốm đau nên Học đã phải chịu vất vả thiệt thòi hơn so với bạn cùng trang lứa.

Có lẽ chính cái màu xanh ngan ngát của những cánh đồng rau cùng sự nhọc nhằn của bố mẹ, của những người dân nơi đây đã hun đúc tình yêu văn chương trong cậu bé Học. Hiếm hoi lắm anh cũng có những buổi chiều ngắm mầu xanh của cánh đồng đang nhuộm ánh hoàng hôn.

Từ đó giúp Học có cảm xúc để từ đó gọt ghép thành những vần thơ chứa đầy tình cảm, sẻ chia với nỗi niềm của những người nông dân cơ cực trong đó có cả bố mẹ mình.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học

Với niềm yêu thích và có chút năng khiếu văn chương nên ngay từ nhỏ Học đã sáng tác và dấu ấn đầu tiên có lẽ là năm lớp 12 cậu đạt giải nhất cuộc thi viết truyện cấp trường. Tuy chỉ là ở quy mô rất nhỏ nhưng đây là niềm khích lệ rất lớn, để từ đó dấn thân cho đam mê.

Từ đó cậu có một ước mơ cháy bỏng được đi học đại học để có điều kiện học hỏi trau dồi vốn sống. Nhưng ở chốn quê nghèo này, thi đỗ và học đại học là điều quá xa vời. Ước mơ đỗ vào khoa Báo chí  ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn không thành, Nguyễn Văn Học đành theo học tại trường Trung cấp Du lịch chuyên ngành Lễ tân. 

Ra trường, anh làm đủ các nghề để kiếm sống, tự lập từ bảo vệ, tiếp viên… rồi nhờ trung tâm môi giới, anh được vào làm tại một… nhà nghỉ. Có lẽ chính anh cũng không nghĩ được rằng nơi đây đã cho anh thêm nhiều vốn sống, kinh nghiệm để sau này cho ra đời những tiểu thuyết chứa đựng những số phận đầy éo le, đáng thương của những con người dưới đáy xã hội, điển hình là tiểu thuyết: “Gái điếm”, “Những cô gái bất hạnh”...

Làm việc trong môi trường lúc nào cũng có những cô gái điếm, những bảo kê, những trò mua bán dâm đầy trần tục, lố lăng. Nguyễn Văn Học đã có văn chương làm bạn.

Có lẽ chẳng ai có thể hình dung ra được giữa chốn ồn ào, ô tục, nhơ nhớp ấy, lại có một thanh niên nhân viên nhà nghỉ thường chong đèn dưới nhà bếp hoặc trên tum để… viết văn.

Và chính những lúc rảnh rỗi, tâm sự với những cô gái bán dâm đã giúp anh có thêm nhiều chi tiết, vốn sống để đưa vào trong các tác phẩm. Các tác phẩm ấy vừa là hiện thực, vừa khơi gợi những giá trị đẹp, phẩm chất của những con người nghèo khổ, dưới đáy xã hội.

Với những vốn sống của mình đã thu lượm được trong những ngày bôn ba kiếm sống, Nguyễn Văn Học miệt mài viết và gửi đăng các báo. Nhà văn Phong Điệp là người nhận tác phẩm của Nguyễn Văn Học gửi cho tòa soạn báo Văn nghệ. Chị rất cảm kích và trân trọng sự kiên trì bền bỉ của Học.

“Văn chương không phải là con đường dễ dãi, thuận lợi. Người xưa đã nói thành công ở đây chiếm đến 90% là lao động và còn lại là tài năng, năng khiếu”, Học tâm sự.

Và để theo đuổi ước mơ, đam mê văn chương, Nguyễn Văn Học miệt mài vừa viết vừa mưu sinh, và thi vào khoa Sáng tác – Lý luận và Phê bình văn học của trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du.

Và tại đây, Học được bồi dưỡng và tiếp xúc nhiều với các nhà văn, nhà thơ, có được một môi trường bồi dưỡng văn chương lý tưởng, cùng với vốn sống của mình, Nguyễn Văn Học đã cho ra đời và được đăng nhiều tác phẩm trên báo chí khiến bạn bè trong khoa rất nể. 

Viết để sống và có tâm với nghề

Với mỗi người đều có một nghề nào đó để kiếm sống. Có thể với ai đó sẽ kiếm những nghề thời thượng hoặc hái ra tiền nhưng theo Nguyễn Văn Học tâm sự, không một nghề thời thượng nào có thể lôi kéo anh được ngoài nghề viết, và nếu có phải theo một nghề khác.

Chính vì vậy mà anh vừa làm báo, vừa viết văn. Hiện Nguyễn Văn Học là phóng viên của một tờ báo lớn. Với anh viết báo để nuôi văn và làm báo giúp anh có thêm nhiều vốn sống hơn, trải nghiệm hơn để có thêm những chi tiết, chất liệu cho văn học. 

Và với nghề báo, anh chứng tỏ mình bằng sự dấn thân, không nề hà khó khăn trở ngại, anh sẵn sàng đi về những vùng đất xa xôi hẻo lánh của những vùng cao, vùng biên giới để tìm những đề tài độc đáo, mới lạ cho thể loại phóng sự để chia sẻ với những khó khăn của những vùng sâu vùng xa.

Anh đi vào các trại giam, những vùng quê có những hoàn cảnh, phận đời éo le, bất hạnh, khó nhọc  để phản ánh và cho ra đời những phóng sự sắc bén đầy hiện thực, hấp dẫn. 

Được tiếp xúc và có dịp đi tác nghiệp cùng anh mới thấy anh có nhiều đức tính, phẩm chất đáng để học tập. Anh là người rất nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo, truyền kinh nghiệm, sự nhiệt huyết cho các lớp đàn em mới vào nghề. Anh luôn tâm niệm phải lăn xả vào đời sống mà viết và viết bằng ngòi bút chân chính chứ không hề dựa vào danh phóng viên, nhà báo để mà kiếm tiền một cách không chính đáng.

Hay trong nghề, Học luôn đặt ra cho mình một kỉ luật để viết một cách nghiêm túc, không bao giờ thỏa mãn với chính mình và luôn cố gắng làm được nhiều hơn những gì đã đạt được.

Với văn chương, anh thai nghén, ấp ủ nhiều cốt truyện hay, độc đáo, luôn tìm tòi, sáng tạo những cách viết, thể hiện mới lạ, hấp dẫn để không lặp lại chính mình. Bởi anh luôn tự ý thức rằng văn chương mà không chịu đổi mới, không thể khác đi thì nghĩa là chết, chấp nhận thất bại.

Các tác phẩm của Học luôn phản ánh một hiện thực xã hội chất chứa đầy những ưu tư, trăn trở, những mối lo, nguy cơ về những sự tha hóa, đổ vỡ, bất công… có thể kể đến một số tiểu thuyết như: Bão người; Hỗn danh, Hoa giang hồ, Khi vết thương nằm xuống…

Với năng khiếu và sự lao động cần mẫn, nghiêm túc, anh cho ra đời nhiều tác phẩm ở các thể loại từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, bút kí, phóng sự… Mới đây anh đã cho xuất bản tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng”.

Bằng một phong cách sáng tạo đan xen giữa hiện thực và huyền ảo, Nguyễn Văn Học đã tạo nên một câu chuyện rất đời nhưng cũng đầy tính dự cảm về tương lai của người nông dân. Đó là những suy nghĩ trăn trở của một tác giả có tâm hồn nhạy cảm và vốn sống dày dặn. “Vết thương hoa hồng” là tác phẩm viết về nông thôn và nông dân đáng đọc và suy ngẫm.

Hơn lúc nào hết, nhà văn Nguyễn Văn Học luôn ý thức được rằng, nghề viết giúp cho anh thoát khỏi sự bất hạnh, khổ cực và những cám dỗ, đồng thời cho anh được giải tỏa những nỗi đắng cay và nói lên tiếng nói của người cầm bút.

Hiện anh đang viết cuốn tiểu thuyết mới, về sự cống hiến và nỗi trăn trở của người trẻ trong cuộc sống hôm nay, góp phần làm lan truyền những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Vâng, anh sẽ tiếp tục, dấn thân và đi tìm.

Các tiểu thuyết đã xuất bản của Nguyễn Văn Học:

Những cô gái bất hạnh (NXB Lao động 2007); Gái điếm (NXB Văn Học 2008); Đường dài của hạnh phúc (NXB Công an nhân dân 2008); Rơi xuống vực sâu (NXB Công an nhân dân 2009); Bão người (NXB Công an nhân dân 2009); Cao bay xa chạy (NXB Hà Nội 2010); Hỗn danh (NXB Hội Nhà văn 2011); Hoa giang hồ (NXB Văn học 2011); Khi vết thương nằm xuống (NXB Văn  học 2013).