Nhạc sĩ Trần Chung:
Mùa xuân gửi lại cuộc đời...
(ANTĐ) - Tuổi Đinh Mão, mang mệnh Lô Trung Hỏa mà người xưa vẫn nói vui là nóng như “lửa trong lò” nhưng cố nhạc sĩ Trần Chung lúc sinh thời lại điềm đạm và nhẹ nhàng hiếm có. Những giai điệu của ông cũng vậy, không ồn ào lên gân mà bình dị và tự nhiên như chính con người ông. Bức chân dung rất đời mà rất thơ ấy đã được phác họa lại trong chương trình “Con đường âm nhạc” diễn ra vào tối 13-2 tại Hà Nội.
Giới trong nghề cùng thời với nhạc sĩ Trần Chung vẫn gọi ông là một người... tần tảo. Sở dĩ vậy bởi lúc còn sống, ông chẳng ngại ngần vào bếp đỡ đần vợ con chuyện cơm nước. Nấu cơm, luộc rau, rán đậu... tự tay ông làm tất. Vừa nấu cơm, ông lại vừa ê a hát. Và cũng chính từ những lần ê a trong căn bếp nhỏ ấy, nhiều giai điệu bất hủ gắn liền với tên tuổi Trần Chung đã lần lượt ra đời, nhiều bài hát còn chưa lên khuông nhạc nhưng mọi người trong nhà đã thuộc làu làu, trong đó có ca khúc “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”. Điều đáng nói là những câu hát rạo rực như chứa cả mùa xuân ấy lại ra đời giữa thời kỳ bao cấp đầy khó khăn những năm 80 cuối thế kỷ XX. Nói vui như lời nhạc sĩ Văn Dung thì: “Mỗi gia đình tết đến theo tem phiếu được 2 cái bánh chưng với 10gam mì chính, thế mà không biết nghĩ thế nào ông ấy lại hồn nhiên viết... “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”.
Cố nhạc sĩ Trần Chung (phải) và người đồng nghiệp thân thiết - nhạc sĩ Văn Dung |
Còn rất nhiều câu chuyện thú vị nữa về người cố nhạc sĩ tài ba này mà ít người biết đến, nhưng bất ngờ hơn cả là việc ông chưa đặt chân đến dãy Trường Sơn bao giờ nhưng lại sáng được hai ca khúc bất hủ về Trường Sơn là “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” và “Bài ca Trường Sơn”.
Chuyện kể rằng năm 1967 khi đi thực tế ở dãy núi Yên Tử, Vàng Danh (Quảng Ninh) để sáng tác về ngành địa chất, ông gặp một đoàn chiến sĩ đang hành quân, trên vai đeo những chiếc ba lô đựng gạch trĩu nặng. Thấy vậy nên ông lại gần hỏi chuyện mới biết họ đeo gạch trên người để rèn luyện sức khỏe, coi như đang hành quân trên Trường Sơn.
Đến Xuân Mai (Hòa Bình) ông cũng bắt gặp cảnh này. Cũng chính từ những lần gặp gỡ ấy, trong tiềm thức của ông đã in sâu hình ảnh về những người chiến sĩ Trường Sơn, cho đến khi bắt gặp hai bài thơ về Trường Sơn của tác giả Trung Thu và Gia Dũng thì những lời thơ mộc mạc ấy rất tự nhiên đã cất lên thành những giai điệu đẹp.
Những người bạn một thời của nhạc sĩ Trần Chung đến giờ vẫn nói vui ông nhiều bạn lắm, đếm không xuể, chưa kể bạn đời và bạn nhạc. Ấy là bởi ông sống rất giản dị, đôn hậu và trầm tĩnh dễ gần nên đi đến đâu có bạn đến đấy. Có lẽ vì thế mà những sáng tác của ông dung dị đến đỗi lạ thường.
Suốt cả cuộc đời mình, nhạc sĩ Trần Chung chỉ có một ca khúc duy nhất viết về tình yêu đôi lứa và những xúc cảm rất riêng. Đó là ca khúc “Hay chỉ là giấc mơ thôi” - ca khúc thứ 101 và cũng là sáng tác cuối cùng trong bộ sưu tập âm nhạc của ông. Ít ai ngờ rằng giai điệu bay bổng với lời ca tràn đầy nhựa sống trong ca khúc ấy: “Ta đã trông thấy gió hôn cây/ Ta đã trông thấy núi hôn mây/ Và ta đã trông thấy mặt trời hôn biển/ Khi ta đã hôn em trong chiều nay” lại được ông sáng tác trong những ngày tháng cuối cùng nằm trên giường bệnh. Khi ấy, ông từng tâm sự rằng cuộc đời này chỉ là một giấc mơ mà giấc mơ lớn nhất của đời mình là được sống thanh bình giữa cuộc đời.
Rất hiếm tư liệu về người cố nhạc sĩ tài ba bởi lúc sinh thời ông vốn dĩ không thích nói điều gì nhiều về mình, song bức chân dung về ông vẫn được phác họa rất đời, rất thơ trong chương trình qua ký ức của bạn bè và những người yêu nhạc. Một mùa xuân mới lại đến và nhớ ông, người ta vẫn hát: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó...”.
Ngọc Hà