Đêm trình diễn “Hương sắc Hà Nội” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám:

Mang đậm hơi thở truyền thống và thời đại

ANTĐ - Đêm 10-10, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ diễn ra chương trình cầu truyền hình “Hương sắc Hà Nội”, một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chương trình nghệ thuật do Sở VH-TT&DL Hà Nội cùng Trung tâm Văn hóa Kim Đồng tổ chức là sự kết hợp giữa âm nhạc, nghệ thuật múa và trình diễn thời trang áo dài. Chương trình do nhà biên kịch Phan Huyền Thư và đạo diễn NSƯT, NTK Đức Hùng phối hợp thực hiện. PV ANTĐ đã có cuộc trao đổi với NSƯT Đức Hùng.
Mang đậm hơi thở truyền thống và thời đại ảnh 1
Phối cảnh sân khấu với thiết kế hồ sen 


- PV: Âm nhạc, múa và thời trang sẽ kết hợp với nhau trong “Hương sắc Hà Nội” thế nào, thưa anh?

- NSƯT Đức Hùng: Đây là một chương trình thời trang nghệ thuật sắp đặt và tương tác, tạo ra một không gian sống động, một chương trình nghệ thuật phác họa sinh động về những giá trị nghệ thuật và phi vật thể của Hà Nội. Các nhà thiết kế thời trang, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nghệ nhân làng nghề, diễn viên trình diễn được kết hợp với nhau uyển chuyển, liên hoàn trong thời lượng 135 phút để từ đó tôn vinh được những nét tinh hoa nhất của hương sắc Hà Nội.

Mang đậm hơi thở truyền thống và thời đại ảnh 2

- Cơ duyên nào dẫn anh từ một NTK thời trang sang làm đạo diễn cho chương trình này?

- Đó là ý tưởng kịch bản của nhà thơ, nhà biên kịch Phan Huyền Thư thực sự đã đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Một lễ hội áo dài gắn liền với sự ra đời, kết tinh, tỏa sáng của các làng nghề truyền thống Hà Nội. Khi dàn dựng chương trình này tôi để mạch kịch bản kết nối với nhau. Đây sẽ là chương trình mà MC ít phải nói nhất, thay vào đó là dẫn bằng thơ. Đó là chất của kẻ sĩ Bắc Hà, lãng mạn, hào hoa và cực kỳ sâu sắc. Đây cũng là chương trình mà cặp đôi MC Diễm Quỳnh, Anh Tuấn tái xuất sau thời gian vắng bóng trên các chương trình nghệ thuật, giao lưu.

 - Anh làm thế nào để sân khấu thỏa mãn được cả 3 phần trình diễn thời trang, ca nhạc và múa?

- Sẽ là một hình ảnh sân khấu với thiết kế hình chữ Y. Đó là cách mà những người thực hiện chương trình muốn thể hiện tình yêu với Hà Nội, lại cũng muốn làm để “không đụng hàng”. Chúng tôi cũng sẽ thiết kế một sân khấu với hình dáng như một hồ sen. Lần đầu tiên nghệ sĩ sẽ múa dưới hồ nước với bạt ngàn hoa sen tỏa hương thơm ngát.

Mang đậm hơi thở truyền thống và thời đại ảnh 3
Hoa hậu Thùy Dung trong một mẫu thiết kế áo dài của NTK Đức Hùng

- Văn hóa truyền thống sẽ được truyền tải vào các tiết mục nghệ thuật như thế nào?

- Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu chương trình phải mang đậm hơi thở truyền thống và thời đại, thành quả lao động nghệ thuật và tinh thần nhân văn của Người Hà Nội, thành phố biểu tượng của hòa bình, trái tim nhân văn của cả nước, trí tuệ của dân tộc. Một số nghề thủ công truyền thống sẽ được tôn vinh như nghề lụa Vạn Phúc, nghề mây tre Phú Vinh, nghề thêu Thường Tín, nghề rèn, chạm khắc, khảm trai, tranh Hàng Trống cùng cả gốm sứ Bát Tràng, chuông đồng Ngũ Xã… Thông qua bộ sưu tập áo dài của một số nhà thiết kế, khán giả sẽ thấy dù là truyền thống nhưng lại cực kỳ hiện đại, ví dụ như nghề truyền thần chẳng hạn. Việc in chân dung lên trang phục giờ đang là xu hướng thời trang thế giới, hay những màu sắc sặc sỡ của tò he cũng liên quan đến trào lưu “colour block” được nhiều người ưa chuộng. Hóa ra truyền thống của Việt Nam lại cực kỳ hiện đại. 

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.