Áo dài “kể chuyện” cổ xưa

ANTĐ - Phục dựng những mẫu lụa, đũi, những hoa văn cổ gần như đã thất truyền, thạc sỹ - NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà và các học trò đã thực sự làm người xem ngỡ ngàng khi được tận mắt chiêm ngưỡng những bộ áo dài theo phong cách cổ điển từng xuất hiện trên những bộ phim của màn ảnh Việt Nam. 
Áo dài “kể chuyện” cổ xưa ảnh 1
Áo dài dạ của cụ Đặng Thị Lân được may từ những năm 40 thế kỷ XX 

Tái hiện không khí cổ xưa

Đến xem triển lãm “Áo dài Việt - Hương sắc thời gian”, người xem bắt gặp những tà áo dài mộc mạc, giản dị lạ mà quen. Lạ vì có khi đây là lần đầu tiên người xem có dịp được nhìn tận mắt những bộ áo dài cổ xưa từ thế kỷ trước, quen vì những phục trang ấy hóa ra đã từng xuất hiện trên những thước phim đắt giá của màn ảnh Việt. Đó là những bộ phim như “Long Thành cầm giả ca” (2009), “Lều chõng” (2009), “Trò đời” (2012) và mới nhất là “Người cộng sự” (2013) mà nhờ những phục trang đã góp phần không nhỏ vào việc tái hiện bối cảnh thời kỳ cuối xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX, khi truyền thống văn minh lúa nước đứng trước sự du nhập của nền văn minh phương Tây vào đầu thế kỷ XX. Đó là chiếc áo dài tiến sỹ (còn gọi là Trạng nguyên) với chất liệu xatanh màu lam xuất hiện trong bộ phim “Lều chõng”, bộ áo dài nữ bằng voan nhung đỏ sang trọng, quý phái trong bộ phim “Trò đời” hay bộ áo vạt hò, quần “chân què” lạ mắt bằng chất liệu đũi thô đã từng xuất hiện trong dự án phim hợp tác Việt - Nhật đình đám “Người cộng sự”…  

Áo dài “kể chuyện” cổ xưa ảnh 2
“Áo Tiến sỹ” trong phim “Lều chõng” 

Không chỉ phục dựng những bộ áo dài để đưa lên màn ảnh, bộ sưu tập còn giới thiệu những chiếc áo dài nguyên bản được lưu giữ từ hàng chục năm về trước. Nổi bật đó là hai tấm áo dài dạ của cụ Đặng Thị Lân, tiểu thư con chủ hiệu vải Thiện Tường số 56 Hàng Đào, được may từ những năm 40 của thế kỷ XX. Nhìn những bông hoa nhỏ li ti được thêu tay trên chất liệu dạ mỏng, nhẹ, mát đơn giản nhưng nhã nhặn, tôn lên dáng dấp thanh lịch, kín đáo của người phụ nữ kinh kỳ mới thấy được sự dụng công, tài hoa của những người nghệ nhân đã bỏ công sức làm nên chiếc áo này. 

Duyên dáng đất kinh kỳ

Để có được những phục trang phù hợp với không khí, bối cảnh xưa cũ của xã hội Việt Nam những giai đoạn trước đây, những nhà thiết kế, họa sỹ phục trang đã phải làm việc rất khổ công để cho ra đời những sản phẩm hoàn chỉnh, ưng ý nhất. thạc sỹ, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng khoa Thời trang, ĐH Sân khấu Điện ảnh đã cùng học trò làm việc miệt mài nhằm phục dựng, tái tạo những bộ áo dài theo yêu cầu khắt khe của các đạo diễn. Trong số những sản phẩm đã từng thực hiện, bộ áo tiến sỹ trong phim “Lều chõng” được cho là kỳ công hơn cả. Chị tâm sự, để tái hiện không khí các sỹ tử đi thi, chị đã phải vào Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xin mẫu gốc, rồi nhờ các nghệ nhân làm lại đúng như mẫu. Riêng áo của quan thì kiểu dệt cài hoa gần như thất truyền, trong khi đặt dệt ở nước ngoài rất khó.

Áo dài “kể chuyện” cổ xưa ảnh 3
Áo dài nữ trong phim “Trò đời”

Để dệt mẫu áo vải này phải sử dụng loại khung cửi riêng, với họa tiết triện tròn lớn đường kính 20cm và mất gần 1 năm để khôi phục lại theo trí nhớ các nghệ nhân cao tuổi làng La Khê. Cũng theo NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, sự tinh tế, tỉ mỉ được thể hiện ở chỗ các nghệ nhân may chỉ đủ vải cho một tấm áo, trong đó từng đường kim, mũi chỉ cho đến việc nhuộm cho ra được màu theo đúng sắc độ, theo đúng màu bông hoa đều được làm thủ công. 

Và không khó nhận ra trong bộ sưu tập những chiếc áo dài cổ xưa, đó là nét duyên dáng, thanh lịch rất riêng của phụ nữ Thăng Long kinh kỳ. Chiếc áo dài vốn không phải riêng phụ nữ Hà Nội, khi áo dài Huế, áo dài Sài Gòn cũng nức tiếng là duyên dáng, đằm thắm. Nhưng nhìn chiếc áo dài trong “Áo dài Việt - Hương sắc thời gian”, ta cảm nhận rất rõ những tinh hoa được hội tụ, đúc kết trong những tà áo của những phụ nữ Hà thành, dù đó là những phụ nữ quý tộc, hay những thiếu nữ xuân sắc.