Mai một làng nghề nghìn tuổi

ANTĐ - Đã là người Vọng Nguyệt thì ai cũng biết trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén. Nhưng đó là chuyện của quá khứ, làng nghề truyền thống, tồn tại nhiều thế kỷ nay đã bị mai một trước cơn lốc thị trường. Chỉ ít  năm trước thôi, từ đầu làng cuối xóm luôn lách cách tiếng quay tơ, thì nay thay bằng những âm thanh chát chúa của máy xẻ gỗ…

Dàn máy quay tơ nhà ông Hành phủ bạt từ rất lâu không sử dụng

Đã từng “chết đi, sống lại”

Theo ghi chép của làng thì nghề tơ tằm xuất hiện ở Vọng Nguyệt - huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tính đến nay cũng gần 1.000 năm. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, nghề tơ tằm ở ngôi làng nhỏ này cho đến nay đã có nhiều thay đổi. Đã từng có thời gian rất dài trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nghề này không có điều kiện phát triển. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, những con người tâm huyết của làng như cụ Ngô Văn Thị, Chu Văn Biền đã có công gây dựng, làm sống lại nghề. Nhớ lại cái thời phục sinh nghề cũ, cụ Ngô Văn Thị đăm chiêu, đó là những ngày tháng cực kỳ khó khăn, từ việc vận động cho tới sản xuất, mãi sau rồi, các hộ dân trong làng nhìn thấy những người đi trước thành công, lúc đó mới yên tâm học hỏi và làm theo. Đến khi xóa bỏ bao cấp, chuyển sang kinh thế thị trường, nghề  trồng dâu nuôi tằm bắt đầu bước vào thời kỳ hoàng kim. Trước đây, nghề này đã nuôi sống người dân Vọng Nguyệt, cả làng khi đó có khoảng 300- 400 hộ làm nghề. Nhưng giờ,  làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một do không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa nhập ngoại. Làng Vọng Nguyệt giờ luôn ầm ĩ bởi tiếng cưa của hàng loạt xưởng gỗ trong làng. 

Cứu nghề thế nào

Ông Ngô Văn Tiền cho biết: Từ năm 2004 đến nay, nghề tơ tằm bắt đầu suy thoái. Trước kia cả làng có gần 400 hộ sản xuất nhưng hiện nay chỉ còn vài chục hộ đủ sức và nhẫn nại theo được nghề. Làng chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các đầu mối ở Nội Duệ (Tiên Du) rồi xuất khẩu sang Lào và Thái Lan. Đến làng Vọng Nguyệt bây giờ hiếm lắm mới gặp người quay tơ. Máy móc phục vụ sản xuất đều bị “đắp chiếu”, bụi phủ dày. Nghề không nuôi sống được gia đình, vì thế cũng không ai còn tha thiết,  đàn ông trong làng chuyển sang làm thợ xây, làm gỗ… Thanh niên đua nhau làm công nhân ở các khu công nghiệp quanh thành phố Bắc Ninh.

Những cuộn tơ hiếm hoi được sản xuất tại làng Vọng Nguyệt

Men theo con đường làng chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Văn Vĩnh, một trong những người cuối cùng của Vọng Nguyệt còn kiên tâm theo nghề. Nhà ông  hiện trồng một mẫu dâu, nhưng nuôi lứa tằm nào hỏng lứa đấy, ông phải sang tận Thái Bình mua con giống với giá hơn 400.000 đồng/kg. Năm ngoái, nhà ông Vĩnh lỗ 10 triệu đồng tiền mua tằm giống, đấy là không tính đến tiền công trồng dâu, hái dâu và chăm sóc tằm.

Ông Vĩnh chia sẻ: “Nghề chăn nuôi tằm ngày càng gặp nhiều rủi ro dịch bệnh, bởi vậy, phần lớn người dân ở đây bỏ nghề, diện tích trồng dâu cũng ngày càng thu hẹp.” Trong làng, giờ còn hộ gia đình ông Ngô Văn Hành là cơ sở ươm tơ, kinh doanh tơ lớn và duy nhất còn sót lại của làng Vọng Nguyệt. Nhà ông hiện có 2 dàn máy quay tơ công nghiệp mỗi ngày sản xuất khoảng 300kg tơ, tạo việc làm cho 8-10 lao động trong thôn. Ông Hành kể, trước đây sản xuất tơ từ loại kén vàng truyền thống, nên ông chuyên thu mua kén từ các hộ trong làng. Ngày nay, ông chỉ nhập loại kén trắng về để kéo tơ. Làng Vọng Nguyệt không ai nuôi loại tằm kén trắng, nên nguyên liệu kén phải đi thu mua ở các địa phương khác: Vĩnh Phúc, Yên Bái… Tằm cho kén trắng là giống tằm lai có xuất xứ từ Trung Quốc, ở Việt Nam không có giống này. 

Một làng nghề có tới gần 1.000 năm hình thành và phát triển, từng có quá khứ huy hoàng, giờ trước cơn lốc thị trường nghiệt ngã, cứ dần lụi tàn đi, những người còn tâm huyết với nghề thì đau đáu xót xa, nhưng cũng đành bất lực. Người Vọng Nguyệt cũng muốn giữ nghề, phát triển nghề nhưng cách nào thì đó còn là câu hỏi, chưa có lời đáp.