Lớp học nhạc ở Hà Nội xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau giải phóng Thủ đô 1954, nhiều nhạc sĩ Hà thành mở lớp dạy nhạc tại gia như nhạc sĩ Hoàng Giác, Đỗ Liên, Đoàn Chuẩn, Tô My, Tạ Tấn, Ngọc Bích… Ấy là những cái tên lẫy lừng, đã có thâm niên dạy nhạc từ thời Pháp còn chiếm đóng Hà Nội.
Trường Âm nhạc Việt Nam thời kỳ đầu tại 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Trường Âm nhạc Việt Nam thời kỳ đầu tại 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Những ngày đầu tiên

Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, đầu tiên đóng tại 32 phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) với đội ngũ giáo viên là những nhạc sĩ từ kháng chiến trở về. Mấy năm đầu, trường chiêu sinh rất khiêm tốn, chủ yếu chỉ tuyển học viên cho bộ môn thanh nhạc, trong khi nhu cầu học nhạc của thanh niên Thủ đô lại rất lớn. Vì thế, nhiều lớp dạy đàn tư nhân được mở ra, nhất là các lớp học guitar. Bên cạnh đó, một vài nhạc công có tuổi trong ban nhạc nhà thờ cũng thức thời đi dạy thêm các môn kèn trumpet, trombone, clarinet, violin, accordeon…

Các nhạc sĩ Hoàng Giác, Hoàng Kim mở lớp ngay tại nhà trên phố Hàng Bạc, mỗi buổi học 2 tiếng, có từ 3 - 4 học sinh, tuổi khoảng 15-16. Học sinh đa phần dùng đàn guitar cũ, bạc hết cả vecni, nhiều chiếc còn gắn sơn ta ở cần, trước mặt là giá để vở nhạc bằng sắt có thể nâng lên, hạ xuống tùy độ cao thấp. Lớp học của thầy Hoàng Giác luôn có hơn chục cây guitar treo trên tường do các xưởng đàn Tạ Tấn, Kim Thanh… sản xuất. Vào giờ học, thầy Hoàng Giác sẽ ngồi cạnh học sinh để chỉ dẫn từng động tác, từ thế tay đến phím bấm và thường thì bài vỡ lòng đầu tiên bao giờ cũng là “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao.

Cũng trên phố Hàng Bạc (đoạn gần Hàng Mắm) là lớp của nhạc sĩ Đỗ Liên (nhạc sĩ Đỗ Liên là em rể nhạc sĩ Hoàng Giác). Trong khi anh vợ dạy guitar thì nhạc sĩ Đỗ Liên dạy contrebass, đàn hawaii và guitare gỗ. Ông từng là nhạc công chơi contrebass từ trước giải phóng Thủ đô trong các buổi hòa nhạc thính phòng, vũ trường, quán bar và biểu diễn trước giờ chiếu phim tại các rạp cùng ban nhạc đàn dây… Nhạc sĩ Đỗ Liên là người hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, một thầy dạy nhạc mẫu mực và nhiệt tình với học sinh. Ngày ấy tôi cũng vác contrebass đến học. Những ngày đầu bập bõm, ông dạy bảo tôi tận tình về bộ môn đàn dây contrebass.

Văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong kháng chiến 1945-1954

Văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong kháng chiến 1945-1954

Nếu là người không kiên trì thì có lẽ đã bỏ học ngay từ đầu vì contrebass là nhạc cụ chủ yếu đi bè trầm đệm cho dàn nhạc, 4 dây đàn to hơn chiếc nan hoa xe đạp. Mỗi lần “pích” vào dây, nhạc nhẽo chẳng ra hồn, chỉ thấy phát ra âm thanh đơn điệu đến mất cả hứng, chưa kể sau mỗi buổi tập, mấy ngón tay phồng rộp lên. Nhưng sau vài tháng học, thấy thầy đánh đàn hawaii cho contrebass phối theo, lúc này mới biết giá trị âm thanh của phần bass đàn dây, nhất là khi học sang phần dùng cây vĩ kéo các bản nhạc cổ điển soạn cho contrebass thì càng hào hứng hẳn lên. Nhạc sĩ Đỗ Liên đông học trò vì dạy được nhiều loại nhạc cụ, lại còn kèm cặp đến nơi đến chốn. Thi thoảng thầy trò lại cùng nhau hòa tấu theo những bản nhạc do chính nhạc sĩ sáng tác khiến học sinh càng thêm phấn chấn.

Nhạc sĩ Hoàng Giác

Nhạc sĩ Hoàng Giác

Dấu ấn mang theo

Sau này, Trường Âm nhạc dân lập Hà Nội được thành lập tại số nhà 19 Điện Biên Phủ (Ba Đình), quy tụ nhiều nhạc sĩ, nhạc công có trình độ chuyên môn cao. Ví dụ như bộ môn violin được thầy Duyệt là tay vĩ cầm lâu năm trong ban nhạc nhà thờ đứng lớp. Thầy Duyệt năm ấy đã ngoài 60 tuổi, đồng thời là người quản lý, trông coi nhà trường. Học sinh thời bấy giờ vẫn nhớ mãi hình ảnh độc nhất vô nhị của thầy Duyệt luôn mặc áo dài trắng, quần trắng, mái tóc cũng bạc trắng, chân đi guốc mộc. Thầy rất nghiêm khắc với học sinh nên chẳng ai quên được.

Bộ môn piano thì có giảng viên Thái Thị Sâm, một nữ nghệ sĩ gốc Hà thành, xinh xắn, cao ráo, phục sức rất đẹp khiến ai nấy đi qua đều phải ngoái lại nhìn. Các giáo viên dạy đàn ngày ấy phần lớn đều là những thành viên có thâm niên trong các ban nhạc của Hà Nội từ trước ngày giải phóng Thủ đô, như ban Tuổi Trẻ, Thăng Long, Hướng đạo sinh, hay các nhạc sĩ tên tuổi khác như nhạc sĩ Ngọc Bích dạy violin, nhạc sĩ Tạ Đắc, Hoàng Minh dạy guitar, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thọ dạy đàn hawaii, nhạc sĩ Lê Thăng dạy accordeon…

Cô giáo dạy nhạc cho học sinh thời bao cấp

Cô giáo dạy nhạc cho học sinh thời bao cấp

Riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì vừa dạy nhạc ở trường vừa mở lớp đàn tư tại nhà riêng tại phố Cao Bá Quát. Học sinh nghe danh thầy đăng ký ầm ầm. Có những nữ công nhân tận Nhà máy thuốc lá Thăng Long vì mê tiếng đàn hawaii mà lặn lội tìm đến thầy để học. Lúc ấy, Hà Nội duy nhất chỉ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là có cây hawaii điện 2 cần. Sau mỗi khóa học của thầy, nhiều học trò đã thành danh như cô Xuyến phố Hàng Đào, Trần Quý ở Đinh Tiên Hoàng, Duy Long phố Lò Đúc… Những học sinh này dần trưởng thành, lập nên các câu lạc bộ đàn dây và tham gia biểu diễn trước công chúng trong các kỳ liên hoan, lễ hội…

Những năm 60-70 của thế kỷ trước, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Thủ đô Hà Nội được phát động sôi nổi. Các nhà máy, xí nghiệp, trường học náo nức trước các kỳ hội diễn thành phố, toàn quốc. Trong bối cảnh ấy, những tay chơi đàn nghiệp dư được nhà máy, xí nghiệp cử đi học tại các trường nhạc dân lập và các lò đào tạo tư nhân rồi về phục vụ phong trào văn hóa nghệ thuật cơ sở, mang về vô số giấy khen, huy chương…

Những cái nôi đào tạo ấy cũng đưa nhiều thí sinh trúng tuyển Học viện Âm nhạc Việt Nam để sau này trở thành những nhạc công chuyên nghiệp. Nhiều trò thành danh, nhưng các thầy thì đã đi xa mãi. Dẫu vậy, ký ức về những người thầy đầu tiên vẫn còn phảng phất mãi trên từng phím nhạc, cung đàn, bởi tay chơi nhạc nào cũng đều có một người thầy để mà chịu ảnh hưởng vậy.