Máy nước và nước máy ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuối thế kỷ 19, để phục vụ cho cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp bắt đầu đưa những máy móc, thiết bị tân tiến vào Việt Nam. Những máy móc này ban đầu vốn chỉ có tên tiếng Pháp và khá xa lạ với người Việt. Do đó, trong muôn vàn những từ ngữ mới xuất hiện theo kiểu “nhìn mặt đặt tên” có 2 từ “nước máy” và “máy nước”.
Vòi nước công cộng thời bao cấp

Vòi nước công cộng thời bao cấp

Những ngày đầu tiên

Năm 1882, thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội, sau khi thiết lập bộ máy cai trị thì đến năm 1894 chính quyền thực dân bắt đầu xây dựng thành phố và phát hiện ra một túi nước khổng lồ. Từ đó đề án xây dựng công trình khai thác sử dụng nguồn nước ngầm được triển khai. Sau 2 năm thiết kế, xây dựng, năm 1896 công trình hoàn thành tọa lạc trên đường Yên Phụ với công suất thiết kế 4.000m3 nước sạch/ngày đêm. Nó được đặt tên là Sở Máy nước Hà Nội. Vì tên là Sở Máy nước thì sản phẩm làm ra được gọi luôn là “nước máy”.

Nước máy ban đầu chỉ đủ cung cấp cho các công sở, dinh thự, quân đội, các gia đình quan chức Pháp và dân cư giàu có. Khu buôn bán phố cổ cũng là những nơi đầu tiên được hưởng nước máy của Sở Máy nước. Và tất tần tật những đối tượng được hưởng sự ưu ái ấy gộp lại cũng chỉ chiếm khoảng 10% số dân nội thành Hà Nội lúc bấy giờ. Vào những năm 1925, 1931, 1938 và 1941, Sở Máy nước đầu tư xây dựng thêm 4 nhà máy nữa theo thứ tự thời gian là Đồn Thủy, Bạch Mai, Ngọc Hà và Ngô Sĩ Liên. Đường ống cấp nước cũng nối dần tới những khu vực xa như khu phố mới phía Nam (thuộc quận Hai Bà Trưng ngày nay), trục dân cư Bạch Mai - Chợ Mơ vòng về Ngã Tư Sở - đường Láng (thuộc quận Đống Đa ngày nay), trục Kim Mã - Cầu Giấy vòng về Đội Cấn (thuộc quận Ba Đình ngày nay)... Nhờ vậy mà số dân Hà Nội được dùng nước máy tăng dần, cho tới trước năm 1954 đã lên khoảng 58%.

Sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918), trên một số tuyến phố Hà Nội bắt đầu xuất hiện những trụ máy nước công cộng miễn phí. Nó được thiết kế là một trụ tròn bằng gang, cao khoảng 1m, đường kính 40cm, có vòi liền khối. Trên đỉnh có tay nắm, kéo lên là mở, ấn xuống là khóa. Những máy nước công cộng đầu tiên được đặt trên vỉa hè các con phố như Phùng Hưng, Hàng Cót, Trần Quốc Toản, Tô Hiến Thành, Nguyễn Đình Chiểu, Tuệ Tĩnh… Chỗ đặt máy nước bao giờ cũng có bảng quy định chỉ được gánh nước về, cấm tắm giặt tại chỗ, làm mất vệ sinh công cộng sẽ bị phạt tiền.

Sau ngày Giải phóng Thủ đô 1954, dân số Hà Nội tăng vọt thì nhu cầu sử dụng nước máy cũng vượt quá xa khả năng cung cấp của Nhà máy nước Hà Nội. Tình trạng khan hiếm nước máy cứ tăng dần. Rồi chiến tranh phá hoại của Mỹ cũng làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch. Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ ngừng ném bom và rút quân khỏi miền Nam thì cả triệu người sơ tán khỏi Hà Nội lục tục kéo về. Lúc này nước máy ngay lập tức trở thành nỗi khổ hàng đầu.

Sở Máy nước Hà Nội năm 1936 (tức Nhà máy nước Yên Phụ ngày nay)

Sở Máy nước Hà Nội năm 1936 (tức Nhà máy nước Yên Phụ ngày nay)

Thời kỳ gian khó

Sau năm 1975, đất nước chìm trong khó khăn, thành ra nước máy và máy nước Hà Nội đã bước vào một giai đoạn có thể nói là nhếch nhác nhất kể từ khi ra đời. Cái khó ló cái khôn, bỗng đâu xuất hiện ra công nghệ khoan giếng ống. Cứ khoan sâu 15m, 20m, 30m, khoan đến đâu luồn ống nhựa tới đó cho tới khi nước mạch vọt lên mà không có mùi lạ, như thế là đạt yêu cầu.

Giếng ống có thể bố trí trong góc bếp, ngoài hiên, thậm chí dưới gầm giường, không mất tí diện tích nào, khoan xong lồng ống hút của máy bơm xuống là nước tràn trề, trong vắt. Hàng nghìn giếng khoan như thế khắp thành phố đã giải quyết được phần nào “cơn khát” của Hà Nội. Nhưng dùng nước giếng khoan lâu nhiều người bỗng thấy ngứa ngáy, da nổi mẩn mới vội vàng mang mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ nhờ kiểm nghiệm. Kết quả là khuẩn coly, khuẩn tả, rồi chì, asen gây ung thư… đều vượt chỉ số cho phép nhiều lần. Vậy là cứ phải nước máy quốc doanh, nhưng nước máy quốc doanh thì ngày một khan hiếm.

Khoảng thời gian này, các trụ nước bằng gang sau 50-60 năm tồn tại cũng đã hỏng, thay vào đó là những trụ bằng xi măng có hình thù rất giống cái cột cây số trên đường quốc lộ. Máy nước công cộng được xây nhiều hơn nhưng hầu như không thấy chảy ban ngày. Hình ảnh phổ biến là hàng dài các đôi thùng gánh nước xếp hàng để đấy. Phải đợi cho đến đêm thì mới dần dần có nước và đây cũng là lúc trai gái các gia đình quây quần quanh chiếc máy nước công cộng đợi đến lượt mình.

Phần lớn họ sống cùng phố hoặc cùng xóm nên biết nhau cả, chuyện trò rôm rả, hỏi thăm việc nhà, việc cơ quan. Người này nhắc người kia đến lượt, người kia nhường người nọ lấy trước, nhẹ nhàng, ấm áp, sẻ chia. Cái không khí tình làng nghĩa xóm ở đâu phai nhạt chứ ở nơi máy nước công cộng những ngày xa vắng ấy vẫn thấy đượm đà. Rồi cũng từ những những câu chuyện đêm hôm xếp hàng lấy nước mà nhiều cặp trai gái thành vợ, thành chồng, đẹp đẽ nên thơ chẳng khác mấy cái cảnh trai gái rủ nhau tát nước đêm trăng ở quê nhà năm xưa. Có lẽ cũng bởi thế mà xuất hiện câu trào lộng: “Ban ngày cả nước lo việc nhà/ Ban đêm cả nhà lo việc nước”.

Trẻ em Hà Nội bên vòi nước công cộng thời bao cấp

Trẻ em Hà Nội bên vòi nước công cộng thời bao cấp

Ngày ấy, bây giờ

Cứ thế cho tới khoảng tờ mờ sáng, nhiều người đã trở về nhà sau gánh nước cuối thì có tiếng xe đẩy kêu loảng xoảng trên đường. Đấy là tiếng xe chở khoảng một chục chiếc thùng sắt tây của bà Cả gánh nước thuê. Những nhà nào không có sức xếp hàng lấy nước đêm đều đăng ký mua nước gánh của bà. Mỗi sáng như thế bà quay 4 vòng xếp hàng cũng 40 gánh nước, mỗi gánh 1 hào, vị chi ngày cũng được 4 đồng, tháng cũng trăm hơn trăm ngót, tương đương với lương kỹ sư bậc 2, bậc 3.

Trong lúc khó khăn nhất thì Hà Nội vẫn có những người bạn tốt từ phương xa. Phần Lan đã tặng nhân dân Thủ đô một nhà máy nước sạch hiện đại. Cần nói thêm một chút về món quà này, tháng 6-1985 Chính phủ Phần Lan đã ký Nghị định thư cấp cho Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại 80 triệu USD để triển khai hệ thống cấp nước sạch mang tên “Nước sạch Phần Lan”. Ngoài việc xây dựng một cơ sở khai thác thì công việc khó khăn nhất là lắp đặt ngầm hệ thống đường ống mới bằng nhựa tổng hợp không độc hại do Phần Lan sản xuất.

Lắp đặt đường ống mới ở một thành phố mà hệ thống hạ tầng ngầm không có quy hoạch như Hà Nội là một việc làm không dễ. Nhưng thay thế hệ thống ống nước cũ nát gần trăm năm tuổi chạy ngầm trong lòng đất các khu dân cư thì quả là một công việc nan giải muôn phần. Thời gian đó, người Hà Nội rất hay thấy những ông Tây mặc đồng phục bảo hộ lao động màu vàng nghệ, đội mũ bảo hiểm cùng màu có in chữ “Nước sạch Phần Lan” đang thực thi một công việc mà sau khi hoàn thành, nó đã góp phần đổi đời cho người dân của cái thành phố nghìn năm tuổi này.

Khoảng 2 thập kỷ sau dự án “Nước sạch Phần Lan”, Hà Nội triển khai một dự án nước sạch khác lớn hơn, đó là công trình Nước sạch Sông Đà. Nước Sông Đà được bơm lên sản xuất thành nước sạch rồi chuyển thẳng về Hà Nội theo hệ thống ống nhựa đường kính cỡ trên dưới 1m. Dự án hoàn thành, gần như 100% người dân nội ngoại thành đều được dùng nước máy quốc doanh.

Chưa cần kể đến những nhu cầu sinh hoạt đời thường khác như ăn, mặc, ở, học tập, đi lại… mà chỉ mỗi một cái nước máy sinh hoạt hàng ngày thôi thì đã là cả một núi công việc chồng chất rồi. Ai đã trải qua những năm tháng khó khăn nhất của Hà Nội mới thấu hiểu hết nỗi trần ai. Bởi thế bây giờ cũng nên thông cảm cho mấy người cao tuổi cứ suốt ngày cằn nhằn con cháu, sao mà chúng nó dùng lắm nước thế không biết?