6 năm thực hiện Luật Xuất bản:

“Liên kết” vượt tầm kiểm soát

ANTĐ - Sau 6 năm sau ngày Luật Xuất bản ra đời và đi vào cuộc sống, những khó khăn và cả bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện đã được chính các nhà quản lý, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành thẳng thắn nhìn nhận, phân tích và “mổ xẻ” vào sáng 12-10, trong “Hội nghị Đánh giá 6 năm thi hành Luật Xuất bản” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.

“Sợi xích” nhảm nhí của Lê Kiều Như, một trong những “đứa con”

của Liên kết xuất bản


Khởi sắc “ảo”

Ông Lưu Xuân Lý - NXB Văn hóa Dân tộc cho biết, 10 năm rồi ông trực tiếp tham gia vào công tác xuất bản, thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Xuất bản, nhưng vẫn lúng túng khi phải nhận xét về luật. Ông Lý cho rằng, Luật Xuất bản hiện thời là “lưỡng tính” vừa tạo cảm giác siết chặt cũng vừa tạo cảm giác thông thoáng…

Luật đã mở đường, thừa nhận về mặt pháp lý, vai trò của tư nhân trong liên kết xuất bản. Vai trò của tư nhân ngày càng mạnh lên không chỉ ở sự chi phối bằng vốn mà cả sự năng động trong việc tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền và tổ chức phát hành… Song thực tế, vấn đề liên kết đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chính các NXB cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Do yếu kém về năng lực, thiếu nhân lực, nhiều NXB buông lỏng quản lý, không tuân thủ đúng quy trình biên tập đọc và duyệt bản thảo, duyệt phát hành. Một số NXB không đủ sức giám sát đối tác liên kết, thậm chí là phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác quyết định.

Cũng chính vì các nhà xuất bản “buông” nên các đối tác tự tung tự tác, tự tăng số lượng in, không nộp lưu chiểu, thậm chí thay đổi tên và nội dung bản thảo, dẫn đến tình trạng không ít xuất bản phẩm kém chất lượng.

Dẫn chứng cho hiện tượng này, ông Nguyễn Đức Hùng, đại diện của NXB Quân đội nhân dân cho biết, thực tế đã có trường hợp NXB “bán” giấy phép cho đối tượng liên kết chỉ với giá bèo bọt 300 nghìn đồng. Số tiền này không thể bù đắp được phần chi trả cho việc biên tập chứ chưa kể các hoạt động liên quan khác. Sau khi Việt Nam tham gia Công ước Berne, các NXB đối mặt với sự khủng hoảng về bản quyền. Do thiếu vốn, năng lực và kỹ năng nên nhiều NXB đã gặp khó khăn trong việc giao dịch và thương lượng mua bán bản quyền. Chính sự yếu kém như vậy, nên khi liên kết xuất bản, tổ chức bản thảo, một số NXB đã phó mặc hoàn toàn từ vấn đề bản quyền cho tới in ấn và phát hành. Nói cách khác, nhiều đối tác liên kết đã chi phối cả “đầu vào” và “đầu ra” đối với xuất bản phẩm. Khi có sai phạm xảy ra, nhiều lãnh đạo NXB mới “ngã ngửa” hóa ra là sách của mình!

Theo thống kê, đại đa số các NXB thực hiện liên kết, có nhà xuất bản liên kết đến 90% trong tổng số xuất bản phẩm của mình và hầu hết các sai phạm đều do sách liên kết gây ra.

Cần một mô hình chuẩn

Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho rằng, việc cần nhất bây giờ là phải xây dựng quy hoạch cho các NXB. Bởi hiện tại, mô hình hoạt động, tổ chức của các NXB chưa thống nhất. Với việc chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, một số NXB chuyển sang mô hình tổ chức không nằm trong sự điều chỉnh của Luật Xuất bản như Công ty mẹ - Công ty con (NXB Giáo dục Việt Nam), hoặc chuyển đổi sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn nhà nước đối với tất cả các NXB thuộc loại hình doanh nghiệp theo lộ trình thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Điều này tác động không nhỏ đến tôn chỉ, mục đích của các NXB, vì nếu chỉ coi NXB là doanh nghiệp thuần túy thì các NXB luôn phải đặt hiệu quả kinh tế lên trên hiệu quả xã hội. Một số NXB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, số còn lại theo hình thức đơn vị sự nghiệp, vì thế rất khó đề ra quy định cụ thể, những việc nào NXB được làm và không được làm. Ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh, cần thiết nhất là phải tổ chức lại mô hình hoạt động của các NXB. Chỉ khi rõ được mô hình, mới có thể thiết kế được chính sách hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Hùng - NXB Quân đội nhân dân cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Xuất bản tới đây cần phải xây dựng quy hoạch các NXB, bên cạnh đó chỉ ra rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các NXB trong liên kết. Không thể để tình trạng liên kết “lộng hành” mãi được. Chúng ta đang thực hiện khá đầy đủ các quy định về quyền tác giả, nhưng cũng phải đặt vấn đề về bản quyền của NXB, bởi có không ít tác giả, lần đầu thì in ở NXB có tiếng cho oai, sau đó nối bản ở các NXB nhỏ, lẻ cho... đỡ tốn. Điều này gây thiệt thòi cả về tài chính, lẫn uy tín NXB. Theo ông Lưu Xuân Lý - NXB Văn hóa dân tộc, các quy định về xuất bản hiện nay thiếu tầm cũng như thiếu một giải pháp khả thi. Chỉ trong vòng 10 năm mà Luật Xuất bản đã bổ sung, sửa chữa đến 3 lần chứng tỏ quá trình xây dựng luật đã không có được tầm nhìn bao quát, không theo kịp tốc độ phát triển của ngành. Đó cũng chính là lý do làm cho đối tượng chịu ảnh hưởng của luật này là các NXB luôn ở trong trạng thái “loay hoay”.

Một điểm nóng nữa được đưa ra bàn thảo tại hội nghị là cuộc đua không lành mạnh về mức chiết khấu. Trong khi các NXB, các đơn vị phát hành sách Nhà nước chỉ đưa ra mức chiết khấu cho người bán từ 22-26% giá bìa thì một số nhà sách tư nhân đã phá giá thị trường bằng cách đưa ra con số khủng lên tới 50-60%. Để có thể đưa ra mức hoa hồng lớn như vậy trong cuộc đua phát hành, nhiều hiện tượng “lập lờ đánh lận con đen” như tăng giá bìa để trừ chiết khấu cao, hay in nối bản, in lậu… cũng đã xuất hiện gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các NXB. Sự xuất hiện hình thức xuất bản phẩm sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong xu thế công nghệ thông tin phát triển ngày càng nhanh hiện nay cũng đòi hỏi có những hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể để tránh xảy ra các biến tướng.

Cũng trên diễn đàn, nhiều ý kiến đóng góp chỉnh sửa, bổ sung Luật Xuất bản cũng được các đơn vị phát hành, in ấn đưa ra với mong muốn việc sửa đổi luật sẽ tạo hành lang pháp lý phù hợp, thông thoáng đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản trước xu thế hội nhập toàn cầu.