Kiêu hãnh nghênh xuân

ANTD.VN - Năm Đinh Dậu, nghĩ đến việc khai bút ngày xuân tôi tức thì nghĩ ngay đến chuyện thăm tư gia của họa sỹ Lê Trí Dũng. Cái lý thì quá rõ bởi còn gì “đã” bằng nghe họa sỹ kể chuyện những con giáp bằng tranh, cái thú thì hẳn rồi bởi Lê Trí Dũng vẽ các con vật duyên và “hút” lắm, như xuất hồn xuất vía vào ngọn bút, ra các con giống để gửi cho nhân thế tình yêu của mình. 

Họa sỹ Lê Trí Dũng có hẳn một “trang trại ngựa” thì ai trong giới cầm cọ đương đại mà chẳng biết, chẳng nể, chẳng phục. Họa sỹ Thành Chương tâm sự rằng ông đã được chiêm ngưỡng hàng nghìn bức tranh ngựa của họa sỹ Lê Trí Dũng. Thế nhưng con gà dưới ngọn bút của Lê Trí Dũng thì không phải ai cũng được nghe, được thấy, được cảm. Vậy thì có lý do gì để mà chậm trễ một cuộc “nhàn đàm quanh giá vẽ” với Lê Trí Dũng về chuyện con gà. 

Con gà - chuyện từ tây sang đông

Ngày xuân thơi thới đang đến cận kề, chúng tôi ngồi trong xưởng vẽ bộn bề màu giấy. Bên bình trà nóng, họa sỹ Lê Trí Dũng vừa vẽ, vừa kể cho tôi nghe những thăng trầm, bao chuyện lạ của họa giới… Rồi nhân lúc tiễn con khỉ đi, đón con gà về, chuyện con gà nổ như rang không biết tự lúc nào. Gà vốn nhiều loại, gà gô, gà lôi, gà mái mơ, gà chọi, gà tre, gà Đông Tảo, gà dò, gà sếu, gà ri, gà tây… Với mỗi dân tộc trên thế giới, con gà lại có một ý nghĩa riêng, người Pháp coi con gà trống như biểu trưng của sự kiêu hãnh, hãy nhìn dáng đi của nó và tính cách người Pháp không phải không có những nét tương đồng.

Ở Nhật Bản, tiếng gà gáy được ví như tiếng hát của các thần linh khiến cho Amaterasu - nữ thần mặt trời phải rời khỏi nơi ẩn náu làm ta liên tưởng đến Quốc kỳ của họ. Trong thần thoại Hy Lạp, Veldranos thần gà trống của dân đảo Crete đã được cung hiến đồng thời cho cả thần Zeus, Apollon, Leto và Artesmis. Tuy nhiên, vì biểu tượng ánh sáng đang sinh nở, gà trống được xem là một vật hiệu đặc thù của Apollon - vị thần làm nên từng buổi bình minh.

Ở Ấn Độ, nó lại là vật hiệu của thần Skanda - hiện thân của năng lượng mặt trời bởi tiếng gáy báo hiệu mặt trời mọc. Còn các quốc gia vùng Bắc Âu, gà trống lại tượng trưng cho tinh thần sẵn sàng chiến đấu canh giữ sự sống với hình ảnh chú gà ưỡn ngực, gác chân lên cây tần bì hoặc đứng kiêu hãnh trên tháp chuông nhà thờ.

Ở châu Phi, gà trống được coi là khắc tinh với kẻ thù của Thượng đế bởi tiếng gáy báo hiệu thiên thần xuất hiện. Ở các nước Viễn Đông, gà trống có ý nghĩa đặc biệt tốt lành, nó được coi như con vật có đủ ngũ đức: Trung (với đôi cựa sẵn sàng bảo vệ tổ ấm, lãnh thổ của mình); Nghĩa (cần cù chăm chỉ kiếm mồi nuôi con); Lễ (với chiếc mào đỏ oai vệ như một chiếc mũ quan trên đầu, như một viên chức mẫn cán với phận sự); Dũng (chiến đấu không khoan nhượng dù rách mắt bể ngực với kẻ thù) và Tín (cất tiếng gáy báo sáng rất chính xác xua đuổi bóng đêm).

Còn ở Trung Quốc, con gà có sự gần gũi đặc biệt. Thời Đông Hán, Lưu Bang sau khi lên ngôi vua định đô ở Lạc Dương thì xảy ra việc không vui: Thái Thượng Hoàng từ khi về nhà mới suốt ngày ủ dột buồn rầu. Đoán biết tâm lý cha mình, Lưu Bang bèn cho sửa sang nhà cửa, đường sá, cảnh quan giống như ở đất Phong quê mình, lại đưa cả gà, chó ở đất Phong về nuôi, Thái Thượng Hoàng quả nhiên hết “bệnh” - đó chính là tích “Kê khuyển tân Phong”…    

Còn ở Việt Nam ta, con gà vừa là con vật thân thiết của nhà nông trong việc báo bình minh đến, vừa tham gia và các cuộc chọi gà đã được nâng thành nghệ thuật với những cái tên nghe như tên các võ sĩ: Tía (lông đỏ như lửa); Ô (đen tuyền); Ô chuối (đen, đỏ, trắng); Ô mơ (đen, trắng); Bạch nhạn (trắng toát); Ngũ sắc (năm màu lông đỏ, vàng, đen, trắng, xanh); Xám (màu chì)… Và các miếng đánh rất cơ bản: quấn theo lối trên, vít xà ngang, miếng hít hầu, miếng quấn hai mang…

Cùng với các cú đá ghê hồn: đá mé trái, đá cao, đá giật dây cương… Có con đặc biệt cao thủ còn dùng miếng đá của Võ Tòng nổi tiếng trong Thủy Hử: “Ngọc hoàn bộ Uyên Ương cước” - tức là giả thua chạy hai bước, bất ngờ quay lại tung chân trái đá dứ, rồi bật mạnh chân phải đá trúng yết hầu đối phương. Với những “nghệ nhân” chơi gà, con gà chọi đôi khi được quý hơn cả một gia sản…

Gà quanh giá vẽ

Tranh dân gian Đông Hồ của Việt Nam ta vẽ nhiều về gà: “Em bé ôm gà” (Vinh Hoa); “Gà đàn” miêu tả gà mái mẹ bên đàn con như muốn nói lên mong ước gia đình sum họp đầm ấm; “Đại Cát” tả con gà trống oai phong, khỏe mạnh đem lại điềm lành… - tất cả đều được lưu hành rộng rãi trong dân gian hàng trăm năm nay. 

Các họa sỹ hiện đại Việt Nam cũng thích vẽ gà, nhất là lúc tất niên. Đã thành thói quen, năm hết Tết đến các “họa gia” lại hì hụi màu mè bút giấy. Phóng bút xuất thần về các con giáp chả khác gì các cụ đồ ngày xưa viết chữ Nho trên giấy điều. Nhìn họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm với bộ đồ ta giản dị, chiếc mũ len sùm sụp trên đầu, ngồi xổm bên đống giấy màu, từ bàn tay gân guốc, con gà của bậc thầy hội họa từ từ hiện ra - rất đơn giản, chỉ có vàng đất nâu sồng thêm chút đen, chút trắng - những nét cánh và đuôi run rẩy, toát ra thần lực ghê hồn. Họa sỹ Trương Đình Hào vẽ con gà bột màu trên giấy báo cũ chắc nịch như gốm sành làng Phù Lãng. Họa sỹ Đỗ Phấn thì bao giờ cũng thế, anh vẽ con gà với nét bảng lảng cứ như đùa mặc dù rất biết đây là một việc làm nghiêm túc.

Còn họa sỹ Phạm Minh Tuấn chả biết có bị ảnh hưởng của trò chơi điện tử hay không - nhưng con gà của anh như được lắp ráp như những mảnh áo giáp của các rô-bốt với những hình kỷ hà xanh đỏ rực rỡ. Họa sỹ Phạm Viết Hồng Lam thì ngược lại, con gà của anh vẽ trên nền điệp bằng một thứ màu khó gọi tên, cực khó pha, nó làm ta nhớ đến bờ ao, đống rơm, giàn mướp.

Họa sĩ Hoàng Đình Tài lại đi theo lối riêng, chỉ bằng một thỏi chì than, loằng ngoằng vài nét ngông nghênh là đã ra một đôi gà chọi trong một thế trận khôn lường mà thành bại không thể nói trước, con gà to mào lớn xác ở phía trên những tưởng là chiếm ưu thế thượng phong, nhưng con phía dưới, đôi mắt vẫn dữ dội, mình đầy thương tích đang chuẩn bị tung cú đòn quyết định… Và cũng thật thiếu sót nếu không nhớ đến con “gà tồ” Thành Chương vẽ từ tấm bé đã sớm đem lại vinh quang từ thuở thiếu thời.

Chuyện gà kể đã vãn, bình trà cũng nhạt dần. Họa sỹ Lê Trí Dũng chậm rãi nói: “Tôi cũng vừa xong một chú gà tâm đắc, gửi tặng Báo An ninh Thủ đô - những người bạn trân quý!”.

Một con gà đơn thương độc mã với cặp giò chắc nịch, cái cổ múp lông trắng muốt với bộ cánh sặc sỡ màu, bộ cước với những cái móng sắc nhọn, ung dung bước mà chắc từng nhịp chân, mào nhỏ nhưng đầy tự trọng, lông đuôi dựng ngược vươn cao kiêu hãnh.

Một chú gà mà vàng có, lam đủ, đỏ cánh sen không thiếu. Lạ thay! Như ba màu cơ bản của con nhà họa vẫn thường dùng trong những dịp tất niên. Khi các bạn cầm giai phẩm ngày Tết của Báo An ninh Thủ đô trên tay, chú gà của họa sỹ Lê Trí Dũng đang hiện diện trên tờ bìa của số báo đặc biệt này. 

Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc đang về, xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời. Xuân này, họa sỹ Lê Trí Dũng đã gửi tặng các đồng nghiệp của tôi một chú gà đẹp, khỏe, rực rỡ, thể hiện sự tư duy và hành động cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất. Các bạn hãy cùng với chú gà kiêu hãnh của chúng tôi kiêu hãnh nghênh đón xuân về!