Nhân cách người nghệ sĩ

ANTĐ -Mỹ thuật là ngành đầu tiên hoàn thành đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng là ngành được đầu tư kinh phí thấp nhất: 1 tỷ đồng. Nhiều nghệ sỹ đã băn khoăn không biết với số tiền này, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ đặt hàng được bao nhiêu tác phẩm. 13 tác phẩm được đặt hàng sáng tác bởi các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam đã khiến họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam phải thốt lên “Đây không còn là câu chuyện của đầu tư sáng tác nữa mà là câu chuyện của nhân cách người nghệ sỹ”…
Nhân cách người nghệ sĩ  ảnh 1

“Lớp học ở địa đạo” - tranh sơn mài của Đoàn Văn Nguyên

Không đặt nặng vật chất

Triển lãm “Các tác phẩm mỹ thuật về hai cuộc kháng chiến giai đoạn 1930-1975” vừa diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài là hoạt động thực hiện Đề án “Khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975” được ban hành theo Quyết định số 844/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.

Số tiền 1 tỷ đồng “rót” từ nguồn ngân sách Nhà nước được chia cho 13 nghệ sỹ tham gia sáng tác đợt này. Tác phẩm được trả cao nhất có giá hơn 200 triệu đồng. Tác phẩm được trả giá thấp nhất có giá hơn 40 triệu đồng. Về giá trị kinh tế, số tiền này chưa xứng đáng với công sức lao động của nghệ sỹ. Đặc biệt, với những tên tuổi như nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Lê Lạng Lương, Nguyễn Phú Cường, họa sỹ Trần Huy Oánh… thì giá trị của tác phẩm còn cao hơn gấp nhiều lần.

Nhân cách người nghệ sĩ  ảnh 2

“Thời hoa lửa” - Lê Lạng Lương


Tuy vậy, tiền bạc không phải lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu. Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Chủ tịch HĐNT chuyên ngành Điêu khắc (Hội Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: “Nghệ sỹ chúng tôi nhiều khi sĩ lắm, người ta trả giá thì không bán nhưng có ai đến nhà, khen lấy khen để, bày tỏ nguyện vọng muốn xin tác phẩm về bày trong gia đình lại cho ngay mà không hề tiếc”. Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh còn cho biết thêm về giá trị một bức tượng đá được ông sáng tác trong vòng nửa tháng, nhỏ chừng 0,5m có giá bán tới 100 triệu đồng. Trong khi, tác phẩm “Thời hoa lửa” của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương có kích thước 2m x 0,8m, nặng cả tấn, được dày công thực hiện trong nhiều tháng chỉ được trả mức tiền khá khiêm tốn.

Nhiều người không hiểu về sự vất vả, tốn kém của các nghệ sỹ điêu khắc. Để làm ra tác phẩm “Thời hoa lửa”, Lê Lạng Lương phải bỏ tiền ra mua hơn 2 tấn đá nguyên khối, thuê thợ đẽo gọt, mài giũa, tiền công trả cho một người thợ từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày. Công đoạn càng về sau, tiền công trả cho thợ càng cao vì sự tinh vi, phức tạp và đòi hỏi tay nghề cao hơn. Với từng khâu tạo tác và từng ấy tiền đã bỏ ra, tác phẩm của Lê Lạng Lương xứng đáng được đặt hàng với số tiền cao hơn. 

Nhân cách người nghệ sĩ  ảnh 3

“Hội tụ” - Quách Phong


Tấm lòng với người yêu cái đẹp

Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đánh giá chất lượng tác phẩm tại triển lãm “Các tác phẩm mỹ thuật về hai cuộc kháng chiến giai đoạn 1930-1975” rằng: “Đó là các tác phẩm xứng đáng “đồng tiền bát gạo”. Chỉ có hai mức khá và tốt để đánh giá, không có mức trung bình. Điều tôi thấy tiếc nhất ở triển lãm này là số tiền đầu tư cho sáng tác mỹ thuật quá ít”.

Vậy, câu chuyện thực chất của triển lãm lần này không còn dừng ở việc đặt hàng sáng tác, trả cho nghệ sỹ một khoản thù lao xứng đáng với công sức bỏ ra mà là câu chuyện của cái tôi người nghệ sỹ, sự nhiệt huyết và cái tâm với nghề. Đặc biệt, với đề tài chiến tranh cách mạng, các lão nghệ sỹ và các nghệ sỹ trẻ đều thể hiện sự tận tâm, trách nhiệm với những ký ức về cuộc chiến.

Những người đã trải qua chiến tranh như họa sỹ Lê Trí Dũng, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, việc đuổi theo sự ám ảnh của chiến tranh là điều dễ hiểu. Song với các nghệ sỹ trẻ như Lê Lạng Lương, Đào Quốc Huy, những người không hề có ký ức về cuộc chiến lại say đắm với mảng đề tài này, sẵn sàng bỏ tiền và công sức để đóng góp tác phẩm tại triển lãm chỉ có thể đến từ tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn. 

Giá trị tác phẩm nghệ thuật ngoài việc được định đoạt bằng vật chất còn mang giá trị tinh thần, lòng tự trọng của người nghệ sỹ. Số tiền 1 tỷ đồng thật nhỏ nhoi so với công sức lao động nghệ thuật nhưng với những gì đã thể hiện, với trách nhiệm đã hoàn thành, 13 nghệ sỹ tham gia cuộc triển lãm đã thể hiện tấm lòng của người nghệ sỹ với đề tài chiến tranh cách mạng và hơn cả là tấm lòng với những người yêu mến cái đẹp. Không chỉ cuốn hút người xem bởi cái đẹp, các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đã thể hiện tinh thần yêu nước, phản ảnh ý chí quật cường, bất khuất của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.