Khóc và cười với “Mùa hạ cuối cùng”

ANTĐ - Phong cách riêng biệt của Nhà hát Tuổi trẻ đã được thể hiện đậm nét trong vở kịch “Mùa hạ cuối cùng”, tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung. Ở đề tài chính luận nặng về tính giáo dục nhưng vở kịch lại trẻ trung, đầy ắp những tình huống hài hước. 

Khóc và cười với “Mùa hạ cuối cùng” ảnh 1
Cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng”

“Giảm tải” kịch chính luận

“Mùa hạ cuối cùng”, vở kịch cuối cùng nằm trong chùm kịch Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng vừa ra mắt người xem. Khác với 2 vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” và “Lời thề thứ 9”, vở kịch sử dụng phần hiệu ứng điện ảnh do NSƯT Phạm Việt Thanh làm cố vấn, phần âm nhạc được sáng tác bởi nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc để làm mới và gần gũi hơn với nhịp sống hiện đại. Hơn thế, vở kịch này không được dàn dựng theo lối một màn mà được chia thành 2 phần, có giờ nghỉ giải lao dành cho khán giả trước khi đến với những tình huống kịch ở phần 2. Cách làm này của đạo diễn Chí Trung có thể được coi là sự lựa chọn khôn ngoan và giàu kinh nghiệm của một vị đạo diễn có tới 2 vở kịch dàn dựng dựa trên kịch bản của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ. Bởi ít nhiều, những cách làm mới thường làm khán giả hào hứng hơn và tâm lý nặng nề của vở diễn chính luận cũng được giảm tải.  

Trước khi vở kịch được ra mắt, những quảng bá về công nghệ mới trong vở kịch được nhắc đến nhiều như một điểm nhấn thu hút khán giả. Đặc biệt là sự góp mặt của đạo diễn Phạm Việt Thanh. Và quả thật, hiệu ứng điện ảnh đã làm “sáng” hơn cho những ý tứ khó diễn đạt bằng ngôn ngữ kịch. Tuy vậy, điểm thực sự hấp dẫn người xem khi đến với vở kịch lại xuất phát từ lối diễn thiên về tính hài của các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ. Dàn diễn viên thường đóng các tiểu phẩm hài nổi tiếng như: NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê, Anh Tuấn… với lối diễn tự nhiên, nhập vai như không đã đem đến cho khán giả nhiều sảng khoái. Cứ hình dung ra, nếu vở kịch thiếu đi những tình huống hài hước chắc hẳn sẽ rất nặng nề và mệt mỏi với khán giả bởi tính triết lý mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã chuyển tải trong kịch bản đậm chất giáo dục. 

Tiếng cười và nước mắt

Thế nhưng, dù có “cài” thêm nhiều thủ pháp nghệ thuật thì cái đích cuối cùng mà đạo diễn hướng tới vẫn là trung thành với kịch bản nguyên tác. Câu chuyện về “Mùa hạ cuối cùng” được bắt đầu với một tình huống tưởng như chẳng có gì đáng để bàn. Đó là Châu, một học sinh giỏi, trong kỳ thi hết học kỳ năm lớp 12, Châu đã biết trước đề thi môn Địa lý. Đáng lý mọi chuyện sẽ không có gì kịch tính nếu cậu yên lặng làm bài. Nhưng bản tính thẳng thắn và bộc trực, Châu đã phản ánh với thầy giáo việc mình biết trước đề thi và mong thầy giáo đổi đề thi khác. Từ tình huống này, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã khai thác và phát triển câu chuyện “thật” như cuộc sống đời thường với những lời giáo lý của bố dành cho con, lời khuyên của bạn bè dành cho Châu. Tuy có khác nhau về hình thức diễn đạt nhưng đều có chung một điểm: Không nên thật thà như đếm. 

Chỉ còn một người duy nhất Châu tin tưởng và cũng là người đã dạy cho Châu những bài học về lòng trung thực và đạo làm người-thầy giáo của Châu, trong một lần vô tình đã nói ra những điều ngược lại với các giáo lý đã khiến cậu vô cùng thất vọng. Châu mất niềm tin vào mọi người và bỏ nhà đi. “Mùa hạ cuối cùng” đã đi theo đúng trình tự của một vở diễn có kết hậu và khép lại với thông điệp “Lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị tuyệt đối”. Vở kịch sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch Lưu Quang Vũ và biểu diễn vào lúc 9h ngày 11-9 tại rạp Tuổi trẻ, số 11 Ngô Thì Nhậm.