Khi nhà văn vác "cưa" đi "tán"

ANTD.VN - Các nhà văn, nhà thơ xưa nay vẫn nổi tiếng là văn hay chữ tốt, tưởng rằng chỉ đọc lên vài câu thơ hay viết một bức thư tình là nửa kia của thế giới phải “liêu xiêu”. Thế nhưng đã có tình huống nhà văn... ế vợ chỉ vì nhiều chữ!

Khi nhà văn vác "cưa" đi "tán" ảnh 1

Nhà thơ Thu Bồn

“Tạm biệt” mối tình hóa đá vì... thơ

Nhiều bạn bè văn chương cùng lứa với nhà thơ Thu Bồn vẫn truyền tụng một “giai thoại thất tình” có một không hai của làng văn Việt Nam. 

Thuở sinh thời, Thu Bồn vốn là một người đàn ông hào hoa, đa tài và cũng rất đa tình, đã yêu ai là cố công theo đuổi dù mất đến mấy năm trời. Hồi còn ở Huế, nhà thơ mê một người thiếu nữ có đôi mắt buồn như mưa cố đô nên quyết tâm “tán đổ” bằng thơ.

Ròng rã suốt 3 tháng trời, cứ khoảng 6h chiều nhà thơ Thu Bồn lại đến nhà cô gái, khoanh tay đứng dưới cửa sổ ngửa mặt lên... đọc thơ, đọc hết bài này đến bài khác bằng cái giọng xứ Quảng sang sảng của mình trong đêm mưa tháng tám. Thế nhưng, mặc kệ Thu Bồn ngửa cổ đọc thơ giữa mưa lạnh xứ Huế, nàng thơ trong mộng cứ trùm chăn ngủ ngon lành, không một lần mở cửa nhìn xuống, cũng chẳng bao giờ nói với người làm thơ nửa câu dù là chê trách mắng mỏ.

Sau thất bại thê thảm đó, nhà thơ phải rời Huế để đi làm nhiệm vụ, vết thương lòng bị khắc sâu đến mức bật lên một tuyệt phẩm khiến nhiều người phát khóc. Bài thơ “Tạm biệt” với những câu da diết đến quặn lòng: “Tạm biệt Huế, với em là tiễn biệt/Hải Vân ơi, xin người đừng tắt ngọn sao khuya/Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/Anh trở về hóa đá phía bên kia...”.

Sau này, nhà thơ có nhiều mối tình khác, có những tình yêu trở thành biểu tượng đẹp của niềm mê đắm, nhưng không bao giờ Thu Bồn viết được bài thơ tình nào hay hơn “Tạm biệt”. Tác giả giờ đây đã thành người thiên cổ, bài thơ thì mãi mãi ở lại với nhân gian, chỉ có nàng thơ thuở ấy không biết có khi nào đọc được và nhận ra những tình cảm mãnh liệt đó dành riêng cho mình?

Khi nhà văn vác "cưa" đi "tán" ảnh 2

Nhà văn Đỗ Doãn Quát

Màn “thử rể” oái oăm nơi xóm núi

Thời thanh niên, nhà văn Đỗ Doãn Quát từng lang thang khắp các bản người Dao đến xóm người Mường trên vùng núi Ba Vì. Một hôm đi qua con suối nhỏ, bắt gặp một cô gái đang ngồi gội đầu, mái tóc đen mượt chảy dài theo dòng nước khiến chàng trai không thể cất bước đi tiếp được. Khi cô gái ngẩng lên, bốn mắt nhìn nhau và “tiếng sét ái tình” đã trói chặt hai người từ phút ấy. 

Sau vài lần qua lại tìm hiểu, Đỗ Doãn Quát được mẹ cô gái mời đến uống nước để các bậc lão thành trong xóm núi làm thủ tục “vấn danh”. Tối hôm đó, bước vào căn nhà nhỏ lợp mái rạ, chàng nhận ra có đến 4 - 5 người đàn ông ngồi quây quanh chiếc bàn gỗ trong ánh đèn dầu tù mù. 

Vừa chào hỏi xong, một ông trong số đó cất giọng khàn khàn: “Theo tục lệ của xóm này là anh nào trong lần ra mắt đầu tiên cũng được mời một cốc nước nóng và phải uống một hơi hết sạch, như thế chúng tôi mới thể hiện được tình cảm ấm áp của mình và khách cũng đáp lại bằng tấm lòng nồng ấm.” Nói xong, ông ấy rót thẳng nước nóng từ trong phích ra cái ca bằng nhôm to hơn cốc vại, nước vừa đun bốc khói ngùn ngụt.

Không có cách nào từ chối, Đỗ Doãn Quát đành cầm ca nước nóng vừa phù phù thổi vừa nhắm mắt nuốt vội. Cái ca rỗng đặt xuống bàn được 5 người truyền tay nhau xem xét rất kỹ rồi gật đầu cười khà khà: “Được. Thằng này được!” Vậy là nhà văn trẻ vượt qua được cửa ải đầu tiên.

Mãi về sau, khi nhà văn và cô gái bên suối đã thành vợ chồng, màn thử thách kinh khủng kia mới được “giải mật”, hóa ra hồi ấy mấy bác lớn tuổi thấy một anh chàng da trắng môi đỏ đến tán tỉnh con gái xóm mình thì nghi ngại, cho rằng cái phường “đánh phấn bôi son” ấy chắc tư cách chả ra sao.

Cô gái ra sức bênh vực người yêu lại càng làm cho các bác nghi ngờ rằng “thằng ấy” dẻo mỏ nên “con bé” mới mê muội như thế và nghĩ ra màn thử xem có bôi son thật không. Vì thế khi ca nước nóng được uống cạn, mấy ông già soi kỹ từng tí mà không thấy vệt son nào dính lại mới yên tâm gật đầu duyệt. Chuyện thử thách này lại trở thành niềm tự hào của vợ nhà văn mỗi lần kể cho các con nghe về mối tình của mình.

Khi nhà văn vác "cưa" đi "tán" ảnh 3

 Nhà văn Phạm Duy Nghĩa

Tiến sĩ văn học gặp cô nàng mù chữ

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa là một trong số những tiến sĩ văn học trẻ nhất của Việt Nam. Có lẽ vì quá tập trung cho việc nghiên cứu và sáng tác nên chuyện trăm năm bị trễ tràng. Nhiều đồng nghiệp đã yên bề gia thất thấy lo lắng nên đã chung tay ra sức làm mối cho nhà văn. Nhiều cô gái được mang đến giới thiệu nhưng đều không đi đến kết thúc tốt đẹp, không phải các cô thiếu xinh đẹp hay kém tài năng, mà phần lớn trong số họ không có tình yêu đối với văn học. Một nhà văn, tiến sĩ văn học mà phải sống với người vợ thiếu hiểu biết về văn chương sẽ xảy ra nhiều bi kịch.

Khi nhà văn đã bước qua tuổi 40, bạn bè đều khuyên anh nên “hạ tiêu chuẩn” xuống, chỉ cần một cô tre trẻ xinh xinh về nâng khăn sửa túi là ổn rồi, văn chương thơ phú có thể tìm người đồng cảm trong môi trường công việc. Nhà văn nghe cũng xuôi xuôi, đồng ý đến gặp một cô gái cỡ ngoài 20 rất trẻ trung, hiện đại. 

Buổi nói chuyện đầu tiên, nhà văn hỏi cô gái thích đọc sách của ai nhất, cô nói “Em không biết chọn ai”. Hỏi cô có thích đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết Ma Văn Kháng không, cô bảo “Em không ạ”. Nhà văn bí quá, hỏi “Trong sách giáo khoa, em thích nhất bài thơ nào?”, cô đáp: “Em chẳng biết ạ”. Nhà văn kiên nhẫn: “Em biết bài thơ “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa không?”, cô gái thở hắt ra: “Ôi trời, sao anh toàn hỏi những người em chả gặp bao giờ thế? Chán quá...”. 

Nhà văn đành cáo lui, mang trong lòng niềm băn khoăn đến tận bây giờ: không hiểu cô nàng học hết lớp mấy mà bài “Hạt gạo làng ta” cũng chẳng biết? Hay là cô không hề… biết chữ?