Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI:

Cuộc gặp gỡ đầy mới lạ dưới "Cánh buồm thơ"

ANTD.VN - Hôm nay, 2-3 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất), Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI được khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ngày thơ Việt Nam năm nay có nhiều đổi mới phù hợp với sự phát triển của văn học nghệ thuật, thêm nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, khác với mọi năm, Ngày thơ Việt Nam năm nay được mở rộng cả về chủ đề lẫn quy mô, hình thức để từng bước đưa Ngày thơ Việt Nam trở thành Ngày văn học Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ đầy mới lạ dưới "Cánh buồm thơ" ảnh 1Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành ngày hội định kỳ vào Rằm tháng Giêng hàng năm

Tâm huyết đào tạo đội ngũ trẻ

Cụ thể, nét mới nhất của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI là kéo dài trong 4 ngày (từ ngày 27-2 đến 2-3-2018) chứ không phải 1 ngày như các năm trước. Buổi khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hai sân thơ: “Sân thơ truyền thống” và “Sân thơ trẻ”.

Năm nay, sân thơ trẻ sẽ do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, với nhiều nội dung phong phú. Đặc biệt, các nhà thơ đến từ Đoàn nhà thơ Nhật Bản cũng tham gia giao lưu với người yêu thơ trên cả hai sân thơ truyền thống và thơ trẻ. Đến với Ngày thơ Việt Nam lần này, bên cạnh được nghe thơ, đọc thơ, ngắm nhìn thơ, độc giả còn được giao lưu với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, xem trình diễn thơ và thưởng thức các bài hát được phổ nhạc từ thơ. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, sẽ dành nhiều thời gian hoạt động đọc thơ trong Ngày thơ Việt Nam.

Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương cho biết, đây là lần thứ ba anh tham gia Ngày thơ Việt Nam. Cũng như mọi lần, anh đến với Ngày thơ với những cảm xúc hào hứng để sáng tác và thể hiện mình trên sân khấu. Nhà thơ Lý Hữu Lương đã đọc hai bài thơ “Lam chướng” và “Bông áo đỏ” để khán giả cùng thưởng thức.

Cùng với đó, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI, cũng diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” và “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Việc tìm ra phương thức đổi mới thơ nhằm nâng cao chất lượng thơ để kết tinh được những tác phẩm tinh hoa; đổi mới tư duy tiểu thuyết để đa dạng hóa các phương pháp sáng tác, tiếp cận được nhân vật trung tâm trong đời sống hôm nay đã nhận được sự bàn luận sôi nổi của những người cầm bút và bạn đọc Thủ đô.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam đặc biệt quan tâm, khuyến khích những nhà thơ trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng kỳ vọng, các tiểu thuyết của lớp nhà văn trẻ sẽ khắc họa những người lao động trên tất cả các lĩnh vực, những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc...

Từng bước đưa Ngày thơ trở thành Ngày văn học Việt Nam

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, biểu tượng chính của Ngày thơ Việt Nam 2018 là “Cánh buồm thơ”. Ban tổ chức đang chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ năm nay. Những câu thơ được chọn phải là thơ hay, đại diện cho các thế hệ, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành đất nước.

50 câu thơ của các tác giả khác nhau: Văn học cổ điển có thơ của các tác giả Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du...; Thời kỳ thơ mới có thơ của nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh...; các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ và thời kỳ Đổi mới... Trong khuôn khổ ngày thơ sẽ có triển lãm chân dung và hình ảnh các nhà văn Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Ngày thơ Việt Nam năm nay như một thể nghiệm, là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa Ngày thơ Việt Nam dần trở thành Ngày văn học Việt Nam, điều này đã được Hội Nhà văn Việt Nam ấp ủ suốt 15 năm qua. Do đòi hỏi của bạn đọc, đòi hỏi của sự phát triển văn học nghệ thuật, Ngày thơ Việt Nam cần toàn diện hơn, tôn vinh thơ, thúc đẩy các hoạt động sáng tác văn xuôi, lý luận phê bình, đưa các tác giả đến gần hơn với công chúng.

Bạn đọc không chán thơ mà chỉ quay lưng với thơ dở

“Chưa bao giờ thơ sinh động như hiện nay, bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu quan điểm, cách viết. Tôi đánh giá cao đội ngũ các nhà thơ trẻ, tùy theo đam mê mà họ sẽ gắn bó với thơ ngắn hay dài. Nhưng nếu muốn đi tiếp trên con đường thơ để đến với đông đảo bạn đọc thì phải học nhiều lắm, học trong đời sống, học những người đi trước, nhưng rồi phải tìm ra cách đi riêng của chính mình, nếu không có chất riêng thì không có vị trí trong tâm thức người đọc. 

Có một nhà phê bình đã cho rằng, muốn biết một nhà thơ có giá trị hay không thì phải đặt nhà thơ đó trong nền thơ chung, rồi lại thử tách anh ta ra khỏi nền thơ, để xem vì sự thiếu hụt của anh ta mà nền thơ có bị xộc xệch đi không. Nếu không có gì thay đổi thì nhà thơ đó không có giá trị. Mà để có giá trị thì nhà thơ phải có một giọng điệu riêng, một phong cách riêng không lẫn với ai và cũng không ai bắt chước được. Tôi đã từng đi nói chuyện về thơ và chạy show như ca sĩ, không có chuyện bạn đọc chán thơ, họ chỉ quay lưng lại với thơ dở. Thơ dở thì thời nào cũng có. Ngay cả ở thời thơ mới, thời thơ rực rỡ nhất ông Hoài Thanh còn nói rằng: “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và phải nói gần một vạn bài thơ là thơ dở”. Thế thì trách làm sao được thời của ta hiện nay”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa