Khi cảnh sát giao thông làm thơ!

ANTĐ - Nghe nói danh sách “xếp hàng” vào Hội Nhà văn vẫn dài dằng dặc,  vậy mà một cảnh sát giao thông lại có đến 5 tập sách và lại từng đoạt giải thưởng văn học dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã có tên trong danh sách kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội năm 2012. Người cảnh sát yêu thơ đó là Trung tá Nguyễn Đức Thịnh - Đội phó đội tuyên truyền và khám nghiệm tại nạn giao thông - CATP Hà Nội.

Mỗi một người cầm bút đều mang trong mình một ký ức, một hoài niệm về những vùng đất đã từng sống, đã từng đi qua. Nếu nói rằng, thơ là nơi níu giữ những khoảng lặng cần thiết để tâm hồn mình được bình yên sau những bộn bề của đời sống thì Trung tá Nguyễn Đức Thịnh đã làm được điều đó qua hai tập thơ dày dặn gần 100 bài thơ “Dưới ánh trăng” (NXB Hội Nhà văn, 2010) và “Khoảng sáng hình tam giác” (NXB Hội Nhà văn, 2011). Ban đầu khi gặp anh, biết anh là một Trung tá Công an, tôi không khỏi ngạc nhiên vì hai tập thơ dường như gói gọn được cả một chặng đường 30 năm công tác trong ngành công an với những vui buồn, vất vả nhưng cũng đầy ký ức lãng mạn của người chiến sĩ công an nhân dân.

Nguyễn Đức Thịnh viết về đồng đội như sau: “Đêm đông giá rét căm căm/ Xe tuần tra vẫn băng băng trên đường/ Trăng khua cũng rủ lòng thương/ Giọt sương lấp lánh còn vương quân hàm/ Trông lên… đêm cũng gần tàn/ Tiếng gà gọi sáng đã vang cầu Cời/ Đường về đẫm hạt sương rơi/ Đào vừa hé nụ đón trời rạng đông” (Trên đường tuần tra). 

Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ rằng, anh bắt đầu cầm bút viết những câu thơ đầu tiên khi còn là một chiến sỹ bảo vệ trại giam Yên Hạ ở Tây Bắc vào năm 1980. Sau một phiên gác đêm về nhớ nhà không ngủ được anh đã cầm giấy bút viết bài thơ “Lá thư sau phiên gác”. Anh viết một và gửi bài thơ và được in trên Báo Tiền Phong. Chính điều này đã là động lực để anh tiếp tục cầm bút sáng tác. 

Nhiều người vẫn nghĩ rằng công an là một nghề khô khan và cứng nhắc, nhưng nhiều người cũng bất ngờ với tâm hồn thơ của Nguyễn Đức Thịnh.

 Nhà thơ Hà Văn Thể, một người đồng hương của Nguyễn Đức Thịnh đã nhận ra những khoảng lặng phía sau công việc của người chiến sĩ là một thế giới nội tâm con người, như bao con người với bao niềm say mê, hứng thú riêng. Và ông nói: “Những bài thơ của Nguyễn Đức Thịnh ra đời trong những khoảng lặng riêng hiếm hoi như thế”.

Còn nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Tổng biên tập Báo Người Hà Nội khi nói về thơ Nguyễn Đức Thịnh đã cho rằng thơ anh không trau chuốt, không hào nhoáng câu từ, mà sâu xa trong cảm xúc vẫn là chữ “tình”, nặng lòng với quê hương, đất nước. 

Có hơn 20 năm công tác gắn bó với Tây Bắc. Núi rừng hoang sơ với khung cảnh đẹp và nỗi nhớ nhà da diết đã khiến anh có những cảm xúc thăng hoa. Đã từng làm công tác Tuần tra kiểm soát thuộc Phòng CSGT - Công an tỉnh Sơn La, đã từng cùng đồng đội bắt được nhiều đối tượng phạm pháp hình sự trên các tuyến giao thông, bắt giữ được nhiều đối tượng buôn lậu và thu được tổng số lượng ma túy qua các vụ là hơn 200 kg thuốc phiện. Nhưng với người chiến sĩ ấy lại có những giây phút lắng lại những bình yên cho tâm hồn. Anh ghi khắc những hình ảnh đẹp dọc đường tuần tra, đó là con suối róc rách, những bản làng vào buổi chiều khi các cô gái Thái thường ra suối lấy nước, rồi những đêm trăng đốt lửa ở bản… Anh đã viết nên những bài thơ như “Tà Xùa”, “Nhớ Tây Bắc”, “Sơn La của mẹ”, “Vòng xòe đêm hội”, “Em mùa xuân”, “Mưa đêm”, “Nhớ”. Bài thơ “Dưới ánh trăng” anh đã sáng tác trong một đêm đi tuần tra và tên bài thơ cũng được lấy làm tựa đề cho tập thơ của anh.

Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ rằng, trong con người của anh có hai thứ rành mạch: Công việc của người sĩ quan chỉ huy bận rộn, luôn cần sự tỉnh táo mọi lúc mọi nơi, nhưng khi anh khép lại công việc của một ngày và thả mình trong không gian riêng với trang giấy và cây bút, là lúc tâm hồn anh được giãi bày trước cái đẹp. Anh viết cho bạn bè, quê hương, cho đồng đội, viết cho cảm xúc của lòng mình trước những khoảnh khắc đẹp trôi qua của đời sống.