Kêu gọi "phượt" có văn hóa

ANTĐ - Mùa thu, mùa của những thửa ruộng bậc thang chín vàng khắp các nẻo cao phía Bắc, mùa của hoa tam giác mạch, mùa của những bước chân du khách tìm về với vùng cao. Trong rộn ràng không khí lễ hội nối tiếp nhau đón chào du khách, bên cạnh những lợi ích, những tác động tích cực tới điểm đến, đồng bào vùng cao, những tác động tiêu cực do sự thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức của những người đi “phượt” cũng đang là vấn đề nóng trên mọi diễn đàn du lịch.
Kêu gọi "phượt" có văn hóa ảnh 1

Cả chục sinh viên giẫm nát ruộng tam giác mạch

Tích cực đã rõ, nhưng…

Những năm gần đây, các chuyến đi “phượt” đã trở nên quen thuộc với cộng đồng những người yêu du lịch, khám phá ở Việt Nam. Thậm chí, nó đã trở thành một trào lưu cuốn hút giới trẻ. Qua đó, họ có cơ hội trải nghiệm bản thân, khám phá vẻ đẹp quê hương, tìm hiểu về văn hóa, con người ở mọi vùng miền Tổ quốc. Rất nhiều nhóm “phượt” sau khi khám phá, trải nghiệm đã có ý thức tích cực giúp các địa phương, cộng đồng xã hội ở những nơi họ khám phá và trải nghiệm bằng rất nhiều hành động tích cực, mang tính xây dựng.

Kêu gọi "phượt" có văn hóa ảnh 2

Đêm xòe bị dân phượt biến thành đêm lửa trại khiến người dân địa phương bức xúc

Một trong những hoạt động tích cực đó chính là sự xuất hiện ngày một nhiều của các nhóm “phượt” từ thiện, những chương trình chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng cao, hỗ trợ xây trường, tặng quần áo, sách vở cho học sinh và đồng bào khó khăn, dọn rác trên bãi biển, tại mỗi khu du lịch… đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tốt tới môi trường, xã hội.

Anh Trịnh Đình Minh - Công ty PYS Travel cho biết, trào lưu “phượt” trong những năm gần đây đã có nhiều tác động tích cực, thậm chí có thể coi là một đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của du lịch trong nước. Qua đó, nhiều điểm đến, nhiều sản phẩm văn hóa, đặc sản địa phương, đặc biệt là ở vùng cao đã được khám phá và trở nên đắt khách. Đồng thời, các chuyến đi này cũng tạo ra rất nhiều hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Cũng theo anh Minh, bên cạnh những mặt tích cực, dân du lịch “phượt” cũng có nhiều điều đáng phê phán. Những hành động xấu, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của các “phượt thủ” có thể gây hậu quả, tác động xấu đến môi trường du lịch, điểm đến và đặc biệt là văn hóa địa phương. Những hiện tượng du khách giẫm nát hoa màu của đồng bào vùng cao như tại Hà Giang, Lào Cai, Mộc Châu… rồi tham gia lễ hội văn hóa truyền thống nhưng thiếu tôn trọng bản sắc văn hóa địa phương đang tạo nên sự mất thiện cảm của đồng bào vùng cao với du khách. Đây là vấn đề mà những người yêu du lịch trải nghiệm nên lưu ý, tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện một chuyến đi nhằm đảm bảo an toàn, văn minh, trách nhiệm cho chính các thành viên và có tác động tốt tới địa phương, điểm đến.

Biến hội xòe thành đêm lửa trại

Tại Tuần lễ Văn hóa du lịch Mù Cang Chải vừa qua, sự xuất hiện của hàng vạn du khách tại thị trấn nhỏ vùng cao này đã tạo nên một không khí du lịch tấp nập chưa từng có. Bên cạnh đó, hiện tượng những du khách tham gia một cách thiếu ý thức, không tôn trọng văn hóa địa phương đã gây khá nhiều phiên toái cho cộng đồng cư dân nơi đây.

Anh Lý Văn Hà - Quản lý nhà văn hóa bản Nậm Khim, thị trấn Mù Cang Chải chia sẻ: “Hàng trăm du khách đã “đổ bộ” đến hội xòe tại Nhà văn hóa tối 19-9, đã biến hội xòe truyền thống của dân tộc Thái chúng tôi thành một kiểu lửa trại của dân thành phố. Chưa bao giờ chúng tôi lại có đêm xòe buồn cười như thế. Nhảy sạp lộn xộn, không hề có trật tự, văn hóa gì cả. Vấn đề là những vị “khách không mời này” chẳng hề hỏi han, xin phép hay đề nghị được tham gia lễ hội. Họ cứ tự xông vào và biến hội xòe thành chỗ vui chơi của họ…”.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thùy Dương, Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm (RTC) chia sẻ: Những năm trở lại đây, có nhiều đoàn khách du lịch dạng “phượt” do thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về văn hóa địa phương, cộng thêm sự thiếu ý thức đã gây nên bức xúc cho cộng đồng cư dân ở các điểm đến du lịch.

Những vụ việc như nhảy vào ruộng chụp ảnh, giẫm nát hoa tam giác mạch, hoa cải hay việc tham gia lễ hội một cách thiếu ý thức đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, văn hóa địa phương. Thậm chí, tạo ấn tượng xấu của người dân với loại hình du lịch mới này. Tiếp nữa là làm ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa địa phương mà có thể nêu ví dụ điển hình như tại Lễ hội Chợ tình Khau Vai. Những nét đẹp của một phiên chợ tình đã mai một rất nhiều, thậm chí chợ tình giờ không còn là chợ tình nữa. Đây là điều vô cùng đáng tiếc.

Cũng theo chị Dương, “phượt” cũng cần phải có văn hóa, “văn hóa phượt”. Mọi du khách “phượt” hãy cùng chung tay xây dựng “cộng đồng phượt” có một “văn hóa phượt” lành mạnh, hiểu biết và có trách nhiệm vì một tương lai bền vững của “phượt” và du lịch nói chung.