Tranh Lê Nguyên Vũ
Đang dắt xe đi tìm chỗ sửa, chợt thấy mùi địa lan ngát thơm ập đầy lồng ngực. Tôi vội dừng lại hít thở. Đường gân thớ thịt rạo rực cả lên. Theo hướng mùi hương kỳ ảo ấy, tôi thấy một ngôi nhà cấp bốn hiên tây bên đường, hai cánh cửa ngõ ngày Tết mở rộng. Một ông già chạc tuổi mình, mái tóc bạc trắng, búi cao, mặc com lê sang trọng thắt cà vạt màu xanh nõn chuối, đang chăm sóc mấy chậu địa lan. Máu mê lan nổi lên, tôi quên luôn tìm nơi vá xăm mà dắt xe vào cổng nhà ông. Thấy người lạ, ông ngẩng nhìn tôi một lượt:
“Ông hỏi tôi?”
“Vâng”
“Có việc gì?”
“Thấy chậu lan của ông thơm rạo rực như muốn níu chân người. Tôi muốn vào xem”
“Xe dính đinh à?”
“Vâng. Tôi tìm chỗ vá, chợt có hương lan ập vào lòng”
“Cứ để xe đây. Tôi gọi thằng cháu nó mang đồ nghề đến vá cho”
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mừng hết chỗ nói. Thật may, tôi vừa được thưởng lan vừa không lo tìm người vá xe.
“Vào nhà uống nước đi”
“Xin phép ông. Tôi...”
“Đằng nào chả phải chờ tôi gọi cho thằng cháu”
Theo phong tục ngày Tết, tôi xin phép ông lễ các cụ. Ngước nhìn bàn thờ, tôi giật mình thấy một bộ triều phục đầy đủ cả giày, áo thụng và mũ cánh chuồn đặt trang trọng trước long ngai. Vậy ông là dòng nhà quan. Trở ra bàn nước, tôi tấm tắc:
“Trải bao năm tháng mà nhà mình vẫn còn giữ được bảo vật của các cụ, thật đáng quý”.
Ông bảo:
“Tổ phụ tôi làm thượng thư, được vua Thiệu Trị ban cho. Chỉ ngày giỗ cụ và ngày Tết mới đem ra”
Tôi với ông hoá ra người cùng Quân chủng Phòng không - Không quân với nhau. Ông hơn tôi vài tuổi nhưng lại nhập ngũ sau hai năm. Cũng dân cao xạ pháo năm bảy, chỉ khác trung đoàn. Chuyện nổ như ngô rang. Toàn hồi ức đánh ở nơi này điểm kia. Ông chuyển ngành sang Ty Thương nghiệp Hà Nội với quân hàm Thiếu tá. Ông tráng ấm, pha chè, nhưng mải chuyện quên cả rót nước mời khách. Tôi dắt xe đi bộ, thèm nước se cổ nhưng không dám tự tiện. Ôn chuyện cũ chán, ông mời tôi ra xem lan.
Nhà ông chỉ có một chậu đại mặc to cỡ khủng đến ba chục thân, trồng vài chục ngồng hoa đang độ đẹp. Người không mê lan, không mê hoa đại mặc thì không thể thấy đẹp, thấy vui. Hoa nhiều, mùi hương thoắt ẩn thoắt hiện nhưng vẫn thơm dậy đất. Thơm tới mức khách như uống phải thuốc mê, cứ ngẩn ngơ, quanh quẩn bên chậu lan.
Tôi thấy ông chơi địa lan rất lạ. Chỉ có chậu đại mặc rõ to, đường kính phải tới bảy mươi phân Tây. Nhiều cây thì nhiều hoa. Có cây còn có đến hai ngồng. Và cạnh chậu đại mặc có thêm mấy chậu thanh ngọc. Mỗi chậu chỉ độ vài ba thân, chưa có hoa. Tôi ra vẻ tò mò hỏi từng loại lan. Ông bảo có hai loại thôi. Chậu đại mặc này có từ thời các cụ. Còn mấy chậu ngọc này ông mới gây. Tôi thóc mách:
“Chắc chậu đại mặc nhà mình lâu lắm rồi, ông nhỉ?”
“Lâu lắm. Từ thời cụ tôi cáo lão được cụ Phúc Xuyên cho”
Tôi lặng người. Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp được chậu mặc Phúc Xuyên tuyệt vời đến thế. Một chút nữa, tôi đã thốt kêu: Đây chính là giống mặc của ngoại tổ tôi. Nhưng nhà tôi thì chả còn giữ được cây nào. Đến những cái chậu trồng lan cũng tan tành hết. May sao, tôi đã kìm lòng được. Tôi vội hỏi để qua đi gương mặt thảng thốt của mình:
“Sao ông gây nhiều thanh ngọc thế?”
“Mấy năm gần đây, thanh ngọc nhiều quá. Tàu ta, tốt xấu lẫn lộn, tôi trồng thêm để dễ phân biệt. Dễ loại đi của rởm. Ông nhìn có thấy nó khác nhau một trời một vực không?”
“Khác lắm”
“Ông thấy loại nào đẹp nhất?”
Tôi làm ra vẻ ngắm nghía một lát rồi chỉ vào chậu thanh ngọc lá vút lên như thanh gươm dựng ngược, xanh đen, mỡ màng, củ to như quả trứng gà so.
Ông khen:
“Ông nhận xét đúng đấy. Chậu này có tiền cũng không mua được”
“Vâng. Tầm cây lan có gốc tích bây giờ khó lắm”
Ông gật đầu tán thưởng:
“Đúng vậy”
Tôi vẫn làm ra vẻ ngẫm ngợi rồi chỉ vào cây lá vút lên như lưỡi gươm dựng ngược bảo:
“Cái cây này tôi thấy nó giông giống mấy chậu lan của cụ Giao”
Mắt ông rực sáng, phấn chấn hỏi tôi dồn dập:
“Ông biết cụ Giao à? Ông xem thanh ngọc của cụ Giao lâu chưa?”
“Cách đây vài năm khi cụ còn sống. Chứ bây giờ cụ đi nó lụi theo cụ gần hết chỉ còn đâu hai chậu mà rất bấy bớt. Mỗi thân có vài cái lá mỏng mảnh như lá tỏi. Anh Sơn con cụ đang gây lại”
“Tiếc quá. Hồi trong năm tôi cũng ra lễ Tết cụ Giao và hướng dẫn anh Sơn chăm sóc nó. Thanh ngọc của tôi chính giống của cụ Giao đấy”
“Quý quá. Cả Hà Nội, thậm chí cả miền Bắc mình chỉ còn nhà cụ Giao có thanh ngọc của cụ Trưởng tràng ở Ngọc Hà”
“Chí phải. Thì ra ông cũng tìm hiểu địa lan kỹ nhỉ”
“Bây giờ người ta chơi lan hàng trăm chậu, đủ các loại, lan cũ, lan mới, lan tàu, lan ta, lan rừng, lan hoa xanh, hoa vàng, hoa tim tím... đầy vườn sao ông chỉ chơi có một chậu đại mặc rõ thật to?”
Ông chiêu một ngụm nước rồi tủm tỉm cười. Một nụ cười rất lạ. Vừa như khinh bạc coi thường kẻ dưới trướng vừa như kiêu hùng với người mù lan. Ông chem chép miệng mãi mới buông mấy lời:
“Chơi. Tôi chơi mà lị”
Tôi chợt nghĩ, chơi có dăm bảy đường. Chơi thật là khó. Chơi lan càng khó vô cùng. Anh em ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... cũng chơi lan đấy chứ. Nhưng vườn lan nhà họ có đến hàng trăm chậu, với đủ các sắc màu. Do vậy bàn về đạo chơi lan có lẽ cũng huyền ảo, kỳ thú như lan vậy.
Tôi chiêu một ngụm nước, gật đầu và tranh thủ thở sâu. Trời ơi, mùi hương lan thơm dậy đất, cuồn cuộn trong lồng ngực như từng đợt sóng. Tôi tấm tắc:
“Có lý. Ông nói rất có lý”
Ông giơ tay chỉ, “ông nhìn gian buồng mái bằng của tôi kia. Áp Tết tôi cho dọn hết đồ đạc, quét dọn sạch sẽ. Sớm ba mươi tôi bê chậu lan vào thắp hương tổ tiên để đến mờ tối đem vào buồng đóng chặt các cửa lại bật đèn thật sáng. Lan lạ lắm. Trời càng nắng hanh, không gian càng sáng thì lan càng náo nức toả hương. Quần áo của con cháu mặc mồng một Tết, là ủi cẩn thận, treo hết vào trong đó, cho hương lan ướp vào.
Quần áo khô hút hương lan mạnh lắm. Chả thế con dâu, con gái tôi tới đâu bạn bè nó cũng hít hà: “Mày mua nước hoa ở đâu mà tuyệt vời thế. Thứ hương có một không hai, lạ lắm. Sang lắm mày ạ. Nó như rủ rê, quyến rũ người ta vậy. Hương này mới gọi là hương Tết!”
Nói về nghề văn, sáng mồng hai Tết ấy, tôi đã gặp hên.